Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch

Đinh Thuận |

Từ cuối năm 2022 đến nay, ngành du lịch từng bước hồi phục sau nhiều năm gián đoạn bởi COVID-19. Nhưng thời điểm này, nguồn nhân lực không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường du lịch. Đến nay, dù đã cải thiện nhưng nguồn nhân lực tiếp tục là vấn đề đặt ra, đòi hỏi ngành kinh tế xanh này có nhiều giải pháp để phát triển.


Nhu cầu nhân lực trước xu thế phát triển

Trong bối cảnh chung của cả nước, ngành Du lịch Thủ đô đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt, tăng tương ứng 13,7%, 52,6% và 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với sự phát triển của du lịch nói chung, nhiều loại hình du lịch mới ra đời. Có thể kể đến các tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học Việt Nam, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích đền Ngọc Sơn; các không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố Trần Nhân Tông hay tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội; điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, huyện Ba Vì; các loại hình du lịch gắn với thế mạnh của từng địa phương như sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn...

Di tích Nhà tù Hỏa Lò là địa điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Di tích Nhà tù Hỏa Lò là địa điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Sở Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu...

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, COVID-19 khiến nhiều nhân lực trong lĩnh vực du lịch chuyển sang nghề nghiệp khác. Theo nhiều chuyên gia du lịch, COVID-19 đã khiến ngành Khách sạn mất khoảng 20 - 30% nhân viên nên hiện rơi vào tình trạng thiếu lao động. Ở một số đơn vị, một nhân viên phải kiêm các vị trí khác nhau, như: lễ tân kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hàng; tài xế kiêm nhân viên hành lý, phục vụ tại sảnh khách sạn. Đối với lĩnh vực du lịch mới, nhân lực thường chưa trải qua đào tạo bài bản.

Bên cạnh sự thiếu hụt nhóm lao động trong ngành Du lịch làm chuyên môn, thì thị trường du lịch còn đang đối mặt với vấn đề quan trọng hơn là sự mất phương hướng và lúng túng của không ít các chủ doanh nghiệp du lịch (nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Điều này nghĩa là chính các chủ doanh nghiệp, đối tượng quan trọng để tạo ra công việc cho nhân lực làm chuyên môn, cũng bị thiếu hụt về định hướng và tầm nhìn, khả năng tái thiết lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) cho rằng: Đứng trước những thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, cần có những giải pháp để phát triển và nâng cấp nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Những giải pháp này, cần có sự kết hợp của các bên, từ quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chuyên gia - nhà khoa học và bản thân người lao động.

Cần những giải pháp đồng bộ

Cũng theo bà Nhữ Thị Ngần, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ chính sách, khuyến khích người lao động trở lại với nghề sau thời gian gián đoạn bởi COVID-19. Cơ quan nhà nước cũng triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo thực hành nghề, đào tạo lại cho nhân sự du lịch để thu hút sự quan tâm và tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với xu hướng mới của thị trường. Ngành chức năng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Giải pháp cho doanh nghiệp là lựa chọn đào tạo tại chỗ, đào tạo riêng cho nhân sự tại doanh nghiệp của mình, phù hợp quy mô, trình độ, mục tiêu của doanh nghiệp. Cũng trong giai đoạn mới, cần có sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo thực tế nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch để trực tiếp huấn luyện cho người lao động.

Hiện nay, ngành Du lịch Hà Nội tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho các đối tượng khác nhau, như tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, cho đội ngũ lái xe, đặc biệt là nhóm ngành Du lịch cộng đồng... Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hàng loạt hội nghị về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư tại các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất… Đối tượng được tập trung tập huấn là các cơ sở lưu trú, nhà hàng, hộ gia đình cung cấp dịch vụ tại những điểm du lịch cộng đồng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề thông qua các biện pháp như: Đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch nước ngoài theo hướng lựa chọn những ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí; tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội... Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng (doanh nghiệp), trong đó thành phố tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín quốc tế. Có như vậy, ngành Du lịch Thủ đô mới từng bước tăng cường được nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trước xu thế mới.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Điệp anh đào ở Công viên Lao Bảo đã ra hoa

Xanh EWEC |

Sau 1 năm xuống giống, điệp anh đào do Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị trồng ở Công viên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã phát triển tốt và cho hoa bói.

Sôi động ngày hội tại chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn

Mai Trang |

Ngày 27/6, đông đảo người dân Thừa Thiên - Huế đến điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (di tích cấp quốc gia tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) tham dự Khai mạc “Chợ quê ngày hội” do UBND thị xã Hương Thủy tổ chức.

Tỉnh Quảng Trị có 150 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Lê An |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất gắn với thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, thời gian qua, các mô hình, dự án liên kết “4 nhà”, “5 nhà” đã được chú trọng và triển khai thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Đà Nẵng kích cầu du lịch hè 2024

Trần Lê Lâm |

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, để tiếp tục thu hút và kích thích tăng trưởng khách du lịch, đặc biệt là du khách trong nước đến với thành phố, Sở đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch được áp dụng từ tháng 6 đến 9/2024.