Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, bao giờ hết cảnh “quýt làm cam chịu”?

Mai Lâm |

Mới đây, 55 lao động thời vụ đợt 2 của tỉnh Quảng Bình bị lỡ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc dù đã hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết. Nguyên nhân là do tỉnh này có 34/41 lao động đi làm việc thời vụ đợt 1 ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) không chịu về nước như cam kết. Câu chuyện “quýt làm cam chịu” này một lần nữa cảnh báo về tình trạng lao động bất hợp pháp của nước ta khi tham gia làm việc ở nước ngoài.

Hành động bỏ trốn của 34 lao động trên không chỉ khiến họ trở thành lao động bất hợp pháp ở xứ người mà còn liên lụy đến những lao động ở quê khi chính quyền TP.Yeongju chính thức gửi thông báo từ chối thực hiện thủ tục nhập cảnh cho lao động thời vụ đợt 2 năm 2022 ở tỉnh Quảng Bình. Đáng nói, hầu hết trong số 55 người bị từ chối xuất cảnh trên đều là người nghèo, phải vay mượn, cầm cố tài sản để có kinh phí lo thủ tục xuất cảnh nên việc không được đi xuất khẩu lao động vào phút cuối như vậy càng đẩy họ vào tình cảnh khó khăn.

 

Lao động sang Hàn Quốc làm việc đến khi hết hạn hợp đồng thì trốn ở lại lao động “chui” là thực trạng tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Chỉ riêng năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 8 huyện, thị xã, thành phố thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa do những địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Nguyên nhân của tình trạng lao động bất hợp pháp tồn tại dai dẳng là do sự chênh lệch mức thu nhập của người lao động ở nước ngoài với lao động trong nước tương đối lớn.

Vì thế, nhiều người vì lợi ích bản thân, sẵn sàng tìm mọi cách để được ở lại làm việc tại Hàn Quốc dù biết như vậy là phạm pháp. Lao động “chui” luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập vì phải làm việc trong môi trường không bảo đảm. Thậm chí, có người bị chủ đối xử thậm tệ nhưng không dám tìm sự hỗ trợ, can thiệp từ cơ quan chức năng bởi nếu bị phát hiện, họ sẽ bị ngành chức năng của Hàn Quốc trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại đất nước này.

Trước thực trạng này, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/2020/QĐ-TTg thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Theo đó, trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu lao động về nước đúng hạn sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi, nếu không thì khoản tiền đó sẽ bị phong tỏa và chuyển vào quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Tuy nhiên, chính sách trên chưa tác động nhiều đến nhận thức của không ít người lao động, dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, trở thành lao động bất hợp pháp vẫn còn tồn tại.

Nhu cầu tuyển dụng lao động ở các nước, trong đó có Hàn Quốc sau đại dịch tăng mạnh. Tuy nhiên, năm 2023, Hàn Quốc sẽ tiếp tục căn cứ tỉ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2022 để xem xét cho phép người lao động từng địa phương của Việt Nam có được sang Hàn Quốc làm việc nữa hay không. Điều này có nghĩa là cánh cửa xuất khẩu lao động chỉ rộng mở đối với người lao động thạo nghề và chấp hành nghiêm những cam kết khi tham gia xuất khẩu lao động. Vì vậy, về nước đúng hạn là con đường tốt nhất để có cơ hội đàng hoàng trở lại Hàn Quốc làm việc khi có nhu cầu, đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những lao động khác cũng như uy tín, hình ảnh quốc gia.

Có thể thấy, “tấm vé khứ hồi” xuất khẩu lao động phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động. Vì thế, những địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn, không về nước cao cần vào cuộc tích cực để có giải pháp tuyên truyền, vận động thông qua gia đình, người thân ở quê nhằm thuyết phục người lao động trở về.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, cần có chế tài xử phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm, cố tình bỏ trốn ở lại làm việc ở nước ngoài khi hết hạn hợp đồng lao động. Cần có cơ chế ưu tiên tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm cho lao động đi nước ngoài về nước đúng hạn để người lao động yên tâm.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng hướng dẫn người lao động nâng cao tay nghề, chủ động tiếp thu kiến thức chuyên môn, kỹ năng để có thể được chủ doanh nghiệp ở nước ngoài gia hạn hợp đồng, hoặc tích lũy đủ kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp sau khi về nước. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, không bảo vệ quyền lợi của lao động khi đi nước ngoài.

Việc tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động cần kỹ lưỡng và bảo đảm yêu cầu về trình độ, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật. Cần nghiên cứu ưu tiên cho học sinh, sinh viên trường nghề đi xuất khẩu lao động thay vì tập trung vào nhóm lao động phổ thông nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài vừa nâng cao thu nhập cho người lao động, vừa bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, tạo thương hiệu, uy tín về hình ảnh người lao động Việt Nam đối với thị trường lao động nước ngoài nói chung, Hàn Quốc nói riêng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lào chuẩn bị xuất khẩu 1.000 tấn gạo nếp sang Pháp

Tổng hợp |

Mới đây, công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Champahom ký hợp đồng với công ty WECH GROS Import-export của Pháp về việc xuất khẩu 1.000 tấn gạo nếp trị giá 1,2 triệu USD sang Pháp vào cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

Thái Lan lo lắng Việt Nam, Lào thách thức vị thế nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới

Tổng hợp |

Truyền thông Thái Lan gần đây đưa ra dự báo, những năm tới bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang thị trường này sẽ chứng kiến đà giảm dần, lý do là vì sầu riêng từ những nước Đông Nam Á khác, nổi bật là Việt Nam, Lào đang vươn lên mạnh mẽ để cạnh tranh trực tiếp, thách thức địa vị nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới của Thái Lan.

Lào xây nhà máy phong điện, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam

Phạm Kiên-Bá Thành |

Nhà máy phong điện của Lào có công suất lắp đặt 1.200 MW, chi phí xây dựng khoảng 2,15 tỷ USD sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Việt Nam.

Việt Nam, Thái Lan sẽ họp bàn về việc tăng giá gạo xuất khẩu vào tháng 10

Gia Hân |

Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu, Nikkei đưa tin.