Hiện nay, COVID-19 đang tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh khó khăn chung, hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu và cảng biển ở tỉnh Quảng Trị vẫn phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng thu ngân sách địa phương, đó là tín hiệu rất đáng mừng.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Quảng Trị, quý III/2021 kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đạt 311,57 triệu USD, tăng 123,88%, với tổng trọng lượng hàng hóa đạt trên 600 ngàn tấn; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đạt 43.868 lượt, tăng 17,79% so với cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 25/9/2021 Hải quan Quảng Trị thu ngân sách nhà nước đạt 1.279,9 tỉ đồng, đặc biệt thuế giá trị gia tăng đạt 1.195,7 tỉ đồng. Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo thu 245,87 tỉ đồng; Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay thu 56,29 tỉ đồng và Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt thu 975,77 tỉ đồng. Cũng thời gian này, đơn vị đã làm thủ tục cho 6.921 tờ khai quá cảnh đi và đến, trị giá 3,2 tỉ USD với tổng trọng lượng hàng hóa quá cảnh đạt 585.629 tấn, chủ yếu là các mặt hàng như linh kiện điện tử, giấy, máy tính...
Mặc dù cảng Cửa Việt không phải là cảng biển lớn so với các tỉnh khu vực miền Trung nhưng mấy năm trở lại đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại đây diễn ra khá sôi động. Hàng hóa thông quan tại cảng Cửa Việt rất đa dạng về chủng loại, trong đó chủ yếu là hàng rời như dăm gỗ, than cám, thạch cao và hàng bách hóa tổng hợp như nông sản, bao kiện, sắt thép, vật tư, thiết bị lắp ráp nhà máy điện gió. Ngoài ra, còn có hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ở trong tỉnh và nguồn hàng quá cảnh của các nước Thái Lan, Lào chuyển qua đang mở ra cơ hội phát triển cho cảng Cửa Việt. Năm 2021 các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may mặc, khoáng sản, thạch cao, clinker, than với trọng lượng 1.224.938,72 tấn đã xuất khẩu qua cảng. Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử, hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan nên hàng hóa khai báo nhanh gọn, thuận lợi.
Doanh nghiệp tham gia tích cực vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cảng Cửa Việt phải kể đến Công ty CP SCI E&C. Từ tháng 11/2020 doanh nghiệp bắt đầu đăng ký nhập khẩu thiết bị điện gió qua cảng Cửa Việt để phục vụ dự án điện gió Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3; Hướng Phùng 2, 3; Hướng Linh 7,8. Nhờ thủ tục hải quan được điện tử hóa, cũng như sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực từ phía Hải quan Quảng Trị nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh linh kiện, thiết bị thi công điện gió thì gỗ dăm, khoáng sản ti tan, thạch cao… là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu qua cảng Cửa Việt có khối lượng lớn.
Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị Lê Vĩnh Thiều cho biết, mấy năm trước hàng của doanh nghiệp phải xuất qua cảng Hòn La (Quảng Bình) hoặc Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Từ khi chuyển hướng sang xuất khẩu ở cảng Cửa Việt thì thuận tiện hơn nhiều, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty đã xuất qua cảng Cửa Việt hơn 300 ngàn tấn khoáng sản titan đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…
Mặc dù phải chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập cảnh đối với phương tiện vận tải tàu biển tại cảng Cửa Việt trong thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể do hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quốc tế tăng và cơ bản vẫn diễn ra thuận lợi trên tuyến đường biển. Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị Lê Văn Châu đưa ra những con số đối chiếu, từ năm 2018 tổng lượt tàu đến cảng Cửa Việt là 1.971 lượt, tổng lượng hàng hóa đạt 1.052.805,71 tấn; năm 2020 lượt tàu đến 2.019 lượt, tổng lượng hàng hóa 1.246.376,73 tấn và 9 tháng đầu năm 2021 có 1.993 lượt tàu thuyền cập cảng với tổng lượng hàng hóa đạt 1.224.938,72 tấn, tăng 117,08% cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa hiện nay ở cảng Cửa Việt vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là việc quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối giữa đường thủy, đường bộ, đường sắt tại khu vực cảng biển Cửa Việt chưa đồng bộ nên việc vận chuyển hàng hoá, hành khách mất rất nhiều thời gian, chi phí, do vậy chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư từ các chủ hàng, chủ tàu đến với bến cảng Cửa Việt. Mặt khác, độ sâu luồng hàng hải Cửa Việt thường xuyên bị bồi lấp, hướng tuyến thay đổi nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với tàu thuyền. Hiện nay, tại bến cảng Cửa Việt chưa có khu neo đậu tránh trú bão có quy mô đáp ứng cho tàu thuyền có trọng tải đến 3.000 tấn nên rất khó khăn trong việc điều động và bố trí điểm neo an toàn cho tàu thuyền khi có thiên ta xảy ra…
Do đó, các lực lượng chức năng ở cảng Cửa Việt cùng phối hợp tăng cường tổ chức kiểm soát chặt chẽ thuyền viên, hành khách tại khu vực cảng biển thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị; đảm bảo vận tải hàng hóa, hành khách an toàn, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đối với lực lượng Hải quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 215/CT-TCHQ ngày 15/1/2021 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.
Hiện nay, cảng Cửa Việt được xem là “điểm nhấn” để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bởi cảng Cửa Việt có thể tiếp nhận tàu vận tải biển quốc tế với kích cỡ, trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng, khai thác các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, khai thác tối đa năng lực cảng Cửa Việt, mở ra cơ hội giao thương với các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy mô và nâng cấp cầu cảng số 3 chiều dài từ 100m lên 140m về phía thượng lưu tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn và điều chỉnh quy mô, công năng cầu cảng số 4 từ cảng tổng hợp kết hợp hành khách thành cảng khách chuyên dùng với chiều dài 70m. Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh quy mô và nâng cấp kéo dài cầu cảng số 2 từ 64m lên 129m (kéo dài về phía thượng lưu 65m tiếp giáp với cầu cảng số 1) và cải tạo cầu cảng số 1 để tăng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 2.000 tấn lên 5.000 tấn… Khi hệ thống cầu cảng được nâng cấp, hệ thống giao thông được kết nối liên hoàn và độ sâu luồng lạch được nạo vét, khơi thông sẽ là cơ hội để cảng Cửa Việt trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực cũng như các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)