Mùa trôi trong bếp

Phạm Thị |

Mùa thời gian mang những cái tên khác, gợi nhớ tha thiết khi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, hoài niệm tưởng như không đáng kể mà hóa lắng sâu.

Nói chuyện bếp, đầu tiên phải nói đến chợ. Không đi chợ mua thức ăn thì lấy gì mà nấu trong bếp chứ? Phụ nữ thành thị tất yếu phải đi chợ (siêu thị, metro...). Phụ nữ nông thôn, kể cả ở nhà nông dân giàu có, ngan, gà, ngỗng, vịt quang quác chạy đầy sân, trâu bò lợn quẩn quanh chật chội trong chuồng, rau cỏ đầy vườn, tự cung tự cấp đến 90%, thì thể nào cũng vẫn còn 10% phải ra chợ mà kiếm.

 

Ví dụ thế này, nấu một nồi canh cá, cá tát dưới ao, nhà có ao chưa chắc làm được nước mắm, nhà có nước mắm chắc gì đã có hành, có hành chắc gì đã có cây khế, có cây khế cũng chẳng chắc có cà chua, răm, hành, thì là... Đấy, tóm lại, cứ phải đi chợ đã rồi mới vào bếp.

Mà đi chợ, sướng hơn đứng bếp nhiều, kể cả ít tiền nhăn nhó đắt, rẻ cũng sướng hơn trong bếp, vì được đi lại từ đầu đến cuối chợ, thời gian như vô biên. Mua có quả cà chua cũng phải lượn qua dăm bảy hàng, phát hiện ra vô số thứ hay ho để mà ngẩn ra tự hỏi: Nhanh thế, đã có sấu non đầu hè, hoặc có trám rồi à? Ô này đã có chanh đào, hoặc rươi, thế là đã đến mùa rươi…

Nhờ có đi chợ, mà người ta đâm ra có ý thức về sự chảy trôi của thời gian. Người ta biết năm tháng đi, không cần đến cuốn lịch nào trước mặt. Những món ăn theo mùa ấy, gọi là thời trân. Thúy Kiều thuở mới hẹn hò Kim Trọng, trong cái đêm cả nhà về bên ngoại và nàng quyết tâm băng lối vườn khuya để gặp người yêu ấy, hình như cũng có chút nấu nướng, vào bếp:

Nhà lan thanh vắng một mình,

Ngẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay.

Thời trân thức thức sẵn bày,

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.

“Thời trân thức thức sẵn bày”, trong cả Truyện Kiều, có mỗi lần ấy, chi tiết ấy nhắc đến việc Kiều dính dáng ẩm thực, thế nhưng chẳng hiểu sao các nhà nghiên cứu không quan tâm. Không chỉ có tiếng đàn. “Trong như tiếng hạc bay qua; đục như tiếng suối mới sa nửa vời…” để Kim Trọng “Khi tựa gối khi cúi đầu; khi vò chín khúc khi chau đôi mày”, chắc chắn còn vài món thật ngon theo mùa mà Kiều tự nấu. Cuộc gặp lần đầu, cũng là lần cuối của thanh tân đời Kiều, giữa đắm đuối thương yêu thề thốt, hóa ra cũng có mùi bếp núc.

 
Trong một ngôi nhà, chỉ có căn bếp nhỏ là nơi mùa đi ngang. 

Trong một ngôi nhà, phòng khách, phòng ngủ... là những nơi ít hoặc không chứa đựng sự đổi thay theo mùa, có thay thì thay theo tâm tính hoặc tuổi tác chủ nhân, chỉ có căn bếp nhỏ là nơi mùa đi ngang.

Mùa hè với một hũ cà muối không thể thiếu cho những món canh rau thanh mát. Rau quả bốn mùa thay đổi. Những quả sấu non làm nên hương vị cả mùa, nấu canh, dầm vào nước luộc rau muống, rang với thịt mỗi khi chẳng nghĩ ra được món gì khác lạ và cái nóng làm cả nhà uể oải trước các món mặn. Mùa gặt, chớm thu, bếp thơm mùi cơm mới. Mùa đông bếp ấm áp những món canh món hầm nóng hổi…

Mùa chim ngói, mùa vịt, mùa măng, mùa trám, mùa ốc, mùa cá mòi, mùa rươi…, những mùa thời gian được gọi bằng tên khác, tên của món ăn, của sản vật địa phương, và nó gợi nhớ đến tha thiết khi mỗi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, bằng kỷ niệm, bằng niềm hoài nhớ tưởng như không đáng kể mà hóa ra lắng sâu.

Ừ nhưng mà thời chúng ta sống, mọi thức ăn mùa vụ đều có thể được cấp đông. Chẳng hạn sấu, trữ ăn cho cả bốn mùa trên ngăn đá tủ lạnh. Hải sản từ rất xa, Phú Quốc, Cà Mau cũng sẵn sàng khi cần vì đã được làm lạnh sâu và nằm trong tủ đông. Trám đen Cao Bằng, trám đen Lạng Sơn bằng cách ấy cũng có cả tứ thời. “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” giờ thành đáy tủ đông mùa đi… Thế rồi nhiều cảm xúc cũng đông lạnh theo.  Muốn gì có nấy mà nhiều khi thấy như thiêu thiếu.

 

Thế nên, vẫn cứ phải ra chợ, để nhìn thấy cả một cõi xanh tươi rau cỏ, dù có khi chỉ để ngắm cho đã mắt, chứ mua, lại quay lại quầy rau đề mấy chữ an toàn, dù chẳng biết có thật an toàn. Thịt cũng phải mua từ xa, dù gà hay lợn, nếu không dám mua bừa những thứ bày trong chợ.

Đi để ngắm mùa, để thương nhớ ngày xưa một chút, rồi về, ngậm ngùi lấy miếng thịt trong ngăn đông lạnh ra nấu một nồi thịt đông. Rồi bâng khuâng tự hỏi năm nay sao vắng tiếng rao rươi. Gọi điện thoại xuống cô bán rươi quen ở Tứ Kỳ, Hải Dương, thấy cô ấy bảo năm nay khách Trung Quốc mua hết cả, đóng cả container về Trung Quốc nên không có hàng. Nắm vỏ quýt hôi đúng kiểu xin mãi mới được đành gói lại, rồi cũng cho tủ đông, để chờ.

Lại sắp một mùa trôi qua trong bếp!

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Rượu xuân giữa tiếng pháo xưa

Yên Mã Sơn |

Những ngày cuối năm, Chính phủ ra nghị định mới về việc cho phép đốt pháo hoa (không gây tiếng nổ), có hiệu lực vào đầu năm 2021 làm gợi lên kỷ niệm xưa của một thế hệ mà tiếng pháo tết đã ăn vào tiềm thức…

Bếp Tết ngày còn có mẹ

Diệu Thông |

Sau rằm tháng Chạp, trời bao giờ cũng chuyển nắng ấm. Dưới màu nắng hanh vàng, không khí hơi khô và se lạnh, những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung lo việc chạp mồ, chạp mả, việc cúng kiếng ở nhà thờ họ, đình làng. Những người phụ nữ thì như con thoi, tấp cập đi chợ về chợ, thu vén cả thế giới vào căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa lập lòe. Mùi bánh trái bắt đầu tỏa lên thơm tho và sực nức, đánh dấu sự quấn quýt của những ngày tháng đoàn viên.

Những mùa xuân kỳ lạ

Xa Ry |

“Rồi dập dìu mùa xuân theo én về"... Câu hát ngọt ngào về mùa xuân của Văn Cao cứ quấn lấy tôi trong những ngày giáp tết. Đã bao năm đón xuân sang, nhưng trong tôi năm nào cũng tưởng chừng đây là mùa xuân đầu tiên của đời mình…

Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương

Yên Mã Sơn |

Thuở ấy nắng hanh vàng, xuân đang về trên lưng chừng đồi khi lốm đốm hoa mận nở. Chị quẩy gánh ra đi, gọi với vào nhà trong thật to như để mẹ nghe: “Đi bán hoa xuân, em có đi cùng chị không?”. Nghe chị nói, mẹ thế nào cũng cho mình đi theo, chạy lon ton trên con đường làng cỏ non mơn mởn để rao bán: “Hoa giấy đây, ai mua hoa giấy”…