Khi đồng ruộng thừa... phù sa

Nguyễn Phúc |

Từng hạt phù sa từ muôn đời đối với người nông dân là tia hy vọng về những mùa vàng bội thu. Nhưng phù sa, hay nói đúng hơn là bùn đất đóng dày cả mét trên ruộng đồng sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Trị năm nay chỉ để lại sự ám ảnh. Ai có thể canh tác và loài cây nào có thể nảy mầm trên những mảnh đất đóng dày cả mét bùn đất đó?


Tiếng thở dài trên những cánh đồng bị vùi lấp

Cho đến giữa tháng 11/2020, nếu đi trên con đường độc đạo dẫn từ trung tâm huyện Đakrông và xã bán sơn địa Triệu Nguyên, huyện Đakrông vẫn thấy bùn đất còn bám trên từng ngọn cây, bờ rào và trên những đôi bàn chân, bàn tay lấm lem của con người.

Bùn đất lấp hết 0,5 ha nghệ của anh Hồ Văn Bằng ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa -ẢNH: THANH LỘC​
Bùn đất lấp hết 0,5 ha nghệ của anh Hồ Văn Bằng ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa -ẢNH: THANH LỘC​

Xã Triệu Nguyên có diện tích hẹp, chỉ gồm 2 thôn, lại có địa thế không thuận lợi, một bên là núi, một bên là dòng sông Đakrông. Xã chỉ có một rẻo đất ở giữa là nơi sinh sống và cũng là đất sản xuất của người dân. Cách đây tròn 1 tháng, lũ ùa về, bùn đất không biết ở đâu ra cứ theo nước cuồn cuộn tống về Triệu Nguyên, tràn vào nhà dân, vùi lấp dải đất chạy dọc sông Đakrông trước đây vốn là nương lúa, rẫy ngô... xanh rì.

Thống kê của chính quyền xã Triệu Nguyên cho thấy, có tới 150 ha đất sản xuất nông nghiệp bị cát và phù sa bồi lấp từ 0,5 đến 1 m; hệ thống đường nội đồng 5,7 km cùng hệ thống kênh mương “mất tích” hoàn toàn bởi đất đá hàng trăm khối. “Việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân là hoàn toàn không thể”, ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên nói.

Hầu như không còn mô hình sản xuất nào ở khu vực dọc sông Đakrông của Triệu Nguyên tồn tại sau lũ. Mô hình trang trại lớn nhất trồng 2,5 ha sâm Bố Chính đã bị đẩy về số 0, do cây thì bị lũ cuốn, hệ thống tưới, hàng rào, giếng khoan, điện... hư hỏng hoàn toàn. “Tất cả vốn liếng đầu tư mấy trăm triệu vào trang trại sâm Bố Chính đã mất hết sau một đêm. Chúng tôi đầu tư với biết bao kỳ vọng về một loại cây dược liệu mới mẻ, nhưng nhận lại không có gì ngoài ...bùn”, anh Nguyễn Minh Phong nói như một tiếng thở dài.

Đứng giữa bãi bùn đã khô lại như sa mạc, bà Nguyễn Thị Lương (65 tuổi), trú tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên không thể hình dung đâu là vị trí nương ngô xanh tốt trước đây của gia đình. “Tôi sống đến chừng này tuổi chưa bao giờ thấy bùn đất đổ về khủng khiếp đến thế. Tôi thực sự trắng tay”, bà Lương chống cằm, nhìn xa xăm nói.

Nhưng nỗi ám ảnh về phù sa không chỉ hiện diện ở Triệu Nguyên, mà ở xã bên kia sông Đakrông là Ba Lòng, hàng trăm hộ nông dân cũng đang rối bời vì đồng đất bị vùi lấp. Hay ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, địa phương từng bị cô lập nhiều ngày sau lũ dữ, có đến 500 ha đất sản xuất nông nghiệp đã thành bình địa vì...bùn. “Khoảng vườn đó chúng tôi trồng lúa nếp, giờ mất hết rồi, Tết này lấy gì ăn đây”, chỉ tay về khoảng đất rộng mênh mông, ông Hồ Văn Vươn, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, nói về nỗi lo của mình.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Bằng (cũng trú ở thôn Xa Đưng) từng là điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp ở địa phương khi mày mò bỏ công đầu tư, chăm sóc hơn 0,5 ha nghệ giờ cũng đành nhìn thành quả bị vùi dưới đất, đã không giấu được những giọt nước mắt tủi hờn: “Mất hết thật rồi”.

Người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông khắc phục phần nào những thiệt hại sau lũ lụt -Ảnh: THANH LỘC​
Người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông khắc phục phần nào những thiệt hại sau lũ lụt -Ảnh: THANH LỘC​

Vượt khó khôi phục sản xuất

xã Hướng Việt, nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Việc mất đất sản xuất vì bùn thực sự trở thành một vấn đề hết sức nan giải cho địa phương, bởi thực tế lúc này, dân bản thực sự cần cái ăn, cái mặc để tồn tại hơn. Và nếu hiện thực nhu cầu trước mắt, bỏ bê sản xuất thì việc thiếu đói chỉ gần ngay trước mặt, nhất là Tết Nguyên Đán đang đến gần. “Cái vòng luẩn quẩn đó làm cho người dân nghèo mãi. Thời gian sắp tới sẽ rất khó khăn cho bà con. Biết vậy nhưng nhìn ra các mảnh ruộng, khối lượng đất đá quá lớn, không biết phải làm thế nào để khắc phục”, ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt nói.

Các trang trại lớn nhỏ dọc sông Đakrông ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông đều tan hoang sau mưa lũ -Ảnh: THANH LỘC
Các trang trại lớn nhỏ dọc sông Đakrông ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông đều tan hoang sau mưa lũ -Ảnh: THANH LỘC

Dù thế, lãnh đạo xã Hướng Việt vẫn nuôi một tia hy vọng rằng về lâu dài, người dân và chính quyền đang mong chờ sự hỗ trợ, đầu tư, có giải pháp căn cơ để đảm bảo về sinh kế cho người dân… của Nhà nước, của các ban ngành và các mạnh thường quân.

Trong khi đó, ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên dù từng thừa nhận bản thân ông cũng chưa biết bắt đầu lại từ đâu với chính trang trại của mình bị bùn tàn phá, nhưng vẫn bàn tính hướng giúp dân gượng dậy. “Trước hết, cần phải san gạt, cải tạo đồng sản xuất gần 150 ha, bóc lấp bùn đất ở đường nội đồng, kênh mương. Khi đã có “mặt bằng sạch” trở lại, thì người dân cần được hỗ trợ hạt giống, con giống, phân bón, thức ăn...và đặc biệt là muốn hỗ trợ vốn vay ưu đãi để khôi phục các hoạt động sản xuất”, ông Hoài nói.

Ở góc độ vĩ mô, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thiệt hại do lũ lụt liên tiếp ở Quảng Trị là rất lớn, khủng khiếp nhất là lượng bùn đất vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn trong thời điểm hiện tại. Ông Hưng cho rằng việc cứu trợ chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài tỉnh sẽ giao cho các sở, ngành và địa phương tiến hành khảo sát để có phương án hỗ trợ người dân ở vùng bị lũ trong điều kiện của tỉnh. “Tỉnh sẽ hỗ trợ cây, con giống, các dự án, mô hình phát triển kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ... Ngoài xin hỗ trợ từ trung ương, chúng tôi cũng rất cần nguồn lực từ bên ngoài, cùng Quảng Trị giúp người dân gượng dậy sau lũ”, ông Võ Văn Hưng nói. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, hơn lúc nào hết, giữa bộn bề gian khó, người dân càng không nên có tâm lý ỷ lại mà phải đồng lòng, đồng sức đứng lên để tự cứu mình.

Phù sa trên ruộng đồng lúc này vẫn còn bám dày nhưng “phù sa đời người” dạy người dân vùng lũ rằng không bao giờ là tuyệt vọng, rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Vùng rốn lũ Ba Lòng khắc phục hậu quả lũ lụt

Trường Nhật |

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Ba Lòng là một trong những xã miền núi của huyện Đakrông (Quảng Trị) bị thiệt hại đặc biệt nặng nề. Gần 400 ngôi nhà bị ngập nước nơi ngập sâu nhất hơn 5 mét, 400 héc ta đất màu bị vùi lấp và khoảng hơn một nửa bị bồi lấp nặng, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tuy vậy, chính quyền và Nhân dân xã Ba Lòng không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước mà chủ động, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Cử tri Quảng Trị mong muốn được hỗ trợ kịp thời sau lũ lụt

Nguyên Lý |

Trong hai ngày 23 - 24/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương trong tỉnh để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và ghi nhận ý kiến phản ánh của nhân dân.

Bộn bề công việc khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Thanh Trúc |

Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng; nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu hụt; ô nhiễm môi trường; hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề; hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn không có thu nhập trong thời gian trước mắt... đó là hậu quả nghiêm trọng sau bốn trận lũ lịch sử vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua thiên tai, nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ mùa mới với nỗ lực vượt bậc giữa bộn bề khó khăn, thách thức...

Trao quà giúp lực lượng biên giới Lào khắc phục hậu quả bão lụt

Bích Liên |

Ngày 19/11/2020, tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức trao quà hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt cho nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự và Ty an ninh các tỉnh Savannakhet, Salavan, nước CHDCND Lào.