Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có nhiều hoạt động thiết thực đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng trong huyện. Hiện nay, xu thế dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại nhập ở địa phương ngày càng gia tăng.
Theo đó UBMT huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân nắm bắt và hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động (CVĐ). Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý; kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa; kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, giúp người tiêu dùng trong huyện ngày càng nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam...
Từ năm 2015 đến nay, Vĩnh Linh đã tổ chức được nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Các chương trình khuyến mại cũng được các doanh nghiệp quan tâm đưa ra, đã thu hút được lượng lớn người tiêu dùng khi đi mua sắm. Công tác xúc tiến thương mại cũng được Vĩnh Linh quan tâm, chỉ đạo. 5 năm qua, huyện đã tổ chức thành công 6 hội chợ thương mại. Mỗi hội chợ thu hút khoảng 150 - 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia, đạt doanh thu trên 4 tỉ đồng/hội chợ. Đặc biệt trong năm 2019, trong số 200 gian hàng tham gia hội chợ thương mại có đến 60 doanh nghiệp trong tỉnh, riêng Vĩnh Linh có 30 gian hàng; số còn lại thuộc các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa...
Hiện nay, trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa không thuận lợi, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, UBMT huyện Vĩnh Linh đã chung tay kết nối thị trường, kịp thời hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Đơn cử như trong tháng 6/2021, thông qua các kênh của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN..., UBMT huyện đã kêu gọi tiêu thụ trên 10 tấn vải thiều, mận cho người dân tỉnh Bắc Giang, Sơn La; 3 tấn hành cho nông dân ở Sóc Trăng... Đây là một trong những cách làm hiệu quả, không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, mà còn quảng bá và khẳng định, củng cố thêm thương hiệu của nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa.
Riêng đối với các sản phẩm nông sản ở địa phương, UBMT huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện gian hàng “Thực phẩm an toàn” do hội viên Hội LHPN đảm nhận; tham gia, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình kết nối cung - cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Đến nay, Vĩnh Linh có 6 sản phẩm OCOP được chứng nhận gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao (sản phẩm tiêu đỏ hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh; tinh bột nghệ của Công ty Hùng Dung), 4 sản phẩm đạt 3 sao (Nước mắm Khiêm Trọng, miến gạo Loan Hảo, dầu lạc Làng An, tinh bột nghệ Công ty Hùng Thịnh Thành).
Điều đáng ghi nhận là qua thực hiện CVĐ, ý thức của người dân về ưu tiên dùng hàng Việt được nâng lên. Người tiêu dùng từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từ đó có sự lựa chọn, sử dụng hàng Việt. Đến nay, số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ ở Vĩnh Linh tăng lên rõ rệt, chiếm trên 85% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn.
Tuy vậy, việc đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vẫn còn có nhiều khó khăn, cần quan tâm tháo gỡ. Ngoài sự cạnh tranh về giá cả, khó khăn lớn nhất của người dân đó là chưa biết cách, hoặc chưa đủ thông tin để nhận diện đúng hàng thật, hàng chất lượng. Bởi những thương hiệu uy tín của Việt Nam hiện cũng bị làm giả, làm nhái, trà trộn hàng kém chất lượng khá nhiều. Tại huyện Vĩnh Linh, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, sự liên kết yếu; khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết tìm đến đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào.
Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp chỉ coi chương trình này như là “hội chợ quê” để bán hàng, thậm chí là để thanh lý hàng lỗi, hàng tồn kho… Chính vì vậy, người dân vẫn còn tâm lý băn khoăn khi chọn lựa sản phẩm. Một khó khăn khác là địa điểm tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại một số xã không có. Sức mua của người dân địa phương còn thấp, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
Qua khảo sát một số doanh nghiệp tại các phiên chợ cho thấy, có những chuyến hàng doanh nghiệp đem đi bày bán có giá trị đến vài trăm triệu đồng nhưng doanh số bán hàng của doanh nghiệp chỉ đạt vài ba chục triệu đồng. Do đó, mặc dù huyện đã tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn nhưng số doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở thêm đại lý ở thị trường nông thôn chưa nhiều.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về CVĐ. Trong đó, tập trung để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước; vận động Nhân dân sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng, coi đó là sự thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thật sự phát huy hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; tiếp tục phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại hàng tiêu dùng.
Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan, chú trọng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên dương những mô hình, điển hình tiên tiến, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tâm hiệp lực, tham gia thực hiện CVĐ có hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)