Vanilla, cây trồng mới triển vọng trên đất Quảng Trị

Nguyễn Trang |

Từ tháng 9/2019, cây Vanilla bắt đầu được nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm thành công trong nhà lưới theo hướng VietGap tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Đến tháng 7/2021, Công ty TNHH Duy Prosper (TP. Đông Hà - Quảng Trị) tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây Vanilla tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Mô hình đầu tiên ở Quảng Trị

Giám đốc Công ty TNHH Duy Prosper Võ Thị Liên cho biết, Vanilla là cây dây leo thuộc họ lan Orchidanceae, được nhà thực vật học Philip Miler ghi nhận năm 1754, phân bố rộng ở 2 nước Trung Mỹ gồm Mexico, Brazil và nhiều nước khác như: Madagasca, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Giá trị, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ cây Vanilla rất lớn.

Theo các báo cáo, hiện tại nguồn cung quả Vanilla khô trên toàn thế giới đang thiếu hụt hơn 2.000 tấn. Từ năm 2020, nhiều nước cấm sử dụng hương Vanilla nhân tạo nên nhu cầu Vanilla tự nhiên không ngừng tăng thêm. Vanilla gia vị, hương liệu sản xuất từ quá trình lên men tự nhiên của quả Vanilla dùng nhiều trong lĩnh vực: thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, thuốc lá...

Chị Võ Thị Liên theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây Vanilla tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: N.T
Chị Võ Thị Liên theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây Vanilla tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: N.T
Đặc biệt, Vanilla thuộc loại gia vị có giá thành cao thứ 2 thế giới, hiện tại 1kg quả Vanilla khô có giá bán từ 5 - 30 triệu đồng (theo loại 1, 2, 3). Tại Việt Nam cũng chỉ mới nghiên cứu trồng thử nghiệm gần 10 ha cây Vanilla ở các tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Huế, Vĩnh Phúc.

Qúa trình nghiên cứu, nhận thấy giống cây Vanilla thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, đầu năm 2019, Công ty TNHH Duy Prosper ấp ủ dự án di thực giống cây giá trị kinh tế cao này về Quảng Trị. Công ty đã mời chuyên gia nông nghiệp người Pháp Frédéric Lacroix (Giám đốc Vanilla Farm, người đầu tiên đưa cây Vanilla về Việt Nam) đến Quảng Trị để đánh giá khả năng ứng dụng sản xuất cây Vanilla.

Báo cáo thực địa của ông Frédéric Lacroix kết luận cây Vanilla phát triển tốt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Duy Prosper bắt đầu nghiên cứu đồng bộ từ đất, giống, mùa vụ, tập quán canh tác, mức độ thâm canh nhằm đưa ra quy trình phù hợp cho vùng sản xuất cây Vanilla.

Đồng thời tổ chức học tập nhân giống, trồng cây Vanilla theo hướng VietGAP ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 9/2019, đơn vị chính thức nhập giống cây Vanilla từ Campuchia, tỉnh Vĩnh Phúc và giống cấy mô của ông Frédéric Lacroix về ươm, xây dựng nên vườn ươm, huấn luyện cây hom, nhân giống bằng phương pháp giâm hom với diện tích 200 m2 tại TP.Đông Hà.

Cây Vanilla thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng tỉnh Quảng Trị -Ảnh: N.T
Cây Vanilla thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng tỉnh Quảng Trị -Ảnh: N.T
Từ tổng kinh phí gần 1.148 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ 310 triệu đồng; nguồn tự có của tổ chức trên 837 triệu đồng, Công ty TNHH Duy Prosper từng bước triển khai tiếp nhận công nghệ, trồng thử nghiệm cây Vanilla trong nhà lưới rộng 1.056 m2 tại thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Khu nhà lưới được xây dựng bằng hệ thống khung sắt kiên cố, bao bọc bởi 2 lớp lưới, lưới trắng che côn trùng và lưới đen cắt nắng 60%.

Nền đất phủ bằng bạt nilon nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa sự phát triển của cỏ dại, côn trùng, giữ độ ẩm, phân bón. Cây Vanilla thân leo vì vậy có 320 trụ giá thể giúp cây leo bám và lấy chất dinh dưỡng. Trụ này bằng bê tông, cao 1,5 m, mỗi trụ cách nhau 1,5 m, toàn bộ giá thể làm từ vỏ dừa khô và mụn dừa.

Sản xuất giống cây Vanilla chất lượng, tháng 2/2021, cây giống chính thức được đưa vào trồng trên diện tích 1.056 m2 , chia làm 160 trụ trồng giống Vanilla lá to Madagasca và 160 trụ trồng giống Vanilla lá nhỏ Tahiti. Mỗi trụ bố trí 4 - 5 cây giống, cây cách cây 25 cm. Hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động áp dụng công nghệ Israel; bón phân bán tự động, phun định kỳ 10 ngày/lần. Khoảng 4 - 8 tuần sau trồng, cây giống bắt đầu tạo rễ. Đến lúc cây cao 1,5 m thì ngắt đọt cho đâm chồi.

Khi các chồi mọc dài thì bắt uốn bò lên giàn ngang bắc giữa các trụ, rồi cuốn tròn lơi ở mỗi đầu ngọn, kích thích cây trổ hoa. Việc thụ phấn thực hiện bằng tay, mỗi chùm hoa cho thụ phấn 5 - 6 quả và mỗi cây chỉ giữ lại 10 - 12 chùm quả. Sau 6 - 8 tuần, quả đạt kích thước 12 - 16 cm. Chị Võ Thị Liên thông tin: “Nếu thành công, từ lúc trồng đến khi cho đậu quả của cây Vanilla khoảng 2 năm. Vào thời điểm này, đây là mô hình thử nghiệm trồng cây Vanilla đầu tiên và duy nhất được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hướng đến nhân rộng vùng nguyên liệu

Qua theo dõi, đến nay, diện tích trồng tại huyện Hướng Hóa sinh trưởng, phát triển ổn định, bắt đầu ra hoa, đậu quả bói. So với địa phương đang trồng cây Vanilla là TP. Huế thì thời gian cho ra hoa, đậu quả của cây Vanilla ở Quảng Trị ngắn hơn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã trực tiếp kiểm tra thực địa, đánh giá cao quá trình triển khai các nội dung, từ đó đảm bảo tiến độ thực hiện mô hình của công ty. Khoảng 9 tháng nữa quả sẽ chín, xuất hiện màu nâu ngà.

Dự kiến đến tháng 12/2023 thu hoạch, sản lượng vụ bói này thấp nhất cũng phải được 50 kg, doanh thu tối thiểu 250 triệu đồng. Từ vườn Vanilla tại Hướng Hóa, tháng 7/2021, công ty tiến hành lấy giống trực tiếp, đưa vào trồng trong nhà lưới gần 2.000 m2 ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh với số lượng 400 trụ giá thể. Đáng mừng là vườn này còn tỏ ra thích nghi tốt, phát triển đồng đều và ít sâu bệnh hơn hẳn vườn Vanilla tại Hướng Hóa”.

Qua hơn 3 năm triển khai nhân giống, trồng cây Vanilla tại Quảng Trị, Công ty TNHH Duy Prosper đánh giá, với mô hình này, kinh phí đầu tư ban đầu tương đối cao bởi nhập giống cây dài 40 - 60 cm đã có giá 100 nghìn đồng/cây; mặt khác phải nắm chắc kỹ thuật ở giai đoạn trồng, đậu quả và khâu sơ chế.

Cụ thể, thu hoạch xong quả Vanilla, để héo 24 giờ, tiếp đó đem phơi khô đến khi ngả màu nâu đậm, đắp mền làm đổ mồ hôi trong 8 - 12 ngày, rồi đưa ra chỗ thoáng cho bốc hơi, mới tiến hành phân loại, bó thành từng bó, đóng vào thùng thiếc chuyển đi tiêu thụ.

Công đoạn chế biến quả Vanilla sẽ thực hiện ở nhà máy của công ty tiêu thụ, vì ở đó người ta pha trộn nhiều loại Vanilla có xuất xứ khác nhau để tạo ra hương thơm đặc trưng cho mỗi sản phẩm. Cần chú ý thêm, đối với quy mô hộ gia đình, diện tích mô hình trồng cây Vanilla nên không quá 1.056 m2 để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý.

Vườn Vanilla được cấp nước từ hệ thống tưới tiết kiệm tự động áp dụng công nghệ Israel -Ảnh: N.T
Vườn Vanilla được cấp nước từ hệ thống tưới tiết kiệm tự động áp dụng công nghệ Israel -Ảnh: N.T
Còn lại, đây là giống cây nhiều ưu điểm: không cần diện tích lớn; dễ trồng; cây khỏe mạnh, chống chịu tốt biến đổi khí hậu; ít tốn công chăm sóc; hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch 1 vụ/năm và chu kỳ khai thác lên đến 20 năm. Với 1.000 m2 sản xuất cây Vanilla cho thu hoạch giao động 100 - 300 kg quả khô (theo mật độ cây trồng), doanh thu tối thiểu đạt khoảng 500 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ việc cắt bán giống từ cây Vanilla trưởng thành.

Điểm cộng nữa của loại cây trồng này đó là giá trị kinh tế cao nhưng số lượng sản phẩm nhỏ, nhờ vậy giảm đáng kể chi phí trong khâu vận chuyển lẫn bảo quản.

“Đặc biệt, không chỉ sản xuất, chúng tôi còn đứng ra bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp qua nước Mỹ. Chính vì vậy, mục tiêu của công ty khi thử nghiệm trồng cây Vanilla ở Quảng Trị, trước hết tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Quan trọng hơn, chúng tôi nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế quả Vanilla phù hợp nhất, làm cơ sở giới thiệu, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật, giống cho các địa phương, doanh nghiệp và nông hộ muốn trồng loại cây này.

Từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây mới giá trị kinh tế cao, sản xuất hữu cơ về Quảng Trị; hướng đến nhân rộng, hình thành vùng nguyên liệu cây Vanilla tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, công ty tiếp tục xây dựng mô hình trồng cây Vanilla tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh”, Giám đốc Công ty TNHH Duy Prosper Võ Thị Liên chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc nhận 2,6 tỷ đồng trong vụ trồng cây xanh

Thanh Mai |

C03 cũng đề nghị truy tố 14 người khác cùng với ông Nguyễn Đức Chung trong vụ án này.

Trồng cây Bồ Đề có tuổi thọ cao nhất thế giới tại chùa Bái Đính

PV |

Ngày 25/3, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ đón nhánh cây Bồ đề từ Sri Lanka về trồng tại chùa.

Hiệu quả từ việc trồng cây đót của người dân vùng cao

Nam Phương |

Nhận thấy những giá trị kinh tế mà cây đót mang lại, nên thay vì phải vất vả lên rừng lấy đót mang về bán cho các thương lái như trước đây, một số người dân tại xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây đót. Việc đưa một loại cây rừng, vốn chỉ mọc trong tự nhiên trở thành một loại cây trồng lâu năm được xem là hướng đi mới, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi miền Tây Quảng Trị.

Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.