Khắc phục khó khăn, những năm trở lại đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, mức sinh ở xã giảm, tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh được hạn chế, các dịch vụ KHHGĐ triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng dân số dần được nâng lên.
Vĩnh Tú là một xã vùng gò đồi, kinh tế phát triển chậm, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp và thường xuyên bị thiên tai làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như sức khỏe của người dân. Toàn xã có 6 thôn, 949 hộ với 3.197 nhân khẩu, trong đó phụ nữ tuổi từ 15-49 tuổi 678 người; phụ nữ 15-49 tuổi có chồng 484 người.
Xác định công tác DS-KHHGĐ là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương; là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và cộng đồng, xã Vĩnh Tú đưa công tác này vào nghị quyết thực hiện của Đảng bộ xã, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là chỉ tiêu trong phát triển KT-XH. Giao cho ngành y tế - dân số xã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội xã, thôn cùng vào cuộc, lồng ghép hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện nghiêm túc các chính sách dân số; phát động xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số như: thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên; câu lạc bộ tiền hôn nhân...
Đội ngũ cán bộ, công chức dân số, nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số trên địa bàn xã luôn tâm huyết, trách nhiệm tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn, cung cấp phương tiện tránh thai cho đối tượng kịp thời...
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân số, xã xác định cán bộ, đảng viên luôn phải gương mẫu đi đầu thực hiện KHHGĐ, xây dựng mô hình gia đình ít con, ấm no, hạnh phúc. Vợ chồng anh chị Lê Đức Hùng và Nguyễn Thị Hồng là một trong điển hình như thế. Chị Hồng là đảng viên, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, anh Hùng là thợ mộc. Anh chị sinh con “một bề” là gái, hiện một cháu 7 tuổi, một cháu 4 tuổi và họ không có ý định sinh thêm.
Nhờ thực hiện nghiêm túc biện pháp tránh thai hiện đại, khoảng cách sinh giữa các con đảm bảo, giúp cho anh chị có điều kiện chăm sóc con, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và làm ăn hiệu quả hơn. “Với trách nhiệm là một đảng viên, tôi xác định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Điều thuận lợi là chồng tôi có suy nghĩ rất thoáng, không nặng nề phải nhất định sinh cho được con trai để nối dõi tông đường, trai hay gái cũng là con, miễn là các con luôn mạnh khỏe, bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập, ăn uống đủ chất, vui chơi phù hợp với lứa tuổi”, chị Hồng chia sẻ.
Không chỉ vợ chồng anh Hùng, chị Hồng mà phần lớn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Vĩnh Tú đều tích cực thực hiện các biện pháp KHHGĐ, xây dựng mô hình ít con, đầu tư phát triển kinh tế, có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Trước đó, trạm y tế xã chưa có công chức dân số, thiếu nữ hộ sinh nên công tác DS-KHHGĐ giao cho một cán bộ y tế xã kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, công tác DS-KHHGĐ ở xã gặp một số khó khăn như: từ năm 2019 các thôn sáp nhập nên khó khăn trong việc xây dựng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Kinh phí đầu tư cho công tác dân số còn hạn chế. Một bộ phận người dân còn hiểu sai về chính sách DS-KHHGĐ nên vẫn sinh con thứ 3 trở lên...
Năm 2021, trạm mới được bổ sung cán bộ dân số, nữ hộ sinh nên thuận lợi hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các chính sách về dân số luôn được phổ biến kịp thời đến người dân hơn. Hằng năm, Trạm Y tế xã Vĩnh Tú thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp truyền thông về CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phối hợp với Hội Người cao tuổi (NCT) xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần và cấp thuốc miễn phí cho NCT từ kinh phí xã hội hóa; lập hồ sơ lưu trữ số NCT ở địa phương. Truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho học sinh lớp 8,9 của trường THCS trên địa bàn...
Nhờ tích cực triển khai nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền người dân nên công tác DSKHHGĐ ở xã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Riêng trong năm 2023, trạm y tế phối hợp với đoàn thanh niên xã thành lập 1 câu lạc bộ tiền hôn nhân gồm 50 thành viên. Tổ chức thành công 2 đợt chiến dịch khám phụ khoa với 170 lượt người tham gia. Nhiều chỉ tiêu về CSSKSS/KHHGĐ ở xã đạt và vượt kế hoạch, điển hình như: tỉ lệ sinh con thứ 3 năm 2023 là 16,2% giảm 8,1% so với năm 2022 (trong năm không có đảng viên sinh con thứ 3 trở lên); tiêm thuốc tránh thai đạt 100%, tiêm cấy tránh thai đạt 200%, đình sản đạt 100%...
Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Tú, bác sĩ Thái Văn Hiếu cho biết: “Để nâng cao chất lượng dân số ở địa phương, thời gian tới, trạm y tế xã tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.
Tham mưu Đảng ủy xã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp với công tác dân số, sự phối hợp cụ thể của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai, CSSKSS/KHHGĐ. Tăng cường công tác truyền thông trên các hệ thống như: loa phát thanh của xã, các trang mạng điện tử, các hội nhóm nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, đề nghị cấp trên cần có những chế tài xử phạt cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)