Triệu Phong tạo động lực phát triển kinh tế vùng biển

Tuấn Việt |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có 3 xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng là vùng ven biển với chiều dài bờ biển 18 km, diện tích tự nhiên 35,98 km2, dân số hơn 12.000 người, ngư trường rộng nên có điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện các xã này có hơn 500 chiếc tàu, thuyền đánh bắt hải sản. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt trên 3.000 tấn.

Để phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp để quy hoạch hệ sinh thái, bố trí lại dân cư, hình thành hệ thống giao thông, thủy lợi và huy động nguồn lực để đầu tư, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế vùng biển. Theo đó, các xã vùng ven biển tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm 2 giai đoạn theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt đem lại năng suất, sản lượng cao.

Đường trung tâm trục dọc tạo thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng như giúp người dân phát triển kinh tế - Ảnh: T.V
Đường trung tâm trục dọc tạo thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng như giúp người dân phát triển kinh tế - Ảnh: T.V

Về đánh bắt hải sản, đối với vùng lạch Cửa Việt, huyện hỗ trợ, khuyến khích ngư dân mua sắm tàu thuyền có công suất lớn, trang bị thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, dài ngày, đồng thời có những chính sách hỗ trợ đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Mở rộng các hình thức hợp tác trong đánh bắt thủy sản của ngư dân, qua đó vận động thành lập tổ hợp tác đánh bắt thủy sản với quy mô nhỏ khoảng 15 - 20 lao động để khai thác thủy sản có hiệu quả hơn. Đối với vùng bãi ngang, huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có điều kiện mua sắm tàu thuyền lớn để đánh bắt hải sản.

Đặc biệt, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Theo đó, 3 xã này đều nằm trong khu kinh tế nên càng có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Năm 2018, khu kinh tế này được nhà nước đầu tư xây dựng công trình đường trung tâm trục dọc tạo thuận lợi trong giao thông để thu hút nhà đầu tư. Con đường này có chiều dài 23,5 km, điểm đầu ở phía Nam cầu Cửa Việt, thuộc xã Triệu An và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Dự án đường này được thiết kế nền đường rộng 50m, mặt đường rộng 34m bằng bê tông nhựa, dải phân cách giữa rộng 4m, vỉa hè mỗi bên rộng 6m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với tổng mức đầu tư trên 630 tỉ đồng.

Bám sát sự lãnh đạo của huyện, mỗi xã có cách làm riêng để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương mình. Theo đó, xã Triệu Lăng đẩy mạnh chế biến thủy sản thành các mặt hàng như ruốc, nước mắm, mở cơ sở sản xuất đá lạnh, đan lát ngư lưới cụ, bán máy móc, thiết bị, nhiên liệu phục vụ cho khai thác, thu mua, chế biến thủy sản. Năm 2015, UBND tỉnh trao bằng công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng cho làng nghề Gia Đẳng. Đây là làng nghề ra đời cách đây vài trăm năm, gắn với nghề đánh bắt thủy sản, gồm những nghề chế biến nước mắm, nước mắm ruốc, mắm chợp, mắm thính. Mỗi năm làng nghề thu mua hàng trăm tấn cá chế biến thành hàng trăm ngàn lít nước mắm chất lượng cao đưa ra thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, địa phương này được nhà nước đầu tư gần 30 tỉ đồng để xây dựng khu du lịch bãi tắm Nhật Tân. Hiện nay, khu du lịch đã đi vào hoạt động mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch tại địa phương.

Ở xã Triệu An, cùng với phát triển mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, người dân còn canh tác hơn 100 ha lúa, hàng chục héc ta cây trồng ngắn ngày, hơn 160 ha rừng, trong đó có 35,2 ha rừng tự nhiên. Đặc biệt, dọc các trục đường lớn của xã, bên cạnh xây dựng các cơ quan nhà nước, khu di tích, người dân phát triển mạnh thương mại - dịch vụ và cơ sở sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 cơ sở chế biến hải sản có thương hiệu là ruốc đặc Hà Tây và nước mắm Cửa Việt, nhiều lò hấp sấy cá, giá trị thu về hằng năm khoảng 7 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở đóng tàu thuyền, sản xuất bờ lô, nước đá, bún bánh, xay xát lương thực đem lại nguồn thu khoảng 10 tỉ đồng/năm.

Ở xã Triệu Vân, với diện tích đất sẵn có, ngoài việc gieo trồng lúa, trồng khoai lang cho năng suất cao, năm 2012 xã còn hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển mạnh cây đậu đen xanh lòng. Đây là loại cây trồng mới phát triển tốt ở vùng đất cát bởi sức chịu hạn cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thời điểm trên 80% số hộ trong xã tham gia trồng đậu đen xanh lòng với diện tích trên 60 ha, bình quân mỗi hộ trồng từ 2 - 3 sào. Sản phẩm đậu đen xanh lòng Triệu Vân được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng.

Đối với nuôi trồng thủy sản, toàn xã có 54 ha chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh đó, xã phát triển nuôi ốc hương, cá nước ngọt cho thu nhập cao. UBND xã phối hợp với các ngành chỉ đạo xây dựng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn từ nguồn vốn của tỉnh và mô hình nuôi tôm công nghệ cao bằng hệ thống ao nổi, hồ tròn, hệ thống oxy đáy từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở Thôn 8, mở ra hướng phát triển mới.

Thời gian tới, huyện Triệu Phong và các địa phương tiếp tục vận động, khuyến khích ngư dân tăng cường ra khơi bám biển, mạnh dạn đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ. Khuyến khích du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, đa dạng hóa nghề khai thác nhằm tăng thời gian đánh bắt trong năm, tăng năng suất, sản lượng và hải sản xuất khẩu. Khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện khai thác, mắt lưới, nghề khai thác mang tính hủy diệt. Tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và một số nội dung trọng tâm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) để việc nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt hiệu quả, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triệu Phong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế

Xuân Vinh |

Năm 2021, mặc dù chịu hậu quả thiên tai năm 2020 để lại khá nặng nề cùng với diễn biến phức tạp của COVID-19 kéo dài nhưng bằng sự lãnh đạo, điều hành khoa học, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân nên nền kinh tế huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tiếp tục phát triển mạnh, có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Triệu Phong phát huy mô hình camera an ninh

Ngọc Trang |

Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có nhiều đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình camera an ninh. Vì vậy, mô hình này đang được các địa phương trong huyện nhân rộng.

Nhân rộng các mô hình sản xuất rau màu an toàn ở Triệu Phong

Ngọc Trang |

Tận dụng lợi thế là địa bàn có chân đất được phù sa bồi đắp hằng năm sau mỗi trận mưa lũ đi qua, nguồn nước tưới dồi dào, nhân công sẵn có, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chú trọng mở rộng phát triển cây hoa màu. Qua đó, tạo việc làm và giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Triệu Phong phấn đấu giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho cá nhân, tổ chức

Nguyễn Vinh |

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được tích cực triển khai. Theo đó, UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong huyện cũng như đội ngũ công chức, viên chức tích cực tham gia công tác tuyên truyền cải cách hành chính; tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực góp ý, tham gia, giám sát cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Nhờ đó, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn không tiếp lượt công dân nào đến khiếu nại kết quả giải quyết thủ tục hành chính.