Thúc đẩy vai trò hành lang kinh tế Mỹ Thủy-La Lay

Quang Lâm |

Hành lang kinh tế đông tây Mỹ Thủy-La Lay của Quảng Trị nối với tỉnh Salavan của Lào và tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan (PARAEWEC) và ngược lại được xem là hành lang ngắn nhất ra biển Đông có chiều dài khoảng hơn 350 km. Xác định đúng tầm chiến lược quan trọng của PARAEWEC, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư khai thác, phát huy lợi thế hành lang này, nhất là đoạn Mỹ Thủy-La Lay.

Để phát triển hơn nữa kinh tế, xã hội PARAEWEC đoạn Mỹ Thủy-La Lay, nhiều định hướng, giải pháp đã được tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện, doanh nghiệp đã vào cuộc đầu tư có hiệu quả. Đây là những bước đi cụ thể nhằm tạo đột phá của tỉnh.

Nhiều tín hiệu vui

Những ngày này có dịp chứng kiến không khí nhộn nhịp ở cửa khẩu quốc tế La Lay cảm nhận được các doanh nghiệp và người dân làm thủ tục xuất, nhập cảnh ai cũng hài lòng. Cả hai luồng xuất, nhập cảnh tại Nhà Kiểm soát liên hợp ở cửa khẩu đã được đưa vào hoạt động giúp việc làm thủ tục cho các phương tiện, hàng hóa, con người qua lại của lực lượng chức năng tại cửa khẩu đồng bộ hơn. Mỗi luồng xuất cảnh và nhập cảnh có bốn làn xe cùng hoạt động, giúp cửa khẩu thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc như trước.

Nhiều phương tiện chuyên chở than đá từ Lào đợi làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế La Lay.
Nhiều phương tiện chuyên chở than đá từ Lào đợi làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế La Lay.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay thuộc Cục Hải quan Quảng Trị cho biết, nhờ hạ tầng khu cửa khẩu tốt hơn là một trong những yếu tố đã góp phần giúp hàng hóa thông quan tăng mạnh thời gian qua. Ba tháng đầu năm, các chỉ số hoạt động xuất nhập, khẩu; xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế La Lay đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 50,4 triệu USD, tăng 41,88%, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 415,4 nghìn tấn, tăng 53,01%, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là than đá, gỗ các loại. Năm 2023, tổng kim ngạch hai chiều qua cửa khẩu này đạt hơn 261 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 575 tỷ đồng, tăng hàng trăm lần so với năm 2022, trong đó đáng chú ý thu ngân sách từ nhập khẩu than đá từ Lào đạt hơn 500 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Đức Tiến cho biết, Quảng Trị có lợi thế rất lớn thúc đẩy việc nhập khẩu than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay vào Việt Nam để về cảng biển Mỹ Thủy trên hành lang kinh tế ngắn nhất này. Cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng hơn 100 km có mỏ than đá Kaleum thuộc Tập đoàn Phonesack của Lào, với tổng trữ lượng khoảng 1 tỷ tấn. Khối lượng khai thác trong năm 2023 đạt hơn 7,7 triệu tấn, trong đó xuất khẩu hơn 2,5 triệu tấn qua cửa khẩu quốc tế La Lay. Năm 2024, tập đoàn có kế hoạch khai thác khoảng 22,6 triệu tấn than, xuất khẩu khoảng 19 triệu tấn, riêng vào thị trường Việt Nam 11 triệu tấn chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong lúc đó, theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thì nhu cầu tiêu thụ than đá trong nước đến năm 2030 cần hơn 130 triệu tấn/năm. Riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung có nhiều nhà máy nhiệt điện hằng năm tiêu thụ một lượng than đá rất lớn. Hiện than đá trong nước mới đáp ứng nhu cầu khoảng 20 triệu tấn/năm; lượng than còn lại phải nhập khẩu qua đường biển, giá cước vận hành cao hơn việc nhập than đá từ Lào về qua cửa khẩu quốc tế La Lay. Ngoài việc để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc nhập khẩu than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy giá cước giảm được 20 USD mỗi tấn than vì tận dụng được quãng đường ngắn hơn của hành lang này so với các nơi khác.

Để quá trình hợp tác giữa Việt Nam-Lào tương xứng với tầm vóc quan hệ đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa nói chung và mặt hàng than đá nói riêng, trong đó có việc xây dựng phương án tổng thể vận chuyển than đá từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy. Qua đề xuất của tỉnh, các bộ, ngành, vào ngày 5/1/2024, Chính phủ có Nghị quyết số 04/NQ-CP đồng ý xây dựng đoạn băng tải thuộc Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới Việt Nam-Lào tại cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây là hệ thống băng tải lần đầu được đầu tư tại Việt Nam. Giai đoạn 1 của dự án có băng tải dài 5,5 km, công suất 6.000 tấn hàng/giờ; điểm đầu ở kho trung chuyển của Lào, điểm cuối tại kho trung chuyển của Việt Nam tại xã A Ngo, huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị nhằm xây dựng bốn đường băng tải vận chuyển than đá qua biên giới. 

Hiện Quảng Trị đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư, dự kiến triển khai thi công phần băng tải trên đất Việt Nam vào tháng 6/2024. Đoạn trên đất Lào phía bạn đã xây dựng xong kho trung chuyển than, cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 500m. Sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1 sẽ góp phần giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu này, khắc phục nguy cơ ùn tắc trên đoạn tuyến Quốc lộ 15D, tăng thu ngân sách cho tỉnh Quảng Trị từ nguồn nhập khẩu than và các khoản thu khác từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có liên quan. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng băng tải kín đi nổi trên cầu máng và hệ dầm, giàn thép dài 70km vận chuyển than đá từ kho trung chuyển ở xã A Ngo, huyện Đakrông về cảng biển Mỹ Thủy.

Đẩy nhanh xây dựng quốc lộ 15D, cảng biển Mỹ Thủy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế đông tây.

Tại Quảng Trị, hai hành lang kinh tế theo trục đông tây là Đông Hà-Lao Bảo và Mỹ Thủy-La Lay được đưa vào nghị quyết nhằm kết nối nội vùng và các nước trên hành lang kinh tế đông tây từ Myanmar, Thái Lan, Lào với Biển Đông qua hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Xa hơn, việc kết nối này giúp cho hoạt động giao lưu kinh tế các nước trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ rất thuận lợi hơn so với đi đường biển. Thúc đẩy vai trò của hành lang kinh tế Mỹ Thủy-La Lay được xác định là nội dung quan trọng, có tính chất làm nền tảng, là đòn bẩy nhằm khai thác lợi thế riêng có của Quảng Trị, tạo đột phá cho sự phát triển trong tương lai, đó cũng là hiện thực hóa Nghị quyết 26.

Vì vậy, tỉnh đang đầu tư nâng cấp toàn diện hạ tầng khu cửa khẩu và triển khai các thủ tục để sớm huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thành Quốc lộ 15D dài gần 70 km thông tuyến từ biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay. Quá trình giao thương hàng hóa từ cảng biển Mỹ Thủy đến các nước trên PARAEWEC qua Quốc lộ 15D là nhu cầu bức thiết để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, dư địa của Quảng Trị phục vụ phát triển bền vững. Quốc lộ 15D đoạn từ cửa khẩu quốc tế La Lay về đường Hồ Chí Minh nhánh tây có chiều dài 12 km qua khu vực miền núi, đèo dốc nên đang được nâng cấp để mặt đường rộng và đỡ gấp khúc. Đoạn đầu tuyến từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1 dài 13,8 km qua địa bàn huyện Hải Lăng là đường đã được đầu tư hơn mười năm trước với quy mô cấp III đồng bằng. Như vậy, chỉ còn lại đoạn dài 42 km từ Quốc lộ 1 đến cao tốc đường bộ Cam Lộ-La Sơn rồi đến Đường Hồ Chí Minh nhánh tây cần đầu tư xây dựng mới để thông tuyến theo quy hoạch.

Khu vực Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng chuẩn bị hình thành Khu bến cảng Mỹ Thủy để khai thác tiềm năng của hành lang kinh tế Mỹ Thủy- La Lay.
Khu vực Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng chuẩn bị hình thành Khu bến cảng Mỹ Thủy để khai thác tiềm năng của hành lang kinh tế Mỹ Thủy- La Lay.

Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án xây dựng mới Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Trên cơ sở chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao các đơn vị khảo sát, nghiên cứu xây dựng dự án này. Đoạn tuyến này sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với mức vốn dự kiến khoảng 3.900 tỷ đồng. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng quy mô bốn làn xe theo quy định.

Như vậy, đoạn đầu Quốc lộ 15D đấu nối với cảng biển Mỹ Thủy. Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy tại huyện Hải Lăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và khởi công vào năm 2020, với tổng diện tích 685 ha. Sau một thời gian chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư - Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy đã triển khai thi công Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy vào cuối tháng 3/2024, phấn đấu đến đầu năm 2026 đưa vào sử dụng trước hai bến. Khu bến cảng Mỹ Thủy là công trình giao thông rất quan trọng, là cảng biển nước sâu, có vị trí thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực, được xem là cửa ngõ thông ra Biển Đông. Với vai trò quan trọng như vậy, cảng nước sâu Mỹ Thủy sẽ phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực và thế giới theo quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050.

Sau khi đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 15D và khu bến cảng Mỹ Thủy, hai dự án trọng điểm này sẽ kết nối nội vùng và các vùng trong và ngoài nước với hệ thống giao thông như: Đường Hồ Chí Minh nhánh tây, cao tốc đường bộ bắc-nam Cam Lộ-La Sơn, cao tốc đường bộ Đông Hà-Lao Bảo, Quốc lộ 1, đường sắt bắc nam tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa nói chung và mặt hàng than đá nói riêng từ Thái Lan, Lào về Việt Nam với lưu lượng vận tải ước tính hằng năm rất lớn. Cùng với sự có mặt đầy đủ các loại hình trong Khu kinh tế đông nam Quảng Trị như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp VSIP... kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ cho sự phát triển bền vững tỉnh Quảng Trị cũng như khu vực trong tương lai.

Tháo gỡ vướng mắc các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp và khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay

Lê An |

Ngày 5/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp và khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong thời gian nghỉ tết, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đạt gần 1,56 triệu USD

Thanh Trúc |

Trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại các chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa) và La Lay (Đakrông, Quảng Trị) đã bố trí lực lượng tăng cường, đảm bảo giải quyết nhanh chóng thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp.

Cần thiết xây dựng đề án “Phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay”

Thanh Hải |

Ngày 22/1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về đề án “Phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.