Vượt khó, đổi mới và sáng tạo trên nền tảng chuyển đổi số

Cẩm Nhung |

LTS: Năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chịu sự tác động và bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai. Chính trong bối cảnh đó, ngành đã điều hành linh hoạt để đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học và ứng phó với dịch bệnh trong hoàn cảnh mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Cửa Việt có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Lê Thị Hương - TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

PV: Thưa bà, những trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã “tàn phá” và làm ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất của hệ thống trường học trên toàn tỉnh. Nhiều trường học chìm sâu trong nước, trang thiết bị hư hỏng khiến việc dạy và học gián đoạn suốt nhiều ngày. Làm thế nào để ngành vượt qua khó khăn rất lớn này?

Bà Lê Thị Hương: Theo báo cáo của cơ sở, những trận mưa lũ trong tháng 10/2020 khiến 200 trường với 308 điểm trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngập sâu, hàng chục nghìn thiết bị và đồ dùng học tập bị hư hỏng, ước thiệt hại hơn 240 tỷ đồng. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, trong những ngày thiên tai khắc nghiệt nhất, Sở GD-ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình, động viên các trường làm tốt công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ, huy động giáo viên các trường không bị ảnh hưởng mưa lũ đến giúp các trường bị ngập lụt nặng, học sinh THPT đến giúp các trường tiểu học, mầm non. Có thể nói, công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại các trường được triển khai gấp rút, khẩn trương với sự giúp đỡ của các lực lượng công an, biên phòng, quân đội, đoàn thanh niên… không quản ngại gian khổ ngày đêm dầm mình giữa nước lũ, bùn non, đồng hành hỗ trợ dọn dẹp để tạo điều kiện tốt nhất đón học sinh quay lại trường. Chưa kể, có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã đến chia sẻ, trao quà cứu trợ cho các trường, điểm trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Sự cứu trợ kịp thời này vô cùng quý giá, giúp giáo viên và học sinh vùng lũ trụ vững trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và sớm trở lại dạy và học bình thường.

Tổng công ty Điện lực miền Nam tặng dàn máy tính cho Trường TH&THCS xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ, địa phương chịu hậu quả nặng nề của những trận lũ liên tiếp giữa tháng 10/2020 - Ảnh: Quốc Nam
Tổng công ty Điện lực miền Nam tặng dàn máy tính cho Trường TH&THCS xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ, địa phương chịu hậu quả nặng nề của những trận lũ liên tiếp giữa tháng 10/2020 - Ảnh: Quốc Nam

PV: Được biết thời gian qua, ngành GD-ĐT Quảng Trị đã rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành. Và trong đợt mưa lũ vừa qua đã cho thấy hiệu quả của nó trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đặc biệt là ngành đã biết tận dụng tối đa từ mạng xã hội. Bà có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?

Bà Lê Thị Hương: Trong bối cảnh mưa lũ vừa qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông trực tuyến như nhóm zalo, trang facebook, trang thông tin điện tử của Sở và các phòng GD-ĐT, hòm thư điện tử... để cập nhật thông tin về mưa lũ và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo chức năng nhiệm vụ. Nhờ thế nên trong đợt mưa lũ vừa qua khi giao thông nhiều nơi bị chia cắt, nhiều cơ sở giáo dục bị cô lập, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã phát huy vai trò thông tin và kết nối mạnh mẽ mang lại những hiệu quả rõ rệt: tốc độ truyền tin nhanh, thông báo kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, giải quyết được nhiều tình huống khẩn cấp, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước đây, để thông báo tình hình và các phương án ứng phó thiên tai tới các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh chúng tôi phải gọi điện cho từng đơn vị trực thuộc, kết hợp gửi mail, fax,… nhưng thời tiết diễn biến thất thường theo từng giờ nên không tránh khỏi việc vừa gọi điện xong đã phải gọi lại. Còn bây giờ tất cả các văn bản chỉ đạo, thông báo chính thống của Sở được ban hành gửi qua hệ thống email công vụ, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở, đồng thời được chia sẻ rộng rãi qua các trang mạng xã hội, và từ lúc Sở phát đi văn bản đến khi nhận được phản hồi từ cơ sở chỉ tính theo giây, phút, giúp mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nắm được thông tin nhanh chóng để thực hiện hiệu quả.

Thực tế cho thấy, số người dùng mạng xã hội hiện nay đang tăng nhanh, trong đó có giáo viên, học sinh. Trong bối cảnh thiên tai, tận dụng mạng xã hội có thể chỉ là giải pháp tình thế nhưng về lâu dài việc sử dụng kênh truyền thông này sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, là xu thế tất yếu mà các cơ sở giáo dục trong tỉnh cần hướng tới. Sở GD-ĐT nhận thức được tầm quan trọng của CNTT và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn để các đơn vị trực thuộc ngành tích cực ứng dụng CNTT, trong đó có mạng xã hội trong các hoạt động của ngành. Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục có hệ thống Fanpage cho học sinh và phụ huynh; nhóm facebook, zalo cán bộ, giáo viên; nhóm diễn đàn chuyên môn giáo dục (theo môn học), nhóm lớp học (giáo viên và học sinh)… Chúng tôi khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng công nghệ và mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho giảng dạy, học tập, giải trí; nhưng đồng thời có định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng công nghệ và mạng xã hội vào những việc tiêu cực.

PV: Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học được ngành triển khai ra sao trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thưa bà?

Bà Lê Thị Hương: Những năm qua, Sở GD-ĐT bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 117 về tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngành xác định tăng cường ứng dụng CNTT sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và xem ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Một số kết quả tích cực có thể kể đến như, về quản lý giáo dục, ngành đã thực hiện số hóa và điện tử hóa một số lĩnh vực quản lý trong toàn ngành như: Quản lý các kỳ thi, quản lý văn bằng chứng chỉ, quản lý học sinh, thống kê giáo dục, tài chính kế toán... Triển khai một số dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và các đơn vị trường học trong liên hệ công việc cũng như giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng và hiệu quả. Cổng thông tin điện tử Giáo dục (Portal) đã liên thông với hơn 400 đơn vị trường học và các phòng GD-ĐT. Triển khai hệ thống dạy học trực tuyến, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử tại 100% các đơn vị trường học. Cùng với đó, hệ thống phần mềm quản lý ngân hàng đề, phần mềm thiết kế bài giảng e-Learning, các phần mềm dạy học theo chuyên ngành… đã hỗ trợ tích cực các hoạt động dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Sở cũng tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên môn trực tuyến. Hiện nay, hệ thống phòng họp trực tuyến từ Sở kết nối đến 9 điểm cầu của 9 huyện, thị xã, thành phố.

Về dạy và học, giáo viên toàn ngành được huy động tham gia thiết kế bài giảng điện tử, bài giảng e-Learning, các thí nghiệm ảo, các bộ câu hỏi theo hướng phát huy năng lực học sinh… để đưa lên ngân hàng đề và thư viện học liệu của ngành. Trong thời gian qua đã có nhiều đề tài khoa học về lĩnh vực CNTT được học sinh thực hiện để tham gia các cuộc thi Khoa học kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh và cấp quốc gia đạt giải cao. Một số giáo viên đã tích cực tham gia diễn đàn giáo dục trên nền tảng CNTT và gửi bài giảng e-Learning và đã có 3 giáo viên lọt vào top 50 sản phẩm xuất sắc trong toàn quốc.

Năm 2020 là năm học hết sức đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; ngành GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa tổ chức dạy học vừa lo phòng chống dịch. Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, trong giai đoạn giãn cách xã hội, học sinh nghỉ học, Sở đã triển khai dạy học từ xa qua internet và trên truyền hình, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học 2019 - 2020 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Sở đã cấp hơn 127.119 tài khoản cho giáo viên và học sinh; 1.211 bài giảng với 255 khóa học được đưa lên trang dạy và học trực tuyến; đồng thời Sở đã phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội, Đài PT-TH tỉnh tiếp sóng Đài Truyền hình Hà Nội về chương trình dạy học qua sóng truyền hình cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều đơn vị, trường học đã ứng dụng mạng xã hội, phần mềm Zoom cloud meeting, phần mềm Teamviewer, phần mềm Dropbox, phần mềm Office 365,… để phục vụ công tác quản lý, dạy học.

Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua là có hiệu quả cho thấy phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, Sở đang tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT phục vụ tốt nhất việc học tập của học sinh trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số của ngành.

Có thể nói, nếu so sánh về tiềm lực, Quảng Trị không phải là một tỉnh có nền tảng mạnh về ứng dụng CNTT trong giáo dục từ trước. Vì vậy, những kết quả có được là từ sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành xuất phát từ mục tiêu tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 của ngành nói riêng đồng thời tham gia vào tiến trình chuyển đổi số của tỉnh nhà nói chung.

PV: Như vậy, để thực hiện tốt việc chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng CNTT để phục vụ cho công tác dạy và học trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành GD-ĐT sẽ ưu tiên những giải pháp nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hương: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị CNTT thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền, ưu tiên huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quản lý; tích hợp các phần mềm, các hệ thống thông tin quản lý hiện có của ngành lên cổng thông tin điện tử; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục với các ban ngành trong tỉnh, hướng đến xây dựng mô hình giáo dục thông minh theo chủ trương của tỉnh.

Mặt khác, quan tâm thực hiện phổ cập tin học, triển khai dạy tin học cơ bản, làm quen với tin học cho học sinh các cấp học theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT; lồng ghép nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cơ bản, những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp, với mục tiêu hình thành một nguồn nhân lực có kỹ năng số, hướng đến xây dựng một thế hệ “công dân số”. Đối với những trường thuận lợi, tổ chức cho học sinh tiếp cận với việc học trong môi trường trực tuyến, có CNTT hỗ trợ, tương tác thúc đẩy tư duy sáng tạo, kích thích nhu cầu rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm.

Xác định rõ nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu thực tiễn để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tổ chức nhiều buổi hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học; phát động phong trào thiết kế bài giảng điện tử, tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng e-Learning do Bộ GD-ĐT tổ chức; khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên ứng dụng các phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục STEM trong trường phổ thông. Tạo không gian và thời gian dạy học linh động, thúc đẩy giáo dục mở - bình đẳng - cá thể hóa. Xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội để tăng cơ hội học tập và quản lý tốt học sinh.

PV: Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Theo đó, mối quan hệ thầy trò cũng đã có những đổi thay so với trước. Thầy cô không còn là người duy nhất trao truyền kiến thức cho học trò khi hiện nay người học có nhiều phương tiện để nâng tầm hiểu biết. Vì thế đã có những băn khoăn, lo ngại tác động của 4.0 sẽ làm nhạt phai truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, tình cảm thiêng liêng sẻ chia, gắn bó của thầy trò. Xin bà vui lòng chia sẻ những suy nghĩ của bà.

Bà Lê Thị Hương: Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực giáo dục. Vai trò của người thầy truyền thống đang bị thách thức khi hiện nay người học có quá nhiều nguồn tiếp cận thông tin, tri thức trong giáo trình đôi lúc không hấp dẫn bằng thông tin trên mạng. Phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo trở thành xu hướng giáo dục tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định có những mối quan hệ và giá trị bất biến ngày càng được định hình và phát triển. Đó là vị trí của người thầy. Mặc dù khoa học công nghệ và nhiều yếu tố hiện đại tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, thầy giáo vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò.

Các phương tiện trong quá trình giáo dục có hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ cho bài giảng của thầy còn vai trò quan trọng vẫn là người thầy trên bục giảng. Chìm đắm trong công nghệ sẽ khiến học sinh thiếu những trải nghiệm cuộc sống và sự kết nối với mọi người. Cùng với đó, trước nguồn thông tin đa dạng và phức tạp trên mạng, nếu không biết cách chọn lọc học sinh rất dễ sa vào những luồng thông tin xấu, thông tin không chính thống. Vì vậy, thầy cô lúc này là người đồng hành, định hướng để học trò khám phá, tìm tòi tri thức. Mặt khác, chúng ta đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học với việc xác định lấy người học làm trung tâm, đào tạo gắn với thực tiễn vì thế chức năng của người thầy theo đó mà thay đổi để tạo ra những thế hệ công dân thực sự làm chủ tiến trình phát triển. Khác với mối quan hệ giữa thầy và trò trước đây, thầy là người truyền đạt, trò là người thụ động tiếp thu kiến thức, thì ngày nay người thầy đóng vai trò trợ giúp và hướng dẫn học trò cách tiếp cận nguồn tri thức, khơi dậy và phát triển nội lực của người học. Thế nên, mối quan hệ thầy trò cũng trở nên cởi mở, gần gũi, thân thiện hơn.

 Tôi cho rằng, dù xã hội có phát triển đến đâu thì trong tâm tưởng của người Việt Nam, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là nền tảng đạo đức của xã hội. Vị trí, vai trò của người thầy vẫn luôn được kính trọng, quý mến. Trò luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

PV: Xin cám ơn bà đã dành cho Cửa Việt cuộc trao đổi này.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Nhật Bản tài trợ Lào phát triển y tế, giáo dục

Tổng hợp |

Chính phủ Nhật Bản vừa cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại cho Lào trị giá 522.221 USD để thực hiện 2 dự án y tế và 3 dự án giáo dục tại các tỉnh của Lào theo khuôn khổ dự án Hỗ trợ bền vững vấn đề con người cấp cơ sở (GGPs).

Giáo dục chỉ cất cánh khi chống triệt để căn bệnh thành tích

Bá Duy |

"Chúng ta phải chống triệt để căn bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới có được chất lượng giáo dục thật", TS. Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhấn mạnh.

Từ vụ việc nữ sinh lớp 7 tự sinh con, cảnh báo lỗ hổng trong giáo dục giới tính

Nguyễn Trang |

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, suốt một thời gian dài chương trình giáo dục của nhà trường quá coi nhẹ giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cũng như các kỹ năng sống khác cho học sinh, mà chỉ chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức, thi đua lấy thành tích.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Mai Trang – Minh Dương |

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để công tác đào tạo nguồn nhân lực thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thiết lập được mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho người lao động được xem là giải pháp đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay.