Mùi phố thị

Yên Thường |

Tôi mê mùi bùn của cánh đồng trước nhà. Cả tuổi thơ tôi quẩn quanh ở đó, bắt ốc, bắt nhái và nhổ những bụi cỏ mạch lẫn trong đám lúa. Tôi cũng mê mùi nơi đám đất vừa được đánh tơi để trồng cải, ngò mỗi dịp trước tết. Đó dường như thứ mùi của hy vọng, xanh lên rạng rỡ mỗi khi tết đến. Nhưng thời điểm giáp tết rộn ràng, cái mong chờ nhất của tôi thoảng đậm mùi phố thị.

Thật khó để tìm ra nét đặc trưng nơi tôi đang ở. Tôi đồ rằng, chắc làng quê nào bây giờ cũng thế, cứ nhàng nhàng, lẫn lộn giữa cũ và mới, đô thị và nông thôn. Không lấy một làng nghề, không có một đặc sản, không tìm ra công nghiệp, lâm nghiệp và nông nghiệp thì lẻ tẻ, tự phát. Và chuyện duy nhất họ làm tốt là đầu tư vào việc học hành. Làng tôi thường được gọi với cái tên: làng hiếu học. Và, dù chọn con đường nào để đi tới tương lai, họ cũng phải qua một mùa nắng “nẻ trốốc”, một mùa mưa bão dầm dề, một mùa rét buốt muốt xương và không phải ai cũng may mắn với chuyện học hành. Chị gái tôi cũng nằm trong số đó.

 

Mười lăm tuổi bắt đầu xa quê với rẫy cà phê, rẫy điều, rẫy tiêu rồi cũng theo lên thành phố để vào làm trong xí nghiệp. Chị kể về những bữa sáng chỉ ăn một ngàn xôi thay vì bát bún năm ngàn. Mái tóc một kiểu để suôn dài cố hữu, những chiếc giường tầng tập thể chật chội. Chị kể về xóm trọ nghèo toàn người tha hương. Nơi những con người sáng bước vào xí nghiệp, chiều tối muộn đi ra cùng bao nỗi lo cơm áo. Họ giải trí với những ca khúc tự chế lời nghe buồn đến nẫu ruột. Rồi dành dụm, gom góp để mỗi năm chờ dịp tết trở về.

Tết có lương, có thưởng. Sài Gòn có nhiều thứ lạ lẫm mua về cho em út. Chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy bộ áo quần thun chị mua cho có màu sắc vui tươi hơn hẳn những lần đến tiệm may đồ đầu ngõ. Cái màu hồng xanh như gửi thêm bao huyên náo của phố phường. Trong bộ dạng mệt mỏi sau hơn một ngày đường tàu xe, cái hơi hướng thị thành dường như đậm nét hơn. Cuộc sống đất khách vốn mệt mỏi và buồn, nhưng vẫn dư ra ít tiền cho ba mẹ và em.

Tôi chẳng rõ người đi xa và người ở nhà ai ngóng tết nhiều hơn. Nhớ một năm xưa cũ, tận chiều ba mươi chị mới về. Thư từ đến đi chậm chạp, điện thoại thì hiếm hoi. Những ngày đó cái cổ tôi như dài ra mỗi khi nghe tiếng lóc cóc ngoài ngõ, chạy ra không thấy lại cứ sợ chị chẳng về. Chiều cuối cùng của năm, tôi và mạ đi tưới đám rau ớt vừa trồng nơi biền xa kẻo sợ ba ngày tết chúng không trụ nổi. Về đến quán tạp hóa đầu làng, mạ xuống xe mua thêm mấy ngọn nến phòng khi ngày tết cúp điện. Người bán hàng cười tươi “tui thấy con o về nơi rồi”. Có một dòng điện vừa chạy qua, câu nói của người bán hàng như cú bật công tắc, tôi lên xe và đạp, quên mất chuyện mạ vẫn còn đứng mua hàng. Trong lòng sục sôi về thanh âm phố thị.

Có lẽ, cái mùi phố thị lúc đó đậm đà chuyện sung túc. Trong mắt tôi nhìn thấy những chiếc kẹo socola, con búp bê, cái vòng tay và mấy tờ tiền để mua bong bóng. Cả một gia tài, một phố thị hào nhoáng về trong đầu con bé lớp năm. Chị như một ngọn gió mùa xuân thổi vào căn nhà, thổi vào chính tôi sau tháng ngày mưa bão buồn rầu, lạnh căm rét buốt. Ngọn gió thị thành còn sẵn sàng những giai điệu vui tươi, lời chế ngộ nghĩnh, chép nguệch ngoạc lên mấy tờ giấy không hàng không lối.

“Chiều chiều ra ăn cơm/ Sáu thằng ngồi một bàn/ Cơm chan toàn nước mắm/ Cuộc đời con như thế/ Mẹ ơi đón con về”. Nghe xong, hát xong thì hồi đó chỉ thấy buồn cười. Đâu rõ những tâm tư sục sạo ruột gan của mấy đứa con xa nhà.

Chị về mấy ngày tết rồi lại lên xe đi biền biệt tháng ngày, tiếp tục với cơm áo gạo tiền, với niềm hy vọng của người ở lại. Nơi mảnh đất quê này, chuyện người đi nhiều hơn người ở, chuyện khó khăn dày đặc hơn niềm vui. Vài ngày chị về quê mà cái mùi phố thị vương vấn tôi mãi tới sau này.

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

TAGS

Thế giới đàn ông ngọt ngào

Phạm Ngọc Tiến |

Đàn ông luôn dành điều tốt đẹp nhất cho những người phụ nữ yêu thương của họ, bảo vệ bằng chính bản năng, bằng những gì họ có.

Mùa trôi trong bếp

Phạm Thị |

Mùa thời gian mang những cái tên khác, gợi nhớ tha thiết khi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, hoài niệm tưởng như không đáng kể mà hóa lắng sâu.

Những mùa xuân kỳ lạ

Xa Ry |

“Rồi dập dìu mùa xuân theo én về"... Câu hát ngọt ngào về mùa xuân của Văn Cao cứ quấn lấy tôi trong những ngày giáp tết. Đã bao năm đón xuân sang, nhưng trong tôi năm nào cũng tưởng chừng đây là mùa xuân đầu tiên của đời mình…

Chiếu rượu Tết của người Vân Kiều Quảng Trị

Yên Mã Sơn |

Giữa đại ngàn Trường Sơn thâm u ở miền tây Quảng Trị, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều có nhiều tập tục còn giữ nguyên dù trước những đổi thay của cuộc sống…