Phát triển du lịch nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, với quan điểm phát triển các mô hình trang trại, kinh tế nông nghiệp du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng bền vững, thời gian qua, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thực hiện thành công việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong nông nghiệp và du lịch, dịch vụ, từ đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.


Xã Tân Hợp có địa hình chủ yếu là đồi núi, đất đỏ ba dan với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và chăn nuôi quy mô gia trại. Toàn xã hiện có 5 thôn, 1.272 hộ với 5.291 nhân khẩu.

Việc đẩy mạnh khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh là hướng đi mà xã Tân Hợp hướng đến. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân phát huy vai trò trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Vườn nhiệt đới - một địa điểm thu hút du khách tham quan, du lịch tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa -Ảnh do cơ sở cung cấp
Vườn nhiệt đới - một địa điểm thu hút du khách tham quan, du lịch tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa -Ảnh do cơ sở cung cấp

Trong đó chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp nhằm đem lại thu nhập cao hơn cho người dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Đồng thời, huy động sự tham gia cộng đồng dân cư làm du lịch nhằm làm xanh sạch môi trường, phát huy bản sắc, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Qua đó, giúp người dân thấy được lợi ích của mình trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn hiện đại, văn minh và thu nhập cao cho người dân, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM hiệu quả và bền vững.

Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Trần Vinh cho hay: “Nhờ chú trọng phát triển các mô hình trang trại, kinh tế nông nghiệp du lịch gắn với xây dựng NTM nên đến nay trên địa bàn xã có 2 điểm sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch gồm Vườn nhiệt đới xã Tân Hợp, HTX nông nghiệp Tân Hợp; 4 quán cà phê kết hợp check in ngắm cảnh và một chuỗi nhà hàng, quán ăn giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Các mô hình du lịch này hình thành để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa nông nghiệp địa phương, tiếp xúc với thiên nhiên và trải nghiệm thực tế với các tour du lịch tham quan và trải nghiệm tại vườn hoa, vườn dâu, trang trại trồng rau, chanh dây...

Năm 2023, xã Tân Hợp đã đón hơn 80 ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn, đem đến doanh thu hàng chục tỉ đồng cho người dân”.

Cùng với đó, chương trình OCOP của xã Tân Hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12/2023, xã Tân Hợp có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm sản phẩm cà phê bột và cà phê hạt rang của hộ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ta Lư; mứt chanh dây sấy dẻo của HTX Nông nghiệp Tân Hợp. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu từ 10-25% trên đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, hiện nay phát triển du lịch ở trên địa bàn xã Tân Hợp vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản. Việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Hiệu quả hoạt động du lịch kết hợp với nông nghiệp còn chưa tương xứng so với tiềm năng hiện có. Sự liên kết giữa các điểm du lịch với các công ty làm du lịch chưa chặt chẽ; việc quảng bá, truyền thông về công tác du lịch tại địa phương còn mang tính cá nhân, tự phát; sự liên kết giữa các điểm du lịch, các gia đình làm nông nghiệp, các chuỗi nhà hàng, khách sạn, quán ăn chưa chặt chẽ...

Hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn xã Tân Hợp nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đều tự phát nên vướng mắc rất nhiều về pháp lý, quy hoạch, đất đai..., do đó các chủ thể làm du lịch chưa mạnh dạn đầu tư lớn.

Xây dựng NTM và phát triển kinh tế du lịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng NTM đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế du lịch, trực tiếp là du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng miền, đất nước...

Một điểm đến dù có sức hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, hạ tầng, kết nối không tốt, môi trường không đảm bảo cũng sẽ khó khăn trong việc thu hút khách du lịch. Ngược lại, kinh tế du lịch là trợ lực quan trọng để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Phát triển kinh tế du lịch sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng NTM, còn xây dựng NTM góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề du lịch.

“Từ thực tiễn địa phương cho thấy, để phát triển mô hình trang trại, kinh tế nông nghiệp du lịch với xây dựng NTM cần tiếp tục hướng dẫn tháo gỡ cho các chủ thể đầu tư du lịch nông nghiệp các vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, đất đai... để người dân yên tâm đầu tư phát triển. Đồng thời, xác định nguồn lực, xem xét các nguồn lực có sẵn như đất đai, nguồn nước và lao động địa phương để xác định tiềm năng phát triển.

Phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra các trải nghiệm du lịch phong phú dựa trên nền văn hóa, lịch sử và đặc sản nông nghiệp địa phương. Điều này có thể bao gồm tham quan trang trại, thu hoạch nông sản, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Tiếp thị và quảng bá, thông qua các kênh tiếp thị, quảng bá hiệu quả như mạng xã hội, trang web du lịch và kết nối, hợp tác với các đối tác du lịch để tăng cường quảng bá về mô hình trang trại kinh tế nông nghiệp du lịch khác biệt của địa phương đến du khách” , ông Trần Vinh khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cơ sở hạ tầng du lịch biển từng bước được hoàn thiện

Tú Linh |

Xác định du lịch biển có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư và kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ven biển. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng du lịch vùng này từng bước được hoàn thiện, góp phần thu hút, phát triển du lịch, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách.

Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch

Đinh Thuận |

Từ cuối năm 2022 đến nay, ngành du lịch từng bước hồi phục sau nhiều năm gián đoạn bởi COVID-19. Nhưng thời điểm này, nguồn nhân lực không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường du lịch. Đến nay, dù đã cải thiện nhưng nguồn nhân lực tiếp tục là vấn đề đặt ra, đòi hỏi ngành kinh tế xanh này có nhiều giải pháp để phát triển.

Đà Nẵng kích cầu du lịch hè 2024

Trần Lê Lâm |

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, để tiếp tục thu hút và kích thích tăng trưởng khách du lịch, đặc biệt là du khách trong nước đến với thành phố, Sở đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch được áp dụng từ tháng 6 đến 9/2024.

Nắm bắt xu hướng du khách, thúc đẩy mùa du lịch hè

Thanh Trà |

Kết quả hoạt động du lịch của nhiều địa phương trong 6 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy những gam màu sáng về lượng khách và doanh thu, khẳng định thương hiệu điểm đến. Tuy nhiên, trước những thách thức mới như nhu cầu du khách, giá thành nhiều tour ảnh hưởng bởi chi phí một số loại dịch vụ tăng cao, các đơn vị chức năng, từng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thu hút du khách trong mùa cao điểm du lịch hè.