Triệu Phong phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu

Tuấn Quang |

Nhằm thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm 2024, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chọn chủ đề “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của địa phương”. Mục tiêu của chủ đề này nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 919 ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 180 ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh, qua đó khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn ở địa phương.


Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, huyện Triệu Phong đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện, đồng thời khảo sát, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng, đúng tiêu chí chương trình OCOP của các xã để phát triển thành sản phẩm. Trong quá trình lựa chọn, ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của từng địa phương, có liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất bền vững, đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ uy tín, thương hiệu OCOP.

Theo kế hoạch của UBND huyện Triệu Phong, trong năm 2024 nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 3- 4 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 1- 2 sản phẩm 4 sao, đánh giá và công nhận lại cho 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận năm 2021, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm được công nhận giai đoạn 2021- 2023.

Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Triệu Phong đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP trên địa bàn huyện năm 2023 -Ảnh: TN
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Triệu Phong đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP trên địa bàn huyện năm 2023 -Ảnh: TN

Công tác chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP được huyện Triệu Phong quan tâm thực hiện. Theo đó, hướng dẫn cho chủ thể tham gia chương trình OCOP có ý tưởng được chọn hoàn thiện phiếu đăng ký ý tưởng, xây dựng, triển khai phương án sản xuất- kinh doanh, xây dựng hồ sơ đánh giá, phân hạng, nhất là đối với các chủ thể mới tham gia chương trình này lần đầu.

Cùng với đó, triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm đã có, sản phẩm đã được công nhận. Căn cứ theo mức độ hoàn thiện của sản phẩm để hỗ trợ cải tiến, nâng cấp sản phẩm phù hợp với chương trình, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và điều kiện của cơ sở sản xuất.

Ưu tiên thực hiện dự án hỗ trợ cho các sản phẩm mới, sản phẩm nâng hạng trong năm 2024, dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm tiềm năng đạt hạng OCOP 4 sao, 5 sao, sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sản phẩm, chuỗi giá trị sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP xanh giai đoạn 2024 - 2025.

Nội dung hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu, hoàn thiện, phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì, chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, công bố, quản lý chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực và củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Mặt khác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để quảng bá sản phẩm đã được công nhận. Qua đó giới thiệu để khách trong nước và quốc tế biết được sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương. Hỗ trợ chủ thể OCOP tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, bán sản phẩm thông qua hoạt động thương mại điện tử.

Hướng dẫn cập nhật thông tin, quản lý gian hàng và quản lý sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ OCOP, đặc sản vùng miền, làng nghề trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện.

Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ về mặt thủ tục, pháp lý, thông tin thị trường, phát triển hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường cho các chủ thể có sản phẩm tham gia thị trường xuất khẩu. Tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại cho chủ thể tham gia chương trình.

Cơ quan thường trực chương trình OCOP huyện tiếp nhận hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình của cơ sở sản xuất để trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm. Từ kết quả đó, cơ quan thường trực chuyển hồ sơ đề xuất cấp tỉnh đánh giá phân hạng và công nhận, đồng thời kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn cũng như theo dõi quá trình sản xuất để thu hồi giấy chứng nhận đối với sản phẩm OCOP không đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Đến nay, huyện Triệu Phong có nhiều sản phẩm được lựa chọn để xếp hạng lần đầu và nâng hạng 4 sao gồm: Chả cá Hồng Sơn, xã Triệu An; xúc xích Hoài Hoàng, xã Triệu An; nón lá Bố Liêu, xã Triệu Hòa; bột mầm rau củ, xã Triệu Sơn; trà gạo lứt thảo mộc Trần Lan, xã Triệu Sơn; mắm nêm O Xảo- Gia Đẳng và nước mắm chắt từ ruốc- Gia Đẳng, xã Triệu Lăng; mì sợi rau củ, bột ngũ cốc rau củ Mẹ Thỏ, thị trấn Ái Tử; bún tươi sấy Nhất Linh, xã Triệu Sơn. Các sản phẩm đánh giá lại gồm: bột lọc tươi nhồi sẵn, bột gừng sấy lạnh Trần Lan, xã Triệu Sơn; bánh ít lá gai Sáu Nhàn, xã Triệu Đại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Hoàng Toàn |

Ngày 28-10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin về lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024.

Vĩnh Linh xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP

Mỹ Hằng |

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của địa phương, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ thể về chỉ dẫn địa lý, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cà phê Khe Sanh

Lê An |

Thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị”, sáng nay 22/10, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức hội nghị tập huấn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ thể về chỉ dẫn địa lý (CDĐL), quản lý nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cà phê Khe Sanh được bảo hộ CDĐL theo chuỗi giá trị.

Khai mạc Hội thảo Sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê Khe Sanh

Trần Hà |

Ngày 04/10/2024, tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị),  Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”.