Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Trần Anh Minh |

Với 53 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đến năm 2020, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Quảng Trị sau 3 năm triển khai đã đạt được kết quả nổi bật. 

Sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong, ngoài tỉnh và tham gia xuất khẩu đem đến sự hài lòng cho người tiêu dùng. Đi cùng với việc tạo điều kiện về nhiều mặt thì việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa của sản phẩm OCOP Quảng Trị trên thị trường.

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, các thành phần tham gia sản xuất đặc sản của từng vùng, miền trong tỉnh đã biết cách chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã được các ngành chức năng hỗ trợ đưa vào phân phối trong một số hệ thống siêu thị lớn, tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Quảng Trị có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, quả bơ, mướp đắng, các loại sản phẩm từ chăn nuôi, lâm nghiệp…

Chế biến tinh dầu gừng, một sản phẩm OCOP của Công ty TNHH tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại được đăng ký thương hiệu - Ảnh: T.A.M​
Chế biến tinh dầu gừng, một sản phẩm OCOP của Công ty TNHH tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại được đăng ký thương hiệu - Ảnh: T.A.M​

Sở KH&CN đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc chương trình OCOP, trong đó công tác hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình về ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP được chú trọng. Năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ thực hiện thành công dự án xây dựng xác lập, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 19 sản phẩm OCOP thông qua các tổ chức kinh tế như HTX, doanh nghiệp, trong đó có 9 nhãn hiệu tập thể, 1 nhãn hiệu chứng nhận và 9 nhãn hiệu thông thường.

Phát huy thành công bước đầu của chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã xây dựng và triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế ứng dụng KH&CN đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2025 gắn với triển khai chương trình OCOP; chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN hằng năm dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, trong đó ưu tiên các HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể trên địa bàn tỉnh. Thông qua triển khai các đề tài, dự án, Sở KH&CN đã hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho nhiều sản phẩm OCOP của địa phương.

Việc triển khai thực hiện các dự án quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm của Sở KH&CN đã hình thành được hệ thống các tiêu chí để chứng nhận cho sản phẩm được xác định kèm theo cơ sở khoa học và thực tiễn. Mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu được tổ chức, củng cố và hoàn thiện. Hệ thống các văn bản về quản lý, sử dụng nhãn hiệu và kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng được ban hành và triển khai trên thực tế. Hệ thống các phương tiện quảng bá nhãn hiệu chứng nhận được triển khai và áp dụng...

Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Thái Thị Nga cho biết: “Sở đã tiến hành hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu thông qua việc xây dựng hệ thống, công cụ quản lý nhãn hiệu; triển khai thí điểm mô hình quản lý, khai thác nhãn hiệu; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng, tạo dựng uy tín cho sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường... từ đó, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người sản xuất sản phẩm OCOP tại Quảng Trị”.

Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 27 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 23 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao và 1 - 2 ý tưởng sản phẩm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, trong năm nay, tỉnh sẽ lựa chọn 2 - 4 sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm 5 sao cho giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được các mục tiêu này, chính quyền các cấp và các ngành hữu quan tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp, phấn đấu đưa càng nhiều càng tốt các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình OCOP; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình khởi nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Trong đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP là một giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nếu một ngày tiếng khèn, tiếng sáo... không còn là đặc sản vùng cao

PV |

Bây giờ những chàng trai, cô gái tại không ít bản làng dùng điện thoại di động mở nhạc để tỏ tình... Các chuyên gia văn hóa lo ngại, nhạc cụ dân tộc, những bài hát giao duyên sẽ dần biến mất. 

Đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn sản phẩm OCOP

Bảo Bình |

Thời điểm này, tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị cho việc đánh giá, phân hạng sản phẩm và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2020. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh trên thị trường.

Xây dựng sản phẩm ocop và những vấn đề đặt ra

Đan Tâm |

Ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Gắn Chương trình OCOP với du lịch nông nghiệp

Trung Dung |

Du lịch nông nghiệp là sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, vừa để tăng thu nhập cho nông dân vừa tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm đời sống nông thôn và thưởng thức các đặc sản vùng miền. Thậm chí du khách có thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất với nông dân, sau đó thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình làm ra. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống ở nông thôn.