Triển vọng từ mô hình trồng cây mãng cầu dai ở Gio An

Tú Linh |

Anh Nguyễn Tiến Dũng, 35 tuổi, ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) hiện đang là chủ trang trại cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là cây mãng cầu dai giống Thái Lan. Dù vườn cây mới cho vụ thu hoạch đầu tiên nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống ở địa phương.

Là lao động chính trong gia đình, bấy lâu nay anh Dũng luôn trăn trở, đất đỏ Gio An phì nhiêu nên không thể chỉ trồng hai loại cây hồ tiêu, cao su mà rất cần trồng thêm nhiều loại cây ăn quả hàng hóa để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Quyết tâm tạo ra trang trại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, anh đến nhiều vùng đất tìm tòi, học hỏi cách làm nông nghiệp, cuối cùng quyết định đưa giống cây mãng cầu dai về trồng tại thôn An Nha, nơi có đất đỏ pha sỏi và nguồn nước tưới ao hồ phong phú.

Anh Nguyễn Tiến Dũng chăm sóc vườn mãng cầu -Ảnh: TÚ LINH
Anh Nguyễn Tiến Dũng chăm sóc vườn mãng cầu -Ảnh: TÚ LINH

Cách đây gần 3 năm, anh Dũng mua giống mãng cầu dai từ một đơn vị chuyên cung cấp giống cây trồng ở miền Bắc, mỗi cây giống ghép cành có giá 40 nghìn đồng. Trung bình mỗi sào đất trồng được 50 cây. Anh Dũng cho biết, mãng cầu trồng được nhiều loại đất nhưng thích nhất là đất đỏ pha sỏi. Thời vụ trồng mãng cầu vào đầu mùa xuân, khi thời tiết đang nhiều ẩm. Mãng cầu được trồng cây ương trong bầu hay cây ghép, cần tưới nhiều nước, không để cho cây giống bị héo khi mới trồng. Cây mãng cầu rất ưa phân chuồng, trước khi trồng, cần đào hố, trộn lượng phân chuồng đã được ủ hoai mục hơn 20 kg cho mỗi cây.

Sau đó khi cây lớn cần tiếp tục bón phân chuồng với mức hơn 25 kg/năm/cây, muốn mãng cầu phát triển tốt, nhiều quả, năm nào cũng phải bón phân. Phân chuồng nên bón một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu hoạch quả. Ngoài ra năm đầu tiên còn bón phân NPK (bón với phân chuồng) cho cây, từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg cho mỗi cây. Để quả thêm ngọt, có thể bón thêm phân kali với hàm lượng 0,5 kg cho mỗi cây và tăng lên một lượng ít mỗi năm.

Anh Dũng cho biết, mãng cầu dai là loại cây có tính thích ứng cao, chịu được mùa khô khắc nghiệt, không ưa thấp úng, tương đối chịu rét. Mùa đông cây ngừng sinh trưởng, rụng hết lá, mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới. Quả mãng cầu có độ ngọt cao, hương thơm nên được nhiều người ưa thích. Mãng cầu dai ít sâu bệnh nhưng phải luôn chú ý phòng trị rệp sáp để bảo đảm chất lượng quả.

Công lao chăm sóc vườn mãng cầu của anh Dũng sớm cho quả ngọt. Sau gần 3 năm, những cây mãng cầu đã ra hoa, kết trái. Vụ đầu tiên nên trên mỗi cây mãng cầu anh chỉ để lại ít quả nhằm đảm bảo cây phát triển mạnh mẽ nhưng cũng thu được hơn 50 triệu đồng, gấp 3 lần các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Khi cây đã vào độ tuổi sau 4 năm thì tỉa giữ lại 50 quả/cây, kết hợp bấm ngọn cành nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Thông thường, sau khi cây ra hoa, đậu quả gần 100 ngày thì cho thu hoạch. Hè rồi vườn mãng cầu của anh Dũng đã thu hoạch, bán tại chỗ giá 45 nghìn đồng/kg, không đủ phục vụ cho khách hàng. Mãng cầu dai mỗi năm cho 2 vụ thu hoạch. Để vườn cây có thể thu hoạch được lâu thì cần thường xuyên vệ sinh cỏ, cắt bỏ cành sâu bệnh. Theo tính toán, nếu trồng mãng câu dai theo hướng VietGAP năng suất đến 8 tấn/ha, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Quảng Trị đạt khoảng 5 tấn/ha (hơn 200 triệu đồng) là có lãi lớn hơn trồng nhiều loại cây khác trên cùng diện tích đất.

Kết thúc thu hoạch vụ hè, hiện vườn mãng cầu đang ra hoa nên anh Dũng tập trung chăm sóc để kịp thu hoạch vụ thứ 2 vào dịp tết Nguyên đán tới. Hiện trang trại có diện tích 4 ha, ngoài mãng cầu, anh còn trồng 500 cây cam Vinh, 350 cây chôm chôm Thái Lan và 1.000 cây ổi lê, tất cả đều cho hoa, trái vụ đầu tiên. Anh đang chuẩn bị để mùa mưa này trồng thêm 500 cây mãng cầu dứa của Đài Loan, loại có mỗi quả nặng gần 1 kg.

Anh cũng lập kế hoạch để khi vườn mãng cầu cho thu hoạch số lượng lớn sẽ liên kết với doanh nghiệp ở TP. Đông Hà, một số tỉnh lân cận để đưa trái cây chất lượng vào tiêu thụ ở thị trường lớn hơn, đồng thời sẽ chuyển giao kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình cho nhiều gia đình trong vùng cùng hưởng lợi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát hiện 80 quả đạn pháo trong một vườn tràm

Q.H |

Ngày 13/7, theo thông tin từ MAG Việt Nam, Đội Rà phá bom mìn MAT20 của MAG tại Quảng Trị vừa phát hiện 80 quả đạn pháo loại 37 mm trong một vườn tràm ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng.

Người đi đầu trong cải tạo vườn tạp ở An Đôn

Kăn Sương |

Vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, ông Phan Văn Triều đã tiên phong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Mô hình này vừa được Hội Nông dân phường chọn làm vườn mẫu ở địa phương.

Người tiên phong xây dựng vườn mẫu ở Cam Thủy

Anh Vũ |

Cùng với xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây phong trào xây dựng vườn mẫu, phát triển kinh tế vườn được nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hưởng ứng mạnh mẽ. Vườn mẫu không những góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc mà còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Ông Dương Văn Trí, ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy là một trong những nông dân điển hình của phong trào này.

Nét thanh xuân trên ngôi vườn nghệ thuật

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Giòn tan nắng trong buổi chiều yên ả trên làng quê Bích La Đông (Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) bỗng chốc vẫy gọi chúng tôi về vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Lê Bá Đảng. Bước trên lối đi tạc hình tác phẩm Chân Giao chỉ, hình ảnh một phụ nữ trong tà áo dài tím biếc đọng lại cùng ánh thiều quang là một vẻ đẹp tỏ bày sự mến mộ các tác phẩm mỹ thuật của danh họa Lê Bá Đảng đang được trưng bày tại quê nhà.