Tìm lại mặt ruộng sau mưa lũ

Hưng Thơ |

Đợt mưa lũ trong tháng 10 và tháng 11.2020, các tỉnh miền Trung có khoảng 2.624ha đất nông nghiệp bị vùi lấp. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có diện tích bị ảnh hưởng nặng nhất - 1.704ha (đất trồng lúa 1.051ha). Khoảng 1 tháng nữa là đến vụ đông xuân, nhưng mặt ruộng vẫn đang bị đất, cát bồi lấp có nơi cả mét, nên Quảng Trị phải động viên các lực lượng ra đồng hỗ trợ người dân.

Mình nông dân không đủ sức

Sau khi cơn lũ thứ 4 trong tháng 10 rút đi, đồng ruộng ở thôn Trà Liên Đông (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị lớp cát và đất phủ lên mặt ruộng. Khắc phục xong thiệt hại trong nhà, đợi khi ngớt mưa thì bà Bùi Thị Kim Phụng (thôn Trà Liên Đông) mới ra thăm đồng. Từ mương dẫn nước đến mặt ruộng đều phủ lớp đất cát dày, có nơi bước chân xuống, bà Phụng bị lún đến nửa người.

Các lực lượng hỗ trợ người dân cải tạo ruộng đồng sau mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: XD
Các lực lượng hỗ trợ người dân cải tạo ruộng đồng sau mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: XD

“Thấy vậy tôi ngao ngán quá, nên trở về nhà luôn, vì mấy lao động trong nhà có cố gắng cũng không đủ sức để cào hết đất cát ra khỏi ruộng” - bà Phụng kể.

Giáp ruộng của bà Phụng, 2 sào ruộng của bà Hồ Thị Túy (thôn Trà Liên Đông) cũng bị bồi lấp, nhưng chỉ với độ dày từ 50-70cm. Để khắc phục, bà Túy nhờ người thân cầm cuốc ra đồng, nhưng không làm xuể. “Nước lũ cuốn trôi hết tài sản rồi, vụ này mà không gieo cấy được thì tới đây sẽ đói luôn” - bà Túy lo lắng.

Thôn Trà Liên Đông có tổng cộng 31ha trồng lúa nước, nhưng có đến 23ha bị đất cát bồi lấp. Toàn huyện Triệu Phong có 220ha trồng lúa bị vùi lấp, có nơi bị san phẳng. Còn toàn tỉnh Quảng Trị, diện tích đất bị vùi lấp là 1.704ha, trong đó đất trồng lúa 1.051ha, đất trồng cây hoa màu 653ha. Trong số đất bị vùi lấp, 266ha trước mắt không thể khôi phục được.

“Vụ đông xuân sắp đến rồi, nhưng đồng ruộng vẫn còn ngổn ngang, người dân cần hỗ trợ không chỉ sức người mà cả máy móc cơ giới mới khắc phục được” - ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, cho biết.

Huy động tổng lực

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói rằng, trước những tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra, để khôi phục, trước hết phải vực dậy nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh này đã phát động các lực lượng quân đội, đoàn viên thanh niên, người dân… cùng ra quân khôi phục kênh mương, ruộng đồng.

Cuối tháng 11, Trung đoàn bộ binh 842 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp với địa phương, đoàn viên thanh niên, lực lượng công an, và người dân trên địa bàn có mặt ở cánh đồng xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) để cải tạo đồng ruộng bị vùi lấp. Công việc của các lực lượng là dùng cuốc xẻng nạo vét bùn đất ở kênh mương dẫn nước, và cào mớ bùn đất để tìm lại mặt ruộng. Cùng với máy móc hỗ trợ, hàng nghìn mét kênh mương nội đồng và hàng nghìn khối đất cát, bùn đất vùi lấp trên các cánh đồng của người dân được lấy đi.

Trước khi bộ đội về, những nông dân như bà Hồ Thị Túy bất lực vì khối lượng đất cát bồi lấp quá lớn, không khắc phục nổi. Thì nay, ½ diện tích ruộng của gia đình bà đã được giải phóng hoàn toàn khỏi đất cát. Phần diện tích còn lại, người dân ở thôn sẽ hoán đổi công để khắc phục dần.

Có mặt trên cánh đồng xã Triệu Giang, chứng kiến các lực lượng và người dân cùng chung tay khắc phục ruộng bị ảnh hưởng sau lũ lụt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cách làm của tỉnh Quảng Trị rất hay và kịp thời, cần được nhân rộng ở các địa phương khác đang bị bồi lấp sau mưa lũ.

TAGS

Khi đồng ruộng thừa... phù sa

Nguyễn Phúc |

Từng hạt phù sa từ muôn đời đối với người nông dân là tia hy vọng về những mùa vàng bội thu. Nhưng phù sa, hay nói đúng hơn là bùn đất đóng dày cả mét trên ruộng đồng sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Trị năm nay chỉ để lại sự ám ảnh. Ai có thể canh tác và loài cây nào có thể nảy mầm trên những mảnh đất đóng dày cả mét bùn đất đó?

Ruộng bậc thang - bức tranh nghệ thuật nơi vùng núi Sơn La

Quang Quyết |

Do ở vị trí cao, vùng núi khó có đất bằng để canh tác nhất là trồng lúa nước, người dân chọn các sườn đồi có đất màu, tạo mặt bằng rồi dần dần thành những thửa ruộng nhỏ xinh.

Hết ca trực, biên phòng ở chốt phòng dịch ra ruộng gặt lúa giúp dân

Hưng Thơ |

Tranh thủ lúc rảnh, cán bộ chiến sĩ biên phòng ở chốt phòng dịch COVID-19 xuống ruộng giúp dân gặt lúa.

Giống lúa Đài Thơm 8 khẳng định tính ưu việt trên đồng ruộng Quảng Trị

Bá Thuần |

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, để năng cao năng suất lúa, trong những năm qua, trên cơ sở khảo sát thực tế, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị của Trung ương đưa một số giống có thời gian sinh trưởng ngắn và có nhiều ưu điểm vợt trội vào sản xuất đại trà, trong đó có giống lúa Đài Thơm 8. Việc làm này làm cho các HTX và bà con nông dân rất phấn khởi.