Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011- 2020 và Chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Trị, những năm qua, công tác BĐG ở thành phố Đông Hà đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng và đạt kết quả tích cực, góp phần giảm dần khoảng cách về giới trên các lĩnh vực.
Quá trình thực hiện, thành phố Đông Hà coi trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ, bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và trong gia đình...
Chia sẻ về hành trình thoát nghèo của mình, chị Lê Thị Thanh ở Khu phố 2, Phường 2 cho biết, nhiều năm trước gia đình chị rất nghèo nên chị thường hay mặc cảm, ít tiếp xúc với những người xung quanh cũng như tham gia các hoạt động của khu dân cư. Thấy hoàn cảnh của chị, Hội Phụ nữ phường thường xuyên thăm hỏi, động viên, đồng thời đứng ra tín chấp giúp chị vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và tư vấn, định hướng để chị buôn bán. Từ sự quan tâm giúp đỡ thiết thực này, sinh kế và thu nhập của gia đình chị không những ổn định mà còn có tích trữ. Năm 2013, chị xây dựng được căn nhà cấp 4, trong đó UBND phường hỗ trợ 3 triệu đồng. Năm 2015, chị Thanh không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của phường. Đến nay, nhờ việc làm ổn định, chị Thanh đã có tiền mua sắm các phương tiện phục vụ sinh hoạt và buôn bán hằng ngày, nuôi 2 con ăn học đầy đủ. “Nếu không có sự giúp đỡ thiết thực và kịp thời của chính quyền, các đoàn thể thì đến bây giờ chắc chắn gia đình tôi vẫn nghèo và mặc cảm, khó hòa nhập với những người xung quanh”, chị Thanh nói.
Chị Lê Thị Thanh là một trong rất nhiều phụ nữ ở Đông Hà thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt nhờ các chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, có trên 7.700 lao động nữ trên địa bàn được tạo việc làm mới; trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đạt con số trên 8.900 lao động nữ được tạo việc làm mới. Nhiều lao động nữ có việc làm ổn định, tự chủ được nguồn thu nhập không chỉ giúp tự tin hơn trong cuộc sống mà vị thế, vai trò của họ trong đời sống xã hội được nâng cao và được coi trọng hơn. Để có được kết quả này, Đông Hà tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua việc mở các lớp dạy nghề trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật nấu ăn, trồng rau sạch, thủ công mỹ nghệ... Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vốn vay ưu đãi; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh - dịch vụ giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật…
Cùng với mục tiêu trên, các mục tiêu còn lại trong thực hiện BĐG cũng được triển khai hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này ở thành phố Đông Hà. Đơn cử như thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Đông Hà có tỉ lệ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo cấp thành phố đạt 35,86%; tỉ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đại biểu HĐND thành phố đạt lần lượt 30,23% và 30%. Đối với mục tiêu bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đã rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam. Tỉ lệ phụ nữ thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ngày càng tăng cao, ở một số loại hình như xem tivi, nghe đài, tiếp cận công nghệ thông tin, tỉ lệ tương đương với nam giới. Đối với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG, 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ, kiến thức về giới, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới ít nhất một lần…
Thực hiện BĐG ở thành phố Đông Hà vẫn còn một số khó khăn như: Trình độ và năng lực của một bộ phận lao động nữ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới đất nước; một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ; tỉ lệ nữ tham gia làm lãnh đạo, quản lý nhà nước vẫn còn thấp, chưa đạt so với yêu cầu, đặc biệt là ở các phòng, ban chuyên môn. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BĐG còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về giới và BĐG để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; kinh phí dành cho công tác BĐG còn hạn hẹp, chưa theo kịp với yêu cầu hoạt động…
Phát huy kết quả đạt được và quan tâm tháo gỡ những khó khăn bằng những giải pháp căn cơ, thời gian tới việc thực hiện các mục tiêu BĐG ở thành phố Đông Hà sẽ đạt kết quả tốt hơn, góp phần thúc đẩy đô thị trung tâm tỉnh lỵ phát triển nhanh, bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)