Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có gần 53.000 ha đất nông nghiệp, chiếm trên 85% diện tích tự nhiên. Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế nên huyện đã chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nhằm xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo đó, huyện Vĩnh Linh chú trọng công tác quy hoạch, hình thành 4 vùng sản xuất: vùng gò đồi, vùng đồng bằng, vùng đất ba-dan và vùng cát, ven biển, ven sông để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KH&CN; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN đi vào chiều sâu. Từ năm 2012 đến nay, có trên 20 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp được huyện xét chọn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 600 triệu đồng và được ứng dụng thành công, nhân rộng vào thực tế sản xuất.
Tiêu biểu như các dự án: ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Chấp; nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ; ứng dụng công nghệ trồng ném trên lưới xăngtylen tại xã Kim Thạch; nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh; nuôi cá nước ngọt-cá lóc đồng thuần chủng; xây dựng nhà màng ứng dụng công nghệ cao sản xuất nấm dược liệu...Khuyến khích các địa phương, HTX, hộ sản xuất áp dụng công nghệ sơ chế, chế biến sâu nông sản chủ lực.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng kinh phí huyện đầu tư hỗ trợ trên 12,1 tỉ đồng. Hiện toàn huyện có khoảng 20 HTX, DN và nhiều cơ sở đã trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều nông sản chủ lực được sơ chế, chế biến sâu, như: gạo bát đỏ - HTX Nông nghiệp Tân Mỹ; hồ tiêu - HTX Sản xuất - Kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh; nghệ củ -Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; gạo - HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn, cơ sở chế biến miến Loan Hảo; mật ong - HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa; nước mắm Khiêm Trọng; dầu lạc Công ty TNHH Hùng Thịnh Thành...
Các HTX, nông dân ngày càng chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tiêu biểu như: ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp tại thị trấn Bến Quan; sản xuất đầu dòng cây cao su và nuôi cá chình bông, trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics tại xã Trung Nam; trang trại Dfarm sản xuất rau, củ quả công nghệ cao tại xã Kim Thạch; ứng dụng công nghệ cao sản xuất tinh dầu tại HTX Nông nghiệp sinh thái Vĩnh Chấp; sạ lúa bằng thiết bị máy bay không người lái tại HTX Thủy Ba Đông...
Cùng với đó huyện Vĩnh Linh chỉ đạo hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng thương hiệu, nhãn mác tập thể, cá nhân cho sản phẩm tiêu biểu. Đến nay huyện có 10 loại sản phẩm hàng hóa đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, gồm: ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, tiêu Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, tinh bột sắn dây Vĩnh Linh, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, nước mắm Cửa Tùng; 2 nhãn hiệu thông thường là rau thủy canh công nghệ cao Anlame Food và Gà đồi Quang Huy...
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại huyện Vĩnh Linh. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng vùng, tạo ra sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh.
Đến nay diện tích gieo trồng lúa cả năm ổn định khoảng 7.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 53 tạ/ha. Mô hình cánh đồng mẫu lớn 2.600 ha lúa triển khai tại 30 đơn vị HTX, trong đó gần 200 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết và hơn 130 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Về lâm nghiệp, từ ứng dụng sản xuất giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô, dâm hom đã cải thiện chất lượng giống, đẩy nhanh trồng rừng thâm canh, đưa năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình liên doanh, liên kết hình thành trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt công nghệ cao. Hiện có trên 30 mô hình nuôi tôm quy trình công nghệ cao mới đưa vào thử nghiệm gồm: cá chình, cá chẽm, cá leo, cá hồng mỹ, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cá trê lai...Hiện có 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản, thu nhập bình quân đạt trên 1,2 tỉ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Đối với công tác ứng dụng KH&CN, huyện huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho DN và ưu tiên đầu tư phát triển về KH&CN làm cầu nối trong ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Bên cạnh đó đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực theo chỉ đạo của tỉnh; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng kết quả KH&CN...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện Vĩnh Linh phát triển đa dạng, toàn diện và bền vững”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)