Thế giới đàn ông ngọt ngào

Phạm Ngọc Tiến |

Đàn ông luôn dành điều tốt đẹp nhất cho những người phụ nữ yêu thương của họ, bảo vệ bằng chính bản năng, bằng những gì họ có.

Một dạo, nhân câu chuyện về hôn nhân tan vỡ của một gia đình, tôi đã viết cái truyện ngắn có tít rất chi là cải lương, sến sẩm này. Thế giới đàn ông ngọt ngào. Gì mà ngọt ngào vậy?

Đại loại truyện ngắn viết về hai mẹ con ở trong một ngôi nhà với sự cô đơn tuyệt đối. Đứa con trai được mẹ chăm bẵm, chiều chuộng dồn hết tình yêu vào, bỗng một ngày có bạn gái. Người mẹ đang trong tình cảm mẹ con đằng đẵng sau hôn nhân tan vỡ đến yêu bạn tình cũng không nỡ công khai phải bí mật giấu giếm, giờ ở tình cảnh mất trắng đi nguồn tình cảm dành cho con bao nhiêu năm trời.
 
 
 

Chị ghen với tình yêu của con trai. Sự gay cấn được đẩy đến đỉnh điểm khi sinh nhật chị, cậu con trai cũng vắng mặt. Nó bận đi với bạn gái của nó. Người đàn ông của chị trong bí mật thì hiển nhiên không được xuất hiện, như lâu nay vẫn thế. Người mẹ tuyệt vọng đến hoảng loạn khi đêm muộn con trai chị xuất hiện cùng cô người yêu. Họ mang về bó hồng đẹp rực rỡ càng làm nỗi đau của chị tăng lên bội phần.

Và gì thế kia? Một nhân vật nữa xuất hiện. Đó chính là người bạn trai của chị. Không ai khác ngoài con trai chị đã mang về cho chị món quà sinh nhật thật ý nghĩa. Vào chính lúc ấy, người mẹ hiểu rằng con trai chị đã là một người đàn ông đích thực chứ không phải một đứa trẻ như chị vẫn hằng nghĩ. Và ơn trời đất nó đã nghĩ đến chị, vì chị. Chị đã có một sinh nhật thật hạnh phúc với những người đàn ông ngọt ngào của mình.

Tôi có quá dài dòng về sự luận bàn phiễu phão gọi là ngọt ngào kia không? Nếu có cũng nên thể tất bởi cái sự tết nhất chẳng nên vội vàng làm gì. Những người phụ nữ, đối tượng của bài viết này hãy cứ từ từ để tìm hiểu thêm một góc nhỏ đàn ông và nếu có ai tận hưởng được sự ngọt ngào này thì đích thị đó là sự may mắn của một mùa xuân mới mang đến cho bạn.

Trong thế giới hiện đại hôm nay, đàn ông luôn bị coi là trưởng thành muộn và chậm. Ở góc độ nhìn nhận hôn nhân, đàn ông cũng bị coi là cực đoan. Bằng chứng là dù không hạnh phúc nhưng đàn ông vẫn một mực và sống chết bám vào hôn nhân. Tỷ lệ đàn ông chủ động ly hôn ít hơn rất nhiều so với phụ nữ.

Trở lại với truyện ngắn tôi vừa kể, những trường hợp một mẹ một con sau hôn nhân đổ vỡ là khá phổ biến. Trong những trường hợp này nếu đứa con là gái sẽ rất khác biệt với đứa con là trai. Rất nhiều người mẹ đơn thân vì ly hôn nuôi con đã đánh mất đi những cơ hội tái lập hạnh phúc của mình khi bị con ngăn cản. Đa số những trường hợp này cô con gái rất quyết liệt bảo vệ mẹ mình trước những vệ tinh “ong ve” tìm hiểu. Có một điều lạ là chúng thành công với tỷ lệ khá cao.

Con trai thì khác. Ngay từ khi còn là đứa trẻ những chàng trai trưởng thành “muộn và chậm” đã có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều với những đứa trẻ khác giới. Chúng không quá khắt khe với bạn bè của mẹ. Thậm chí có thể nói dễ dãi là đằng khác. Cánh đàn ông tìm đến những bà mẹ đơn thân nuôi con hay có những màn chào hỏi quà cáp với con của bạn tình. Nhưng họ nhiều khi bất lực với những cô con gái bặm môi, lắc đầu kiên quyết nói không. Đám con trai thường thì không ích kỷ như thế. Chúng nhìn nhận vấn đề rất đơn giản. Khi đủ hiểu biết, chúng luôn ủng hộ lựa chọn của mẹ. Cá biệt còn có những trường hợp các chàng trai còn chủ động kiếm tìm hạnh phúc cho người mẹ thiệt thòi của mình.

Ảnh minh họa: internet.

Tất nhiên mọi thứ chỉ ở chừng mực nhất định, không phải tuyệt đối. Cũng có những đấng nam nhi xử sự một cách cực thô thiển, ích kỷ và có không ít nữ giới hành xử đầy nhân văn với mẹ mình trong chuyện này. Nhưng nhìn chung đàn ông không hề cực đoan như cách nghĩ thông thường về họ. Khi hôn nhân có vấn đề rạn nứt, đàn ông thường né tránh đổ vỡ. Không phải vì họ tốt và lo lắng cho con cái hơn người phụ nữ, mà tâm lý chung đàn ông ngại sự thay đổi. Đàn ông dễ dãi trong lựa chọn bạn tình nhưng lại thủ cựu bằng sự chấp nhận hôn nhân bất chấp hoàn cảnh.

Từ những cậu bé, chàng trai cho đến những người đàn ông trưởng thành đều mang một nét chung khó lẫn là có xu hướng bảo vệ những người phụ nữ của mình (mẹ hoặc vợ). Có rất ít những đấng bậc nam nhi làm ngược lại. Tôi còn nhớ khi rất nhỏ chỉ chừng năm, sáu tuổi khi mẹ tôi (là vợ thứ của cha tôi) bị bạo hành trong những xung đột gia đình tôi đã biết lăn xả vào bất cứ ai kể cả đó là bố mình để cào cấu, đấm đạp cốt để che chở cho mẹ. Vì động thái quyết liệt này của một nhóc tỳ là cái thằng tôi nên hầu như khi có mặt tôi rất hiếm khi xảy ra xung đột bạo lực với mẹ tôi nữa. Nghĩ lại, lúc đó con trẻ nào có nhận thức gì rõ rệt. Hành xử tự vệ như vậy thuộc về bản năng. Ở nam giới luôn thường trực bản năng bảo vệ người phụ nữ thương yêu của mình.

Tôi có vài người bạn do thiếu may mắn, hay vì duyên phận mà phải lần lượt làm đến vài đám cưới. Khá ngạc nhiên khi những anh bạn này đều có quan hệ rất tốt với những người vợ cũ. Đừng nói là kể xấu về người cựu bạn đời, trong câu chuyện của họ những bà “cựu vợ” ấy luôn được dựng trong một ảnh hình tương đối trọn vẹn về đầy đủ mọi phương diện. Như thể sự chia tay kia không phải lỗi của phụ nữ mà chính là bản thân người chồng gây ra. Đến mức đó là cả sự phi lý.

Chẳng hạn anh bạn tôi công tác xa nhà, chị vợ có lẽ thiếu thốn tình cảm hay vì lý do nào đó có trời biết, đã tìm đến người đàn ông khác. Kết cục họ chia tay. Anh chồng đảm nhiệm việc nuôi con cho đến khi nó trưởng thành anh mới tìm đến hạnh phúc mới. Trong mọi tình huống phải nhắc đến chuyện cũ, anh chỉ một mực nhận lỗi về mình đã thiếu quan tâm, không hợp lý hoàn cảnh để đẩy vợ vào sự cô đơn dẫn đến sự vượt tuyến chết người. Trong những lần ấy, tôi thường phản bác lại lý lẽ của anh nhưng đều nhận lại từ anh vô vàn lý luận. Kết thúc, anh khẳng định: Phải là người trong cuộc mới hiểu được. Anh đã sai.

Phụ nữ điểm này có khác. Thông thường đó là mối hận khó quên và tuyệt nhiên không bao giờ chấp nhận, tha thứ. Có thể điểm này là một thiệt thòi cho nữ giới. Sự sâu sắc hay là những chịu đựng vượt quá sức chịu đựng của họ khi hôn nhân đổ vỡ đã khiến lòng nhân hậu của phụ nữ cũng bất lực. Là nói chung thế thôi, chứ mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai giống ai.

Nhưng dù gì, tôi vẫn bảo lưu vào quan niệm “ngọt ngào” của đàn ông. Có cái thế giới ngọt ngào đó không ở đàn ông? Tùy các bạn. Những người đàn ông, tôi tin họ dù có thế nào trong cuộc đời này thì với những người phụ nữ yêu thương của họ bao giờ cũng là những gì tốt đẹp nhất. Và họ bảo vệ bằng bất cứ cách nào, bằng chính bản năng, bằng những gì họ có. Thế giới đàn ông ngọt ngào. Tại sao không trong những ngày xuân mới rực rỡ đáng sống này.

(Nguồn: Ngày nay)

TAGS

Mùa trôi trong bếp

Phạm Thị |

Mùa thời gian mang những cái tên khác, gợi nhớ tha thiết khi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, hoài niệm tưởng như không đáng kể mà hóa lắng sâu.

Cỏ hoa đồng nội

Chu Thị Thơm |

Cánh đồng quê tôi chỉ đợi mưa là khoác lên mình tấm áo choàng hoa rực rỡ. Nhưng, ngay từ đầu, cỏ đã bắt đầu chiếm lĩnh “giang san” của chúng. Cỏ mùa xuân như một tấm thảm xanh non tơ, phô mình và hào hứng dưới làn mưa xuân rây, phơ phất.

Rượu xuân giữa tiếng pháo xưa

Yên Mã Sơn |

Những ngày cuối năm, Chính phủ ra nghị định mới về việc cho phép đốt pháo hoa (không gây tiếng nổ), có hiệu lực vào đầu năm 2021 làm gợi lên kỷ niệm xưa của một thế hệ mà tiếng pháo tết đã ăn vào tiềm thức…

Bếp Tết ngày còn có mẹ

Diệu Thông |

Sau rằm tháng Chạp, trời bao giờ cũng chuyển nắng ấm. Dưới màu nắng hanh vàng, không khí hơi khô và se lạnh, những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung lo việc chạp mồ, chạp mả, việc cúng kiếng ở nhà thờ họ, đình làng. Những người phụ nữ thì như con thoi, tấp cập đi chợ về chợ, thu vén cả thế giới vào căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa lập lòe. Mùi bánh trái bắt đầu tỏa lên thơm tho và sực nức, đánh dấu sự quấn quýt của những ngày tháng đoàn viên.