Xuất khẩu lao động ở vùng biển Gio Linh có nhiều khởi sắc

Tú Linh |

Những năm qua, nhờ làm tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động các xã vùng biển như Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) được ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, dành dụm gửi tiền về cho gia đình nên đời sống người dân tại các địa phương này được cải thiện rõ rệt, bộ mặt làng quê có nhiều đổi mới.

Ông Nguyễn Quốc Ái ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt có 4 người con XKLĐ sang Hàn Quốc. Hai người con đầu đi lao động tròn 5 năm đã trở về quê hương một thời gian ngắn rồi tiếp tục quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Trong hai người con trai của ông có một người có vợ đang làm chung công ty tại Hàn Quốc.

Các lao động trước giờ lên đường đi làm việc tại Hàn Quốc - Ảnh: T.L
Các lao động trước giờ lên đường đi làm việc tại Hàn Quốc - Ảnh: T.L

Người con gái của ông Ái cũng mới đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Các con ông Ái sang bên đó phần lớn làm nghề đánh cá. Họ cho biết ở Hàn Quốc đánh cá rất chuyên nghiệp, tàu thuyền máy móc đồng bộ. Hằng tháng trừ chi tiêu, ăn uống, mỗi người con gửi về cho ông hơn 30 triệu đồng rồi còn xây nhà cao tầng tặng ba mẹ. So với lao động ở nhà thì số tiền thu nhập này quả là rất lớn, gấp nhiều lần. Các con của ông cho biết nếu được tuyển dụng lâu dài thì sẽ không về làm việc trong nước mà ở lại Hàn Quốc làm việc nhằm có thu nhập cao và nâng tay nghề.

Cùng với xã Gio Việt thì thị trấn Cửa Việt có số người XKLĐ cũng rất đông. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, gia đình ông Mai Minh Thu ở Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt có 3 người con trai, tất cả đều XKLĐ tại Hàn Quốc. Người con trai đầu là Mai Minh Diệu sau khi làm việc 10 năm ở Hàn Quốc, tích trữ được số vốn khá đã trở về nước, mở tiệm buôn bán tại Cửa Việt.

Hiện ông Thu còn 2 người con trai và 1 con dâu đang ở lại lao động tại Hàn Quốc. Nhờ có công việc phù hợp và tích cực lao động nên các con của ông Thu đều tích trữ được đồng vốn khá và nhiều lần gửi tiền về cho ba mẹ xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống. Cũng theo ông Mai Văn Minh, XKLĐ được xem là một hướng đi thiết thực góp phần rất lớn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển KT-XH trên địa bàn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, xã đã làm việc với các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân để tạo điều kiện cho người dân vay vốn đi XKLĐ.

Trong đó, xác định Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn là những thị trường truyền thống, có tính ổn định cao. Nhờ nguồn tiền gửi về từ con em làm việc chân chính ở nước ngoài mà đời sống kinh tế của người dân có nhiều thay đổi đáng mừng. Bây giờ có không ít học sinh học xong lớp 12 vùng này đều chọn XKLĐ để mong kiếm được thu nhập nhiều hơn về giúp đỡ cho gia đình, dành dụm cho bản thân.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Gio Linh Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ đầu năm đến ngày 31/10/2022, huyện có 329 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng XKLĐ, đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó riêng vùng biển Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt có 235 người đi XKLĐ, chiếm 71,4% của toàn huyện. So với thời gian xảy ra COVID-19, số lượng người tham gia XKLĐ của huyện Gio Linh nay được nâng lên rõ rệt. Hiện tại huyện có trên 3.200 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức XKLĐ. Trong đó, thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Đây là những thị trường có mức thu nhập ổn định và có tính bền vững cao nên được người lao động lựa chọn. Mỗi lao động có thu nhập giao động từ 20 - 40 triệu đồng/tháng, nên hằng năm, nguồn tiền gửi về trên địa bàn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Các lao động đi xuất khẩu ở các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều theo con đường hợp pháp, thông qua các đợt thi tuyển. Trong quá trình làm việc không có lao động bỏ trốn nên khi hết hạn trở về quê một thời gian lại có cơ hội tiếp tục XKLĐ, tạo ra niềm tin lớn và tính bền vững cho người lao động và người sử dụng lao động.

Trưởng Phòng Lao động, Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Ái Loan cho biết, trong hai năm trước do ảnh hưởng của COVID-19, kết quả thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay khi tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động XKLĐ từng bước hồi phục, có nhiều khởi sắc, trong đó các xã vùng biển huyện Gio Linh là những địa phương thực hiện tốt công tác XKLĐ. Theo bà Ái Loan, tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh có 2.331 lao động làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, làm việc ở Lào có 199 lao động, XKLĐ ở Hàn Quốc 118 lao động, Nhật Bản 1.215 lao động, Đài Loan 783 lao động và 16 lao động ở các thị trường khác. Đây là tín hiệu tích cực góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Để phát huy lợi thế XKLĐ của địa phương thì công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người dân cần được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin, báo chí; hội nghị phổ biến chính sách việc làm; sàn giao dịch việc làm; hội thi, hội nghị đối thoại; tư vấn…nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung đến người dân trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt và thực hiện có hiệu quả chủ trương ý nghĩa này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, bao giờ hết cảnh “quýt làm cam chịu”?

Mai Lâm |

Mới đây, 55 lao động thời vụ đợt 2 của tỉnh Quảng Bình bị lỡ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc dù đã hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết. Nguyên nhân là do tỉnh này có 34/41 lao động đi làm việc thời vụ đợt 1 ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) không chịu về nước như cam kết. Câu chuyện “quýt làm cam chịu” này một lần nữa cảnh báo về tình trạng lao động bất hợp pháp của nước ta khi tham gia làm việc ở nước ngoài.

Lào chuẩn bị xuất khẩu 1.000 tấn gạo nếp sang Pháp

Tổng hợp |

Mới đây, công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Champahom ký hợp đồng với công ty WECH GROS Import-export của Pháp về việc xuất khẩu 1.000 tấn gạo nếp trị giá 1,2 triệu USD sang Pháp vào cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

Thái Lan lo lắng Việt Nam, Lào thách thức vị thế nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới

Tổng hợp |

Truyền thông Thái Lan gần đây đưa ra dự báo, những năm tới bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang thị trường này sẽ chứng kiến đà giảm dần, lý do là vì sầu riêng từ những nước Đông Nam Á khác, nổi bật là Việt Nam, Lào đang vươn lên mạnh mẽ để cạnh tranh trực tiếp, thách thức địa vị nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới của Thái Lan.

Lào xây nhà máy phong điện, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam

Phạm Kiên-Bá Thành |

Nhà máy phong điện của Lào có công suất lắp đặt 1.200 MW, chi phí xây dựng khoảng 2,15 tỷ USD sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Việt Nam.