Ngày 13/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh: Hà Sỹ Đồng, Hoàng Nam chủ trì làm việc với TP. Đông Hà để đánh giá giữa nhiệm kỳ và năm 2023 về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP - AN. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến cùng dự làm việc.
Tự cân đối chi thường xuyên theo tiêu chí đô thị loại II
Báo cáo tại phiên làm việc, Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển KT - XH của thành phố có bước chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,29%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại - dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn, công nghiệp là động lực, nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa.
Hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn trong 2 năm 2021, 2022 đạt 11.765 tỉ đồng, tăng bình quân 28,8%/năm, trong đó đã huy động một số dự án có quy mô đầu tư lớn, góp phần thay đổi diện mạo thành phố như dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Nam Đông Hà của Tập đoàn Vingroup, dự án Nhà ở thương mại thuộc dự án Công viên Fidel.
Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách trên địa bàn sau khi loại trừ tiền sử dụng đất tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 là 31,2%/năm, đặc biệt năm 2022 là năm đầu tiên thành phố đã tự cân đối được chi thường xuyên theo tiêu chí đô thị loại II. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan được chú trọng, đồng thời huy động nhiều nguồn lực cho chỉnh trang đô thị, giúp diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức với quy mô lớn, nội dung phong phú, đa dạng. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng được nâng lên, toàn thành phố có 23/42 trường học được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó có 21/32 trường công lập, đạt tỉ lệ 65,6%; có 12/32 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm, các cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,56%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. QP - AN được đảm bảo.
Kiến nghị thu hồi đất đối với các dự án không triển khai, ngừng hoạt động
Những khó khăn mang tính khách quan, chủ quan làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố được lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đưa ra tạibuổi làm việc, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, đại dịch COVID-19 từ năm 2021 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Lãi suất ngân hàng tăng cao, gây áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng dẫn đến một số dự án chậm triển khai thực hiện như dự án Khu dịch vụ sinh thái Hồ Mếc - Phường 2, các cụm điểm dịch vụ sinh thái như hồ Khe Mây, hồ Km 6, hồ Khe Lấp; Khu ẩm thực và Chợ đêm Phường 2 dừng hoạt động.
Năng lực tài chính, quy mô sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế. Đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và ngày càng bị thu hẹp, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ phát triển còn hạn chế, việc thu hút các dự án nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, các chính sách miễn, giảm thuế để phục hồi sản xuất làm phát sinh tăng dự toán chi ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương. Mặc dù thành phố đã tự cân đối ngân sách từ năm 2022, tuy nhiên việc phân cấp doanh nghiệp cho Chi cục Thuế khu vực Đông Hà - Cam Lộ không ổn định, dẫn đến thiếu chủ động trong quá trình điều hành ngân sách.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2022, thị trường bất động sản “đóng băng”, nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất thấp; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của một số phường còn hạn chế, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án và chính sách thu hút đầu tư.
Đông Hà kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời ưu tiên bố trí thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cho thành phố, mở rộng không gian đô thị, đầu tư, nâng cấp các trục giao thông động lực như trục giao thông phía Đông thành phố và cầu kết nối Phường 2 với phường Đông Giang, tuyến đường 47 m từ đường sắt đến đường nối cầu Sông Hiếu...
Thu hồi đất đối với các dự án không triển khai, ngừng hoạt động tại các cụm công nghiệp. Quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Bố trí thêm biên chế để thực hiện các nhiệm vụ ngày càng nhiều.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, sự phát triển của Đông Hà kéo theo sự phát triển chung của cả tỉnh. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, đặc biệt phải hoàn thành quy hoạch phân khu trong năm 2023, nhằm kêu gọi đầu tư, phát triển KT - XH, góp phần xây dựng Đông Hà phát triển đạt đô thị loại II, hướng đến xây dựng đô thị thông minh.
Đông Hà chủ động tham mưu, xây dựng nghị quyết phát triển thành phố trong điều kiện mới với những chính sách đặc thù, ưu tiên, phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực, dư địa nội tại, các tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn như thương mại - dịch vụ; công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ trong tỉnh như rau, hoa... Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào địa bàn.
Đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, đồng thời huy động mọi nguồn lực trong xã hội, ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trách nhiệm, tận tâm cống hiến cho sự phát triển của thành phố. Chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông xây dựng môi trường đô thị thân thiện, an toàn cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)