Vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, ông Phan Văn Triều đã tiên phong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng phù hợp. Mô hình này vừa được Hội Nông dân phường chọn làm vườn mẫu ở địa phương.
Theo ông Phan Cương, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Đôn, nhiều năm nay ông Triều vừa là cán bộ chi hội gương mẫu, tích cực trong các phong trào hoạt động vừa đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Triều hiện có 1,5 ha cao su và 6 ha rừng sản xuất đã và đang cho thu hoạch. Thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ mảnh vườn tạp chỉ đủ để cung cấp rau màu cho gia đình, ông đã tìm hiểu chuyển đổi sang trồng những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tạo cảnh quan, không gian sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân chọn mô hình này làm vườn mẫu để động viên, khuyến khích hội viên bên cạnh duy trì các loại cây trồng chủ lực, cần học tập kinh nghiệm, thay đổi phương thức sản xuất để tận dụng đất đai, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Trên mảnh vườn 1.300 m2 , trước đây gia đình ông Triều trồng cây hoa màu như cải các loại, ngò, xà lách, ớt, sả, cà… chủ yếu phục vụ trong gia đình. Thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, ông Triều tìm hiểu từ sách báo, ti vi, mạng internet và quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất. Trước khi thực hiện, ông dành thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các tỉnh phía Nam. Ông Triều cho biết: “Con trai lập nghiệp ở miền Tây nên thỉnh thoảng vợ chồng tôi vào thăm con cháu và tranh thủ đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở các nhà vườn. Khi quyết định cải tạo vườn tạp, tôi nhờ con lựa chọn các giống cây ăn quả như bưởi da xanh, cam mật ở miền Tây gửi ra trồng thử nghiệm. Quá trình xây dựng mô hình, tôi được Hội Nông dân phường quan tâm tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Chi phí đầu tư cải tạo vườn ban đầu khá lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại rất tương xứng”. Qua gần 5 năm kể từ ngày chuyển đổi cây trồng, năm 2021 vườn cây ăn quả của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch, xuất bán được hơn 20 triệu đồng. “Theo kinh nghiệm của người làm vườn thì nếu vụ quả đầu tiên thuận lợi, các vụ sau sẽ sai trái hơn, chất lượng cao hơn và lợi nhuận thu về gấp đôi, gấp ba vụ bói. Vì thế, chúng tôi rất kỳ vọng vào mô hình sẽ góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình”, ông Triều chia sẻ.
Năm nay gần 70 tuổi nên sau khi cải tạo được khu vườn, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khiến ông Triều cảm thấy hài lòng vì mô hình này phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của bản thân. Hằng ngày, công việc chăm sóc vườn không đòi hỏi sức lực nhiều mà chỉ cần khéo léo, chăm chỉ làm theo đúng quy trình kỹ thuật; thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để đề phòng và xử lý các loại sâu, côn trùng chích hút quả; chọn đúng thời điểm để dùng túi ni lông bao bọc bảo vệ, bảo đảm sản xuất an toàn. Nhu cầu sử dụng loại cây ăn quả chất lượng cao ở địa phương ngày càng nhiều nên mùa thu hoạch vừa rồi, thương lái vào tận vườn ông để thu mua, cung không đủ cầu. Hiện nay, vườn bưởi và cam mật của ông đang sum suê quả, khoảng 1 - 2 tháng nữa là cho thu hoạch, dự kiến năng suất gấp đôi vụ trước. Đặc biệt, bên cạnh giá trị kinh tế, thì khu vườn còn tạo cảnh quan không gian, môi trường trong lành, bình yên cho ngôi nhà, xem đây như thú vui lúc tuổi già.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)