Tôi không công nhận những từ như Hy Sinh trong việc làm bếp. Vì hy sinh gì chứ, khi mình yêu thương và chăm sóc gia đình mình.
Một ngày, tôi nhìn vào cái keyboard máy tính của mình và nhận ra trông nó… kinh lắm. Nhất định là có thấm một số gia vị dùng cho các món rán món kho, mà tôi, nhiều khi trong lúc vừa nấu bếp vừa viết lách linh tinh (tiện thể hoặc do hoàn cảnh) đã ướp tẩm luôn bàn phím với cái thứ đang trong chảo.
Nhưng tôi tuyệt không coi đấy là bất hạnh, bất công hay bất bình đẳng gì cả. Tôi yêu bếp núc. Cùng lắm bận hơn một chút vì hay phải vệ sinh bàn phím (có thể cùng một loại giấy lau hay dung dịch làm sạch bếp). Vấn đề là tôi không coi việc đưa tôi ra khỏi cái bếp của tôi là tôi được giải phóng hay có thêm một số quyền.
Tất nhiên nhiều chị em không nghĩ giống tôi. Nhiều phụ nữ sợ vào bếp, con số đó cũng tương đương con số coi bếp là nơi trú ẩn trong cuộc đời. Tôi không công nhận những từ như Hy Sinh hay Phải Phục Vụ người khác trong việc làm bếp. Vì hy sinh gì chứ, khi mình là con, là mẹ hay là vợ trong nhà. Mình yêu thương và chăm sóc gia đình mình.
Mà khó gì cái chuyện làm bếp khi công cụ hỗ trợ đầy rẫy khắp nơi. Tủ lạnh, lò, bếp, cối xay, nồi, chảo... hàng tỷ loại đẹp mê mẩn, lại tiện ích nữa. Có phải ai cũng chúi trong bếp than bếp củi tèm lem bồ hóng để nấu nướng đâu. Gạo, thực phẩm, trái cây đưa đến tận nhà. Cơm nước nếu không cầu kỳ thì việc mất thời gian trong bếp đâu có đáng bao lăm trong một ngày mà cần giải phóng.
Nhưng tôi cũng không phản đối nếu chị em nào gọi đó là hy sinh. Mỗi người một cảnh mà. Không hy sinh nữa, tôi hiểu không chỉ riêng chuyện bếp núc, bếp núc chỉ là cái cớ để chị em đòi quyền tự do trong nhiều lĩnh vực khác.
Tức là tôi đang nói về Bình đẳng giới...
Có một điều, thiên hạ giờ không chỉ có hai loại giới, thậm chí còn nhiều hơn ba loại. Nên giới nữ đấu tranh với giới nam về quyền bớt thời gian trong bếp sẽ chỉ là một phía, biết đâu có giới tính khác đấu tranh với giới nữ về quyền được vào bếp. Việc đặt ra một chiến dịch nhằm phân chia vai trò bếp núc có khi không phải tăng quyền cho phụ nữ mà chính là bớt đi mất của chị em một số quyền.
Có một ông đạo diễn hay gây sự đã nói: “Đàn bà sinh ra không phải để nấu ăn...”. Thế đàn bà sinh ra để làm gì, để làm đàn bà chứ làm gì nữa. Nấu ăn là cái chuyện quá lặt vặt so với chuyện mang nặng đẻ đau, chăm sóc, dạy dỗ và nuôi dưỡng con cùng với việc phải kiếm tiền. Thực sự là bé như muỗi (đặc biệt là vào bếp thời buổi này với hàng nghìn công cụ hỗ trợ vừa đẹp long lanh vừa vô cùng tiện ích, không nhắc lại).
Bởi vì phụ nữ đã quá bận rộn nhiều việc, đã phải gánh vác cùng đàn ông nhiều việc, nên cần sự sẻ chia, mà cái điểm đầu tiên được ưu tiên sẻ chia, người ta hiểu, là cái bếp. Đơn giản thật.
Tôi có thích đàn ông vào bếp không? Có chứ, từ bố tôi.
Bố tôi xa nhà liên miên từ lúc tôi còn nhỏ. Dạo ấy chiến tranh. Nhưng nếu có bố ở Hà Nội, thì dù bố đi làm về muộn đến đâu, mẹ tôi cũng bắt đợi cơm. Cái miếng ngon nhất bữa là dành cho bố. Bữa cơm ngày ấy một đĩa rau, một bát canh, nếu có trứng thì 2 quả/ 4 người. Thịt kho bé tẹo mỗi bát gắp 1 miếng...
Bố tôi chỉ vào bếp để nấu những món ăn đặc biệt, vào những dịp đặc biệt, ví dụ như rựa mận, lòng lợn, tiết canh vịt và đặc biệt là nấu phở..., những món rất đàn ông, để thết đãi cả nhà. Những bữa ấy giờ tôi vẫn nhớ, nhớ sự tất bật của bố trong cái bếp bé tẹo một người xoay không nổi. Hễ nấu phở, bố cho cả nhà ngồi đợi rồi bố tự tay bê đến, để hưởng trọn vẹn cái cảm giác được ăn phở... Bố đã vào bếp là xuất sắc!
Ngoài ra, bố không bao giờ vào bếp nấu lặt vặt cơm thường. Một là bố ít khi ở nhà, hai là mẹ nấu ăn cũng ngon. Ba là, đàn ông không làm mấy cái việc lặt vặt...
Bố cũng như hầu hết mọi đàn ông, trà lá bia bọt, thức khuya dậy muộn, mẹ tôi cứ chờ bố tôi ngủ dậy để hỏi câu: Anh ăn gì? Việc ấy tôi không học. Như thế chính là bất bình đẳng giới
Nhưng ngay cả thế, mẹ tôi cũng không phải phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc bếp núc. Mẹ có công việc của mẹ, đọc nhiều sách và giỏi ngoại ngữ bằng mấy lần bố.
Thành thử, cái chỗ để bắt đầu bàn đến công cuộc đòi bình đẳng cho chị em nhẽ không nên bắt đầu từ bếp.
Mà tự trong suy nghĩ của mình về một sự sẻ chia không hậm hực.
(Nguồn: Phụ nữ mới)