Xây dựng thị xã Quảng Trị hướng đến đô thị Hòa bình

PV |

Chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra mục tiêu xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình”... Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định không gian phát triển du lịch thị xã Quảng Trị thuộc cụm du lịch phía Nam, yếu tố trung tâm là Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; trọng điểm phát triển du lịch là khu vực Thành Cổ; sản phẩm chủ yếu là du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch thương mại công vụ, nghỉ dưỡng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Xây dựng thị xã Quảng Trị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị Hòa bình”.


Để thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian vì hòa bình, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Quảng Trị, xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết một số khu vực về phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch để đón đầu, dẫn dắt các nhà đầu tư. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, từng bước hiện đại; tiếp tục xây dựng thị xã trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch phía Nam của tỉnh, nơi đón đầu và tổ chức tốt các lễ hội cấp tỉnh trở lên, nơi thực hiện tốt nhất các hoạt động Lễ hội Vì Hòa bình và truyền tải, lan tỏa thông điệp Hòa bình.

Một tuyến phố trung tâm thị xã Quảng Trị - Ảnh: PV
Một tuyến phố trung tâm thị xã Quảng Trị - Ảnh: PV

Trước mắt, tập trung hoàn thành dự án các khu đô thị mới; các dự án trọng điểm, một số công trình điểm nhấn 2 bên bờ sông Thạch Hãn... và các công trình, dự án khác đã được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thị xã giai đoạn 2021-2025. Đầu tư tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử; phối hợp triển khai dự án nâng cấp, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và các hạng mục phụ trợ.

Nâng cấp, hình thành các tour, tuyến du lịch của thị xã đã được xác định. Duy trì và nâng cao chất lượng tuyến phố đi bộ Ngô Quyền, xây dựng một số tuyến phố đi bộ gắn với biểu trưng “Thành Cổ 81 ngày đêm” để thu hút du khách. Đầu tư hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước, cảnh quan môi trường, xử lý chất thải... phục vụ phát triển du lịch.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác hiệu quả các khu vực chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn 3 sao trở lên, bãi đỗ xe du lịch kết hợp các dịch vụ tổng hợp tại các vị trí đã được quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao.

Quy hoạch sắp xếp và nâng cấp, xây dựng các cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí. Tiếp tục hiện thực hóa “tính thiêng” của không gian tưởng niệm Thành Cổ thông qua các hoạt động tri ân và dịch vụ trải nghiệm ”đêm Thành Cổ”. Đa dạng các sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng và đảm bảo chất lượng phục vụ du khách...

Thứ hai, khai thác phát huy lợi thế tài nguyên du lịch của thị xã, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Nâng cao giá trị tài nguyên du lịch hiện có. Duy trì các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, tri ân - hoài niệm với chất lượng dịch vụ tốt hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn và mở rộng đối tượng du khách; đặc biệt là nâng tầm giá trị di tích Thành Cổ và Cụm di tích lưu niệm 81 ngày đêm năm 1972.

Kết nối du lịch văn hóa - tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng, tri ân - hoài niệm. Phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch đồng quê, du lịch sinh thái... trên cơ sở liên kết các điểm đến trong “Không gian thiêng 81 ngày đêm” ở trung tâm thị xã với các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở tôn giáo, cảnh quan, điểm du lịch sinh thái ở các vùng phụ cận.

Thứ ba, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác, phát triển du lịch. Tích cực đổi mới cách thức, nội dung, đảm bảo thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tận dụng tối đa sự lan tỏa của mạng xã hội để truyền thông về du lịch thị xã. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng và sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng một số clip ngắn có chất lượng cao, khai thác “không gian thiêng Thành Cổ” để quảng bá hình ảnh du lịch thị xã. Đẩy mạnh truyền thông về du lịch bằng nhiều hình thức phong phú; tổ chức lồng ghép qua các sự kiện chính trị, các lễ hội… để tạo sức hấp dẫn của du lịch địa phương.

Tăng cường liên kết, hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương khác; liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; khuyến khích phát triển các công ty lữ hành; kết nối tour, tuyến du lịch phù hợp tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch thị xã; học hỏi kinh nghiệm quản lý điểm đến của các trung tâm du lịch và kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển du lịch của các địa phương lân cận; xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư và liên kết hợp tác, phát triển du lịch hiệu quả.

Thứ tư, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Khuyến khích xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, đào tạo du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động trong ngành dịch vụ, du lịch; chú trọng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp, trình độ hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Quảng Trị...

Quan tâm hỗ trợ đào tạo tại chỗ để sớm bổ sung nguồn nhân lực trực tiếp trên cơ sở phát huy kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có của cán bộ, công nhân viên và cơ sở vật chất của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển du lịch...

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Cần triển khai đồng bộ đề án chính quyền điện tử, số hóa - công nghệ hóa các hoạt động quản lý chuyên môn trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; tích cực thực hiện quá trình chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong các dịch vụ du lịch, cung cấp wifi miễn phí tại trung tâm, các tuyến phố đi bộ và các điểm du lịch; từng bước số hóa các thông tin về các điểm đến du lịch thị xã. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch triển khai thương mại điện tử, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến...

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch và kinh tế du lịch trong cán bộ và Nhân dân. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở thị xã trong lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, trọng tâm là quản lý, xây dựng đô thị thị xã văn minh hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch thị xã như: Đẩy mạnh truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách, xây dựng môi trường xã hội thân thiện, đô thị văn minh...

Thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh du lịch bằng việc ban hành các cơ chế của địa phương cấp huyện theo thẩm quyền...

Thứ bảy, ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch trên phạm vi toàn tỉnh. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao. Để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị nói riêng, cần ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ một số chính sách trên phạm vi toàn tỉnh như: Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu di tích lịch sử, văn hóa khi liên kết khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể nhằm phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn thủ tục đầu tư, kinh doanh về du lịch; hỗ trợ liên kết, hợp tác đưa khách du lịch đến Quảng Trị; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch và công tác xúc tiến du lịch; chủ trương khuyến khích doanh nghiệp liên kết phát triển du lịch để phát huy hiệu quả các di tích trên địa bàn...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giải giao hữu bóng chuyền nam ngành Công thương Quảng Trị năm 2022

Hoài Nhung |

Ngày 7/5, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), Sở Công thương và Công đoàn ngành Công thương phối hợp tổ chức Giải giao hữu bóng chuyền nam công nhân, viên chức, lao động (CN,VC-LĐ) ngành Công thương năm 2022 chào mừng kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Công thương Việt Nam 14/5 (1951-2022) và hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022.

Đạo diễn Trần Vịnh: Mảnh đất Quảng Trị luôn sâu nặng ân tình

Phan Hoài Hương |

Khi nhắc đến Quảng Trị, mạch nguồn ký ức về mảnh đất và con người nơi đây khiến đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh - một vị đạo diễn mà tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim về đề tài chiến tranh - như được khơi nguồn cảm xúc. Dòng ký ức của ông luôn nhắc về những kỷ niệm ở chiến trường Trị Thiên; về tình cảm của bà mẹ Cam Thành (Cam Lộ) chăm sóc ông lúc bị bệnh; về những ngày tháng lăn lộn nơi mảnh đất gió Lào cát trắng để thực hiện các bộ phim về đề tài chiến tranh. Với ông, mảnh đất Quảng Trị luôn sâu nặng ân tình.

Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Quảng Trị

Mai Lâm |

Mặc dù thời gian qua tỉnh Quảng Trị rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp cận đất đai, tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Khai mạc kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng 2 tỉnh Quảng Trị

Thanh Hải |

Ngày 7/5, Hội đồng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ giáo viên THPT hạng 3 lên giáo viên THPT hạng 2.