Những năm qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Đặc biệt, với việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã làm thay đổi rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Từ đây vị trí, vai trò phụ nữ ngày càng được khẳng định trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Vĩnh Linh Nguyễn Ái Tân cho biết, một trong các mục tiêu chiến lược mà huyện Vĩnh Linh đã đạt được kết quả nổi bật đó chính là thực hiện giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Thực tế cho thấy, việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ còn nhiều rào cản và khó khăn. Vì vậy, để đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, không chỉ nhất quán về quan điểm, chủ trương, mà cần phải có một hệ giải pháp đồng bộ và khả thi, gắn liền với nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương thức phát huy tiềm năng phụ nữ…
Từ thực tiễn ở địa phương, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ có năng lực, trình độ để bổ sung vào nguồn quy hoạch của từng cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo bổ sung thêm “tiêu chí nữ” vào trong quy hoạch về cán bộ hằng năm. Đồng thực thực hiện lồng ghép giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu và đề bạt cán bộ lãnh đạo. Nhờ vậy tỉ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, tham gia các cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước tăng so với trước đây. So với năm 2011, tỉ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ cấp huyện tăng gần 19%; tỉ lệ cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%. Đặc biệt, sau kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Vĩnh Linh có 1 lãnh đạo nữ là đại biểu HĐND tỉnh; cấp huyện 9 đại biểu và cấp cơ sở 85 đại biểu. Việc bố trí, sắp xếp việc làm cho cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em yên tâm công tác. Bản thân cán bộ nữ đã chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu nâng cao phẩm chất và trình độ, tự khẳng định mình trong công tác.
Cùng với việc thực hiện công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, huyện Vĩnh Linh chú trọng giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế. Xác định những khó khăn của các cấp hội phụ nữ gặp phải trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là đa số lao động nữ trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu kiến thức làm ăn, chưa được trang bị kiến thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thiếu nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…, huyện đã chủ trương tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tiếp cận vay vốn; đồng thời tích cực giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động; tập huấn khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ về cây, con giống… Nhờ vậy, nhiều lao động nữ đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các trang trại, gia trại, cơ sở kinh doanh dịch vụ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định và tạo việc làm cho nhiều người khác. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hội viên phụ nữ Vĩnh Linh đã đạt 52 triệu đồng/người/ năm, cao hơn so với năm 2015 khoảng 15 triệu đồng. Tỉ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đạt 45% tổng số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Chú trọng xây dựng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới. Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống buôn bán người, nhân rộng mô hình điển hình về bình đẳng giới trong cộng đồng dân cư. Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận và miễn phí đối với phụ nữ và nam giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới ở Vĩnh Linh vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất đó chính là kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới không có nên chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động hiện nay. Ngoài ra, việc lồng ghép tuyên truyền mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện chưa rõ nét. Việc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể. Tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ trong các ngành và xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2030, huyện tập trung đẩy mạnh việc lồng ghép thông tin, truyền thông, phổ biến giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời các hoạt động và sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện hoạt động Luật Bình đẳng giới, các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép giới cho các công chức làm công tác bình đẳng giới các cấp; nghiên cứu lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Linh sẽ đạt được các chỉ tiêu cơ bản như: Có 70% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30%; 50% nữ cán bộ có trình độ thạc sĩ...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)