Bộn bề công việc khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Thanh Trúc |

Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng; nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu hụt; ô nhiễm môi trường; hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề; hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn không có thu nhập trong thời gian trước mắt... đó là hậu quả nghiêm trọng sau bốn trận lũ lịch sử vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua thiên tai, nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ mùa mới với nỗ lực vượt bậc giữa bộn bề khó khăn, thách thức...

Sửa chữa hạ tầng sản xuất

38 km các tuyến đê bị sạt lở, hư hỏng, nhiều kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, cuốn trôi, 23 đập thủy lợi sạt lở, trong đó tuyến tràn xả lũ Nam Thạch Hãn bị ảnh hưởng nặng. 90 trạm bơm bị hư hỏng, bùn đất bồi lấp, hàng chục cây số bờ sông, suối, bờ biển bị sạt lở, cuốn trôi, ăn sâu vào đất thổ cư, đất sản xuất, nguy cơ cao mất an toàn nhà cửa của Nhân dân. hơn 1.623 ha diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, hơn 686 tấn hạt giống lúa bị hư hỏng...

Bộ đội giúp dân cải tạo đồng ruộng sau lũ lụt - Ảnh: T.T​
Bộ đội giúp dân cải tạo đồng ruộng sau lũ lụt - Ảnh: T.T​

Ngoài ra, có 34 công trình cấp nước bị hỏng khiến 22.000 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Đó là những con số thống kê sơ bộ thiệt hại về hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khôi phục sản xuất cũng như đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân sau lũ lụt. Ông Cao Thạch, ở thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, Triệu Phong, một người đã gắn bó với đồng ruộng hơn 40 năm không giấu được sự e ngại khi nhìn mảnh ruộng của mình bùn, cát lấp dày gần cả mét. “Tôi sống đến ngần này tuổi, từng chứng kiến biết bao trận lụt lớn nhỏ, nhưng chưa năm nào thấy nản lòng như năm nay. Sau lụt, giống lúa trôi theo nước, đồng ruộng tan hoang, nhưng thấy hửng nắng, nông dân cũng vác cuốc ra đồng. Ra đồng mà phân vân không biết phải bắt đầu như thế nào bởi bùn, cát lấp dày, kênh mương phủ bùn không còn dòng chảy”.

Huyện Triệu Phong có 220 ha diện tích trồng lúa, riêng thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang có 31 ha nhưng có đến 23 ha bị đất, cát vùi lấp, có nơi lượng bùn dày hơn 1,2 m. Cải tạo đồng ruộng hiện tại không còn là việc của từng hộ dân mà buộc phải huy động sự giúp sức của cả hệ thống chính trị, đó là chính là giải pháp cấp bách đặt ra không chỉ của riêng Triệu Phong mà đối với các địa phương khác trong tỉnh nhằm tiến hành sản xuất vụ đông năm 2020 và những vụ mùa tiếp theo. Lấy thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang làm thí điểm, ngành nông nghiệp phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên và chính quyền địa phương đã huy động nhân lực hỗ trợ dọn đất cát vùi lấp trên cánh đồng, khơi thông kênh mương dẫn nước tưới tiêu sản xuất. Ngoài ra, huyện Triệu Phong hỗ trợ kinh phí để thuê phương tiện máy móc, bởi thực tế, dù huy động đông nhân lực trợ giúp nhưng bằng sức người không thể xử lý hết khối lượng bùn đất tràn mặt ruộng. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết, đây chỉ là bước đầu để cơ bản “định hình” lại đồng ruộng, đảm bảo cho người dân bắt tay vào sản xuất vụ đông trước mắt. Công cuộc khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở địa phương cần có thời gian và nguồn lực đầu tư từ các cấp, các ngành mới ổn định lâu dài.

Sửa chữa cơ sở hạ tầng sản xuất sau lũ lụt cần phải bắt đầu từ những việc như các địa phương phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, san ủi cải tạo đồng ruộng bị vùi lấp để tổ chức lại sản xuất kịp thời. Tập trung nạo vét kênh mương, cửa cống, cửa nhận nước bị bồi lấp đảm bảo thông thoáng, sớm hàn gắn những đoạn kênh bị hư hỏng, đảm bảo kín nước. Các đơn vị chức năng như Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi cần phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, đồng thời tiến hành tổng kiểm tra rà soát toàn bộ các hệ thống công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, tiến hành khắc phục tạm thời trước mắt để đảm bảo phục vụ sản xuất và đề xuất phương án xử lý lâu dài. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, các công trình cấp nước sạch nông thôn bị hư hỏng, phân loại khẩn cấp đồng thời có phương án khắc phục hợp lý; đề xuất thứ tự ưu tiên đối với các công trình hư hỏng lớn để khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Người dân cần giống phù hợp để sản xuất hiệu quả

Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón... là những thứ người nông dân cần trong thời điểm này để triển khai sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, việc cấp giống cho người dân cần phải phù hợp với nhu cầu sản xuất, bởi thực tế, nhiều loại giống hoa màu được cấp phát về cho dân không phù hợp. Ông Hồ Sỹ Bình, ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà  (Quảng Trị) cho biết: “Sau lũ lụt, hầu hết các hộ trồng rau trên địa bàn đều thiệt hại nặng nề. Quan trọng nhất bây giờ là giống rau để sản xuất. Vừa qua, các hộ trồng rau nhận được giống hỗ trợ của các ngành chức năng. Chúng tôi rất cảm ơn các ngành đã quan tâm hỗ trợ giống để sản xuất, tuy nhiên giống cải xoăn miền Bắc chúng tôi được nhận hỗ trợ vừa qua không phù hợp với chất đất, khí hậu, người tiêu dùng không ưa chuộng nên chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ không như mong muốn. Người dân rất cần các đơn vị chức năng có sự khảo sát nhu cầu thực tế để cấp phát giống phù hợp, như vậy mới phát huy giá trị sản xuất”. Cũng theo ông Bình, với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết tại địa phương, người trồng rau ở phường Đông Thanh cần nhất thời điểm này là giống cải bẹ xanh, hành lá, dưa leo hai mũi tên, ớt chỉ thiên... để trồng cho vụ đông. Những loại rau màu này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm bón và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các hộ trồng rau hiện nay hầu như không đủ tiền mua giống, bởi theo tính toán của ông Bình, một sào rau phải mất ít nhất 900 nghìn đồng tiền giống, chưa kể phân bón, như gia đình ông còn gánh thêm chi phí thuê đất. Ông Nguyễn Đức Vầy, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thanh cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, địa phương thiệt hại gần 50 ha rau màu. Từ nguồn hỗ trợ giống của trung ương và địa phương, phường Đông Thanh vừa được cấp 135 kg giống rau màu, trong đó chủ yếu giống cải xoăn miền Bắc để triển khai sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ tỉnh 5 tấn giống ngô nếp, 5 tấn giống rau, tuy nhiên điều kiện tổ chức sản xuất đến thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất cây vụ đông muộn năm 2020 là nhiệm vụ cấp bách mà ngành nông nghiệp đặt ra nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm trước mắt. Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai sản xuất vụ đông muộn, trong đó có hướng dẫn cụ thể người dân như đối với giống ngô phải gieo vào khay bầu trong vườn, khi đất đảm bảo mới đem ra trồng. Khuyến cáo người dân chưa thực hiện gieo trồng hoa màu đối với những vùng có độ ẩm cao để tránh đưa lại hiệu quả thấp. Trước mắt, hỗ trợ giống lúa, ngô, rau đậu các loại... nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất. Hỗ trợ giống cây ăn quả các loại khôi phục diện tích sản xuất bị ngập úng, gãy đổ, hư hại trên địa bàn như giống chuối, bơ, cam, bưởi, ổi, xoài... Hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để người dân sớm tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sinh kế trong ngắn hạn, hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân các loại giống thủy sản như các loại cá trê, trắm, mè, chép, tôm giống… đảm bảo về số lượng và chất lượng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Ngành chức năng tăng cường phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện những công việc cần thiết để chăm sóc, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi do tác nhân gây bệnh phát tán ra môi trường sau mưa lũ. Triển khai chống đói, củng cố và vệ sinh chuồng trại, thu gom xác vật nuôi chết để xử lý theo quy định, vệ sinh thức ăn, khử khuẩn nước uống cho vật nuôi. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án khôi phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, triển khai sản xuất vụ đông 2020 và đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tiếp nhận hơn 1,8 tỉ đồng và quà hỗ trợ người dân vùng lũ lụt

K.K.S |

Từ ngày 18 – 21/11/2020, các đoàn công tác của UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy, Công đoàn Công ty Hon Đa Việt Nam, Cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Kharkou và Mariupol – Ukraina đã đến thăm, tặng quà, hỗ trợ kinh phí cho người dân Quảng Trị bị thiệt hại do lũ lụt. Tiếp và làm việc với các đoàn có Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng và các phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh.

Trao quà cho học sinh vùng lũ lụt

An Phong |

Hôm nay 20/11/2020, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức trao quà cho học sinh bị ảnh hưởng lũ lụt trên địa bàn huyện Triệu Phong, Cam Lộ.

Samsung Việt Nam ủng hộ 5 tỷ đồng giúp miền Trung vượt qua lũ lụt

PV |

Để giúp đồng bào miền Trung vượt qua lũ lụt, các nhà máy và nhân viên của Samsung Việt Nam đã ủng hộ 5 tỷ đồng và miễn phí công sửa chữa, bảo trì đồ điện tử... cho người dân vùng lũ.

Tặng con giống, tạo sinh kế hậu lũ lụt cho nhân dân biên giới

Phan Vĩnh |

Ngày 13/11/2020, thông qua kết nối của Đồn Biên phòng Hướng Lập, các tổ chức từ thiện đã tặng hàng ngàn con giống cho đồng bào xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) để tạo sinh kế hậu lũ lụt.