Ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sự vào cuộc tích cực
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển chương trình OCOP và đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng huyện Cam Lộ đã xây dựng 7 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao (chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh), nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường lớn, vào các siêu thị cao cấp và đạt giải thưởng danh giá về chất lượng. Hiệu quả kinh tế từ các vùng sản xuất tập trung cho giá trị cao hơn từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Huyện cũng đã xây dựng sự kết nối nông - công - thương bền vững; tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giá trị gắn với chương trình OCOP. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết “4 nhà” và chiến lược “5 tăng” trong sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm. Huyện Vĩnh Linh đã quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa cho các mặt hàng nông sản chủ lực, 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu là “Tiêu Vĩnh Linh”, “Ném Vĩnh Linh”, “Đậu xanh Vĩnh Giang” và “Dưa hấu Vĩnh Tú”. Huyện Đakrông cũng đã chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: Dưa hấu Mò Ó, lạc, đậu xanh vùng chiến khu Ba Lòng, chuối, dứa Tà Rụt...
Các địa phương thuộc huyện Triệu Phong đã tích cực hưởng ứng, xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, như: Gạo sạch Triệu Phong, nem chả Triệu Thành, ruốc đặc Triệu An, nước mắm Gia Đẳng, đậu đen xanh lòng Triệu Vân, bún sạch Vạn Linh Triệu Sơn, gạo huyết rồng Triệu Phước... Một số sản phẩm đã được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, trong đó huyện Triệu Phong có 2 sản phẩm được công nhận, đó là sản phẩm gạo sạch Triệu Phong được phân hạng 4 sao, sản phẩm bún sạch Vạn Linh được phân hạng 3 sao, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng hàng nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, riêng cấp tỉnh xây dựng 345 mô hình. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm ở Đông Giang; trồng thanh long ruột đỏ ở Vĩnh Thủy; trồng sắn dây, cây dược liệu ở Cam Lộ; chăn nuôi bò ở Hải Lâm; lúa chất lượng cao ở Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng...
Để giúp nông dân giải quyết đầu ra cho sản xuất và thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng “mỗi xã mỗi sản phẩm” theo chương trình OCOP, các cấp hội phối hợp tích cực với các ngành chức năng, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các loại nông sản. Đã có 19 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó dầu lạc nguyên chất Supper Green và gạo Triệu Phong là 2 sản phẩm đạt 4 sao; hướng dẫn xây dựng 5 nhãn hiệu được bảo hộ gồm: Chuối Hướng Hóa, rau xà lách xoong Gio An, lạc Ba Lòng, bún Sòng, bún Thượng Trạch và dán tem truy xuất nguồn gốc dưa hấu Phong Bình. Chính nhờ những nỗ lực của các địa phương, các ban ngành liên quan, những sản phẩm OCOP dần được ra đời và có chỗ đứng trên thị trường.
Để chương trình OCOP phát triển hiệu quả, bền vững
Tuy nhiên, theo khảo sát, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang ở mức trung bình (58,9 triệu đồng/ ha). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp chỉ chiếm 29,21%. Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún. Tiến độ công nghiệp hóa trong nông nghiệp vẫn còn chậm. Hợp tác xã kiểu mới còn chiếm tỉ lệ thấp (dưới 20%). Việc liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chưa bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn đang đặt ra; tính liên kết vùng trong sản xuất còn thiếu và yếu... chính những yếu tố này đã tạo nên “điểm nghẽn” làm chậm lại quá trình hình thành và phát triển chương trình OCOP.
Để thúc đẩy quá trình phát triển chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, việc cần làm trước tiên là rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xác định quy mô và cơ cấu sản xuất của từng ngành hàng phù hợp với đặc điểm và lợi thế từng vùng, tiểu vùng sinh thái trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường nhằm tạo không gian thuận lợi cho tổ chức sản xuất ổn định, hiệu quả. Ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thích hợp, trong đó phát triển theo hai trục sản phẩm chính, đó là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương. Tập trung rà soát, xác định lại cơ cấu, quy mô và vị trí địa lý cụ thể, đất đai sử dụng cho từng loại ngành, hàng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên vùng, tạo quy mô sản phẩm hàng hóa đủ lớn để thuận lợi cho việc thực hiện chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời coi trọng những mô hình sản xuất quy mô nhỏ để tận dụng đất đai và kết hợp xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.
Thực hiện mạnh mẽ việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo định hướng sản xuất mới. Xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi sản xuất từ chú trọng sản lượng sang chất lượng và giá trị. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững; sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, giá trị gia tăng lớn; hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, hướng đến các thị trường cao cấp ở nước ngoài. Xây dựng mô hình quản trị tổ chức sản xuất tiến bộ để thực hiện các nội dung trên, mà trọng tâm là xoay quanh 3 vấn đề chính, đó là “Hợp tác, liên kết, thị trường”.
Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình hoạt động của nền kinh tế, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối thị trường, vì đây là động lực chính để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, nhãn mác... tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chú trọng việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm, thương hiệu nông sản của các địa phương, khu vực, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu trưng bày sản phẩm, tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nông sản. Phát triển mạnh các hình thức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thể hiện vai trò “bà đỡ” cho người nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa người dân với thị trường, hỗ trợ người dân trong việc cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.
Hằng năm, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí lớn hơn để hỗ trợ, khuyến khích nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị quyết số 02/2019/ NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)