Vì sao nông dân không mặn mà trồng rau an toàn?

Lâm Thanh |

Hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 5.018 ha diện tích đất trồng rau, tuy nhiên chỉ có 5 ha rau ở thành phố Đông Hà được chứng nhận VietGAP và gần 20 ha rau ở một số địa phương khác được chứng nhận an toàn. Nếu tính tỉ lệ thì chỉ có 0,49% diện tích rau trên địa bàn tỉnh được chứng nhận an toàn? Con số còn lại chiếm trên 99%!

Vậy tại sao nông dân lại không mặn mà sản xuất rau sạch trong khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng trong đó có mặt hàng rau xanh? Một nghịch lý đang diễn ra là dù nhu cầu rau sạch, rau an toàn cao nhưng sản phẩm rau sạch, rau an toàn lại đang “bí” đầu ra.

 

Điển hình như năm 2017 có mô hình sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh của HTX Nguyên Khang, thị trấn Diên Sanh (trước là thị trấn Hải Lăng) huyện Hải Lăng đầu tư số vốn ban đầu gần 2 tỉ đồng. Đây là một trong những mô hình tiên phong của tỉnh về triển khai sản xuất rau quả theo công nghệ cao mang nhiều kỳ vọng về sự đổi thay trong phương thức, tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân Quảng Trị. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm đi vào thử nghiệm, mô hình này phải ngừng hoạt động vì rau đến kỳ thu hoạch nhưng bán chẳng có người mua. Người tiêu dùng thì cho rằng giá thành sản phẩm quá cao không mua nổi, trong khi người sản xuất lại giải thích không thể hạ giá bán sản phẩm vì hạ giá thì thu không đủ bù chi.

Tìm hiểu về quy trình sản xuất rau an toàn, chúng tôi được biết cần những khoản chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn để cải tạo đất đai, nguồn nước tưới, kiểm soát giống, đăng ký bao bì nhãn mác… Những chi phí này khiến cho sản phẩm rau an toàn có giá thành cao hơn so với rau sản xuất theo phương thức truyền thống, trong khi thị trường lại chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa rau được chứng nhận an toàn với rau không được chứng nhận an toàn nên sản phẩm làm ra dễ bị nhập nhằng, “vàng, thau lẫn lộn”.

Một nguyên nhân nữa là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, quen với cách sản xuất theo kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm trong khi bộ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn để được cấp giấy chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, RAT, rau hữu cơ của Bộ Nông nghiệp &PTNT đòi hỏi phải ghi chép nhật ký sản xuất với đầy đủ các quá trình như thời gian gieo trồng, chủng loại, nguồn gốc giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… đảm bảo tồn dư về vi sinh vật, hóa chất độc hại dưới mức cho phép. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các bộ quy tắc trong sản xuất rau an toàn, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng… Công sức bỏ ra lớn nhưng đầu ra cho sản phẩm rau được chứng nhận an toàn chưa tương xứng khiến nông dân càng không mặn mà.

Hiện nguồn cung rau xanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của các thương lái chợ đầu mối và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, sự gắn kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng nông sản còn lỏng lẻo, khó truy xuất nguồn gốc rau. Chưa có sự phân biệt giữa rau được chứng nhận an toàn với các loại rau khác. Vì thế, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các thành viên trong mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn. Cần có một mô hình liên kết nhằm giảm thiểu các chi phí để các bên đều có lợi, đó là người tiêu dùng có thể chi trả thêm để bù đắp một phần kinh phí tăng thêm của người sản xuất rau an toàn nhưng giá thành sản phẩm rau an toàn cũng cần giảm bớt để người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Minh chứng cụ thể như giá rau công nghệ cao của HTX Nguyên Khang thời điểm năm 2017 là 55 - 60 ngàn đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với giá thị trường rau xanh thông thường cùng loại, đó là mức giá quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh nên khó có người tiêu thụ lâu dài được.

Thời gian gần đây, mạng lưới phân phối rau an toàn đã bắt đầu phát triển, đó là ngoài các siêu thị trên địa bàn thành phố Đông Hà đã xuất hiện một số cửa hàng cung ứng nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, số lượng rau xanh từ các tỉnh khác chuyển về vẫn chiếm rất lớn, việc kiểm soát chất lượng còn bất cập. Do vậy, để tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn, tỉnh cần có cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo hướng hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ; tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội chợ đầu mối, chợ dân sinh để bố trí thêm điểm bán rau, giới thiệu an toàn. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người sản xuất và nhận thức cho người tiêu dùng về rau an toàn. Và quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn… Chỉ khi nào người tiêu dùng có thể phân biệt, thấy được giá trị của rau an toàn để có lòng tin khi sử dụng rau xanh được cấp chứng chỉ chứng nhận an toàn và sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn để mua được rau sạch thì diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh mới có thể mở rộng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người dân Triệu Phong cần hỗ trợ gấp 1,5 tấn giống rau màu

PV |

Do bị ảnh hưởng nặng nề của 4 đợt lũ liên tiếp nên toàn bộ diện tích trồng rau màu nói riêng và nhiều diện tích cây trồng khác cũng như nhà của, vật nuôi của người dân huyện Triệu Phong bị thiệt hại nặng, trong đó diện tích rau màu các loại bị chết hơn 554 ha. 

Người nặng lòng với gạo sạch

Trương Quang Hiệp |

Sinh ra ở chốn đồng quê, gốc rạ, những hạt gạo nảy mầm từ giọt mồ hôi tảo tần của ba mẹ đã nuôi anh Đào Văn Đức lớn khôn. Như một sự tri ân, anh Đức đã và đang cùng đồng sự từng ngày nỗ lực “nâng tầm”, xây dựng thương hiệu, đưa gạo quê vươn ra thế giới.