Ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp

Thục Quyên |

Với xu thế ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, việc đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái (còn gọi là drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bước đầu đã cho thấy nhiều tiện ích; không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài nguyên nước mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân.

Tính năng vượt trội Mới đây, tại HTX Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức trình diễn phun thuốc BVTV bằng drone với những tính năng vượt trội so với phương pháp sử dụng bình phun đeo vai thông thường. Qua quá trình thực nghiệm cho thấy, phun thuốc BVTV bằng drone, hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn, điều này sẽ giúp nông dân giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao.

Sử dụng drone để phun thuốc BVTV tại HTX Diên Khánh, xã Hải Dương, Hải Lăng. Ảnh: TQ
Sử dụng drone để phun thuốc BVTV tại HTX Diên Khánh, xã Hải Dương, Hải Lăng. Ảnh: TQ

Lặn lội từ xã Hải Quế lên xã Hải Dươngđể được tận mắt chứng kiến những chiếc drone phun thuốc BVTV bay trên cánh đồng, điều mà ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long ấn tượng nhất là thiết bị này phun thuốc đều và mịn mà không cần đến sức người. Nông dân không phải lội xuống ruộng, giẫm lên lúa, hít phải mùi thuốc BVTV nồng nặc như lâu nay. Theo ông Phước, hiện nay trung bình mỗi vụ lúa nông dân phải phun ít nhất từ 2 - 5 lần thuốc BVTV, từ thuốc trừ cỏ đến thuốc phòng ngừa sâu bệnh, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa làm cây lúa ngã đổ, thiệt hại về sản lượng lúa thu hoạch. Trong khi sử dụng drone để phun thuốc thì không chỉ nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, mà còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân vì không trực tiếp tham gia phun thuốc trên đồng ruộng, không làm cây lúa bị ngã đổ do dẫm đạp.

Ông Phước cho biết, hiện HTX Kim Long đang sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với quy mô từ 20 - 30 ha, sử dụng cùng một loại giống, chăm sóc… nên rất thuận lợi cho việc sử dụng drone để phun thuốc BVTV. Tuy nhiên, điều mà ông Phước cũng như nhiều nông dân khác băn khoăn là không biết có điều khiển được thiết bị bay này theo đúng ý mình. Ngoài ra, giá thiết bị cũng quá cao đối với nông dân và HTX. “Với những chiếc drone này, hiệu quả rõ nhất là giúp đảm bảo sức khỏe nông dân do không phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc BVTV, không phải mang vác bình bơm trong thời gian dài, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Do vậy, trước mắt HTX Kim Long sẽ có kế hoạch liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trong việc cung cấp dịch vụ phun thuốc BVTV cho nông dân; trong đó HTX chịu trách nhiệm tập hợp đăng ký phun thuốc BVTV của xã viên, giám sát việc thực hiện, còn Tập đoàn Lộc Trời chịu trách nhiệm phun thuốc theo đúng diện tích đã đăng ký. Về lâu dài sẽ tiến đến sản xuất theo quy trình kỹ thuật của tập đoàn, có cam kết thu mua đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”, ông Phước cho hay.

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm, việc ứng dụng drone phun thuốc BVTV đem lại nhiều tiện ích, tuy nhiên khi triển khai đại trà, trở ngại đầu tiên là chi phí lớn. Với giá từ 300 - 350 triệu đồng/thiết bị thì nông dân hay các HTX rất khó có thể đầu tư để sử dụng hoặc phun dịch vụ cho nông dân. Ngoài ra, thủ tục xin giấy phép bay cũng khá phức tạp. Do vậy, trước mắt đề nghị Tập đoàn Lộc Trời cần liên kết với các HTX để thành lập các HTX, tổ hợp tác theo hướng phun dịch vụ cho nông dân. “Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND huyện có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để đẩy mạnh việc sử dụng drone nói riêng và các công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp nói chung trên địa bàn huyện Hải Lăng”, ông Trẫm cho biết thêm.

Cùng liên kết để phát triển

Ông Ngô Đức Tâm, Giám đốc vùng miền Trung, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mỗi lần bay phun thuốc, drone có thể mang theo khoảng 10 lít dung dịch thuốc. Nếu như trước đây nông dân phải sử dụng 300 - 400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1 ha lúa thì nay với việc sử dụng drone lượng nước giảm đến 90%, chỉ tốn khoảng 15 - 30 lít dung dịch thuốc nhưng với các công nghệ lập trình sẵn đường bay, hệ thống đầu phun siêu nhỏ nên hạt dung dịch thuốc được phun đều và mịn, giảm được lượng nước dùng pha thuốc mà vẫn đảm bảo thuốc được trải đều mặt ruộng. Theo kết quả thực nghiệm của tập đoàn, chỉ cần một người điều khiển, drone có thể bay phun thuốc BVTV cho hơn 25 ha/ngày; giảm giá thành sản xuất, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; sử dụng ít nước, tránh lãng phí thuốc BVTV, phân bón; hạn chế tiếp xúc trực tiếp thuốc BVTV giúp bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường nông thôn, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch. Công nghệ phun ly tâm giúp giọt nước xoáy tròn nên việc tiếp xúc với sâu bệnh mặt dưới lá hiệu quả hơn; đảm bảo tính chính xác đối với từng thửa ruộng theo yêu cầu nhờ chức năng lập bản đồ địa hình trên drone; lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng do đường bay của drone được lập trình sẵn, không chồng lấn lên nhau; có thể tập trung nhiều drone để phun trừ khi có dịch bệnh xảy ra; giảm tổn thất sản lượng lúa 150 - 200 kg/ha so với phun thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.

Theo ông Tâm, việc ứng dụng drone cùng bộ máy móc nông nghiệp theo gói dịch vụ hoàn chỉnh của Tập đoàn Lộc Trời sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động nông nghiệp tại địa phương khi một số ít kỹ sư điều khiển có thể xử lý trên diện tích lớn của toàn bộ HTX trong thời gian ngắn. Để hiệu quả nhất về chi phí, các HTX có thể liên kết với tập đoàn để triển khai drone cũng như các loại máy nông nghiệp khác trên diện tích lớn, có kế hoạch mùa vụ thống nhất. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời chịu trách nhiệm xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền để sử dụng drone phun thuốc BVTV; sẵn sàng đóng góp vốn, nhân sự hỗ trợ việc quản lý, dịch vụ canh tác bằng máy móc hiện đại như drone, quy trình canh tác nông sản hiệu quả cao, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của HTX dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, phối hợp với các HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, hiện nay diện tích cánh đồng lớn toàn tỉnh chiếm từ 8.000 - 10.000 ha, đây là tiềm năng rất lớn cho việc ứng dụng drone nói riêng và các công nghệ hiện đại khác nói chung. Để triển khai mô hình phun thuốc BVTV bằng drone này, trước mắt Sở Nông nghiệp và PTNT và Tập đoàn Lộc Trời sẽ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lựa chọn 1 - 2 HTX điển hình để thí điểm việc liên kết với Tập đoàn Lộc Trời theo hướng cung cấp các dịch vụ nông nghiệp hiện đại và từng bước nhân rộng ra toàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Nâng cấp đường ranh cản lửa năm 2020

Hoàng Anh |

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản số 1212/SNN-QLCT về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình: Nâng cấp đường ranh cản lửa năm 2020 thuộc Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 – 2020.

Quảng Trị tập trung ứng phó nắng hạn kéo dài

Nguyên Lý |

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 10 đợt nắng nóng, kèm theo gió Tây Nam hay còn gọi là gió Lào khô nóng.

Trồng và chiết xuất thành công tinh dầu từ cây hương nhu

Lê An |

Hương nhu là loài cây dại thường mọc hoang trên các vùng gò đồi, đôi khi được người dân trồng thành vài cụm ở trong vườn nhà để sử dụng trong ẩm thực, lấy lá nấu nước dùng để gội đầu, nấu nước lá xông và sử dụng để chữa một số bệnh. Nhận thấy hiệu quả của cây hương nhu, anh Đoàn Văn Linh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vanpa, xã Hải Phúc, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm và chiết xuất thành công tinh dầu từ loài cây dại này.

Đầu tư 75 tỉ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất tinh dầu - hóa phẩm Moonway

K.K.S |

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh đầu tư vào Khu Công nghiệp Nam Đông Hà để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất tinh dầu - hóa phẩm Moonway có tổng vốn đầu tư 75 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp đạt Chứng thư thẩm định Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2019.