Rượu xuân giữa tiếng pháo xưa

Yên Mã Sơn |

Những ngày cuối năm, Chính phủ ra nghị định mới về việc cho phép đốt pháo hoa (không gây tiếng nổ), có hiệu lực vào đầu năm 2021 làm gợi lên kỷ niệm xưa của một thế hệ mà tiếng pháo tết đã ăn vào tiềm thức…

Đốt pháo được khai tử vào ngày 8/8/1994 sau khi chỉ thị cấm mua bán, đốt pháo của Chính phủ ra đời. Nghĩa là cái Tết năm 1995, tiếng pháo bắt đầu “bất hợp pháp”, dù còn rải rác tiếng pháo của những người bất chấp, liều lĩnh mua pháo từ biên giới đốt cho thoả đam mê. Cùng với những thứ khác, pháo tết đã đi vào quá vãng đối với những người thuộc thế hệ 8X trở về trước.

Ngày xưa dù nhà nghèo đến mấy, Tết cũng sắm được 3 phong pháo để nổ đì đùng cùng xóm giềng. Phong thứ nhất đốt vào dịp cuối năm, thường là lễ cúng tất niên; phong thứ hai đốt vào đêm giao thừa; phong thứ ba đốt vào ngày cúng cơm hoá vàng hay còn gọi là lễ đưa vàng bạc. Đối với các nhà khá giả, có lẽ pháo là hàng hoá được ưu tiên hơn cả, cần thiết như bánh chưng, thịt heo, giò chả. “Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui”, lời của cụ Phạm Quỳnh năm nào như gắn vào thân phận người nông dân xưa. Cho nên dù có buồn đến mấy cũng phải có một bánh pháo đốt lấy khí thế đêm giao thừa. Một năm với bao biến cố, dù làm ăn khấm khá hay kém may mắn, tiếng pháo đêm giao thừa như một sự “xí xoá” để lên dây cót mà làm lại từ đầu.Dường như nhà càng nghèo càng đốt nhiều pháo, pháo làm tăng sự rộn rã, phấn chấn và sự tự tin vào năm kế tiếp.

Pháo tết ngày xưa - Ảnh: Internet
Pháo tết ngày xưa - Ảnh: Internet

Để có được tràng pháo nổ giòn giã, những phong pháo sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo không bị ẩm. Nhiều gia đình mua pháo trước vài hôm và để trên giàn bếp hong khói, cốt làm sao pháo nổ thật giòn to. Vì ai cũng quan niệm rằng, tiếng pháo tượng trưng cho sự sung túc, may mắn của năm sắp tới. Nhà nào có tiếng pháo nổ to, không bị đứt quãng (phải châm đốt lần hai, lần ba) coi như một sự thành công, tìm thấy được niềm vui và kỳ vọng một năm mới đầy hứa hẹn.

Với những đứa trẻ, dù ở quê hay phố, tiếng pháo luôn là điều háo hức phải chờ đợi. Nếu nhà nào cúng, đám trẻ trong xóm lại tụ tập ngóng chờ gia chủ cầm que hương châm vào tim băng pháo đang treo lủng lẳng trong gió. Pháo nổ đì đùng điếc cả tai nhưng vẫn không quên nhặt những quả pháo chưa nổ vì tim pháo bị ướt. Giữa xác pháo đỏ tươi là mùi diêm sinh nghi ngút trong gió. Với đám trẻ, cái mùi xác pháo ấy mới chính là mùi tết chứ không phải mùi bánh chưng hay giò chả.

Có lẽ pháo có mặt từ hơn một ngàn năm trước, sau khi người Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ. Nhưng những điển tích về tiếng pháo xua đuổi tà ma có từ hơn hai ngàn năm trước. Trong Kinh thi có ghi chép về tích Đình liêu chi quang, nghĩa là ánh sáng của ngọn đuốc lớn. Tiếng nổ từ cây đuốc trúc (tre) có lẽ là tiếng pháo cổ nhất nhân loại. Khi đuốc bị cháy nóng, không khí nở ra tạo thành tiếng nổ. Cổ nhân dùng tiếng nổ này để xua đuổi tà ma, trừ ôn dịch. Cho đến khi thuốc nổ được phát minh, tiếng pháo được chắp cánh và trở nên giòn giã trong những dịp lễ hay cưới hỏi, tân gia.

Chuyện xưa kể rằng có một con mãnh thú ẩn nấp dưới biển sâu chỉ xuất hiện trong dịp giao thừa. Mỗi lần xuất hiện con mãnh thú này phá hoại mùa màng, đe doạ người dân. Người người sợ hãi nhưng không làm gì được. Cho đến một ngày người ta phát hiện ra con mãnh thú này sợ tiếng động lớn, sợ lửa và sợ màu đỏ. Từ đó, cứ tới cuối năm cũ đầu năm mới, người ta lại dán câu đối màu đỏ ở cửa, đốt pháo, đốt củi trong sân và làm cho trong nhà rực lên màu đỏ. Đó cũng là nguồn gốc việc cổ nhân đốt pháo trong ngày tết.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh, câu đối tết của các cụ ngày xưa đủ sắc, đủ vị, đủ cả sự rộn ràng mà người Việt sống ở miền quê hay thành thị đều cảm nhận được. Và thiếu những cái đó, tết trở thành một ngày bình thường như 364 ngày còn lại. Từ ngàn năm, xác pháo đỏ tươi dưới làn mưa phùn cùng với lún phún cỏ xanh xuân đã tạo nên bức tranh khiến những ai xa cố hương luôn muốn khao khát quay về. Mỗi một mùa xuân, mẹ thường quét xác pháo rồi hốt gọn gàng nhưng ba lại ngăn. Cứ để vậy cho nó ra cái Tết, ba bảo như thế. Trong tiềm thức người xưa, ngoài ngõ không có xác pháo đỏ sẽ là một sự thiếu vắng đến rợn ngợp.

Pháo đã đi vào quá vãng hơn 25 năm. Những người có ký ức về pháo nay cũng đã nếm trải bao nhiêu buồn vui qua nhiều cái Tết. Những đứa trẻ thế hệ sau chỉ nghe tiếng pháo như một sự lạ lùng. Tiếng pháo đốt rải rác trong những ngày lưng chừng Tết do những người mua lậu về đốt cho vui tai. Họ đốt chùng đốt lén bởi khi bị phát hiện phải trả cái giá rất đắt. Ở biên giới Lao Bảo, pháo lậu vẫn được đưa về bằng cách này hay cách khác. Những cái tết pháo hoa, pháo nổ sáng cả vùng trời gợi lại một thời xa vắng. Giờ thời khắc thiêng liêng của giao thừa, mùi hương trầm thơm ngào ngạt, ai cũng muốn quay về với khoảnh khắc của tuổi thơ, được một lần mặc những chiếc áo còn thơm mùi vải mới, níu áo mẹ trong những phiên chợ tết và ngóng chờ ba mua vài tràng pháo để dành những ngày xuân. Khát khao thèm được lúm xúm quanh tràng pháo, bịt tai, cay mắt để chờ tiếng pháo đì đùng.

Bằng một góc nhìn nào đó, nhiều người bảo Tết càng ngày càng nhạt. Vì sao? Không phải mất đi tràng pháo mà Tết nhạt. Tết đã nhạt trong từng khoảnh khắc, trong từng hành động. Và rồi họ lý giải rằng với cơn gió thị trường, với cơn lốc bán hàng online… mọi thứ đều được phục vụ tận răng nên đến cả cái Tết cũng mang từ chợ về. Không còn nam phụ, lão ấu ngồi cụm đầu gói bánh tét; cây nêu không còn; bữa cơm cuối năm có khi được thiên hạ ship đến để đặt lên bàn thờ tổ tiên rồi chụp ảnh “cúng” Facebook.

Và dường như thứ thiếu vắng rõ rệt nhất khi năm mới Tết đến, sự cay nồng của men rượu bị giới hạn. Trong một chừng mực nào đó, rượu được xem là cầu nối để giải quyết mọi vấn đề, kết nối mọi khoảng cách. Trong đó, chén rượu xuân là một nét văn hoá không gì thay thế được. Chén thù chén tạc cùng với những cái chạm cốc sẽ khơi nguồn cho mọi cảm hứng, làm bừng khí thế của mùa xuân, khiến không gian bay bổng. Người người tìm thấy ý vị của mùa xuân để cái Tết trở thành thời khắc giá trị hơn, thiêng liêng hơn.

Rượu xuân ngày xưa để nếm nhiều hơn để uống. Đấy là chén rượu khiêm cung, luôn giữ sự điềm đạm và tĩnh lặng. Bởi vừa uống vừa thưởng thức hơn là kiểu uống “sát phạt” nhau như cách uống hiện nay. Vì người xưa lý giải khi uống rượu phải từ tốn, chậm rãi để ngũ quan cảm nhận. Đó là thị giác - mắt nhìn thấy rượu; xúc giác- tay cầm chén rượu, khứu giác - mũi ngửi mùi rượu, vị giác - lưỡi nếm vị rượu, thính giác - tai được nghe tiếng cụng ly…

Tuy nhiên, hiện nay những cái Tết cung cách vẫn không khác xưa là bao nhưng chỉ con người thay đổi theo xu thế. Cách uống rượu từ đó cũng khác. Không còn từ tốn thưởng thức mà thúc giục, thách thức nhau uống. Và vì sĩ diện, vì cả nể đã tạo cơ hội cho rượu điều khiển mọi thứ khiến hậu quả nên nghiêm trọng. Và vì thế, rượu xuân nói riêng trở nên “mất điểm”. Những hệ luỵ từ cách uống “nốc ao” ấy cùng với sự đi lại nhiều bằng các phương tiện giao thông đã khiên những cái Tết trở thành điều đáng lo ngại và có khi thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Và tiếng pháo, trong một thời gian dài bị cấm cũng bởi thay vì tô điểm thêm âm thanh mùa xuân lại biến thành những tiếng khóc tang thương từ hệ lụy do pháo. Bỏ pháo và không uống rượu khi tham gia giao thông để hướng đến những cái Tết an toàn, đầm ấm là những cách làm văn minh, tiến bộ.

Nhưng mọi cuộc “phẫu thuật” đều mang lại ít nhiều tổn thương, nhất là khi nó nằm ở địa hạt văn hoá tinh thần. Và không phải ai cũng “mẫn cảm” trước sự thiếu vắng đó. Đôi lúc không giấu nổi lòng mình, thèm trở về thời quá vãng bằng tiếng pháo mùa xuân và ly rượu nồng khiêm cung cùng tri kỷ để những dư âm ngọt ngào được vang vọng.

TAGS

Hơn 200 cán bộ, chiến sỹ ra quân chốt chặn, tuần tra phòng chống pháo nổ

Điếu Ngao |

Chiều ngày 11/2/2021 (30 tháng Chạp), tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), Ban chỉ đạo 138-1523 thị trấn Lao Bảo phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức lễ ra quân phòng chống pháo nổ, đảm bảo an ninh trật tự dịp tết Tân Sửu 2021.

Bắt giữ đối tượng vận chuyển gần 30kg pháo qua biên giới

Đình Tiến |

Ngày 11.2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện vụ vận chuyển pháo trái phép qua biên giới.

Không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021

PV |

Ngày 5/2/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công văn số 504/UBND-VX gửi BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021.

Tăng cường phòng, chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ trong dịp Tết

Bích Liên |

Tết Nguyên đán sắp tới cũng là thời điểm các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép diễn ra phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến biên giới. Nắm bắt điều này, tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống để đảm bảo cho người dân đón Tết tươi vui và an toàn.