Xuất khẩu trực tiếp hạt tiêu sang thị trường Mỹ

Thục Quyên |

Vừa xây dựng khu vườn mẫu, vừa tìm đến từng vườn tiêu để vận động, hướng dẫn người trồng tiêu thực hiện đúng quy trình nhằm tạo vùng nguyên liệu bền vững, vừa kết nối với các nhà cung cấp, nhà phân phối lớn ở Mỹ để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm... Với nỗ lực của mình, năm 2021 này là mùa thứ 6 chị Võ Thị Liên ở tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) xuất khẩu trực tiếp hạt tiêu khô sang thị trường Mỹ và đang mở rộng sang châu Âu.

Xuất khẩu trực tiếp vào thị trường khó tính

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với hạt tiêu, chị Liên cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, với chuyên môn vững vàng và vốn tiếng Anh khá tốt, chị được các tổ chức nước ngoài nhận vào làm việc. Với đặc thù công việc, chị có điều kiện tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ… và nhận thấy để các loại nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần phải tạo ra những vùng chuyên canh, người nông dân phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Sau khi tìm hiểu, với số vốn khởi nghiệp ít ỏi, chị quyết định lựa chọn hạt tiêu để bắt đầu cho giấc mơ xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới của mình.

Tiêu được phơi trong hệ thống sân phơi có mái che đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh: T.Q
Tiêu được phơi trong hệ thống sân phơi có mái che đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh: T.Q

Để hạt tiêu đạt chất lượng xuất khẩu, đầu tiên chị bắt tay vào xây dựng khu vườn mẫu với diện tích gần 2 ha tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh để các hộ trồng tiêu tại địa phương có điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm. Tại đây, cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, phân bón…, chị còn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để cung cấp đủ nước tưới cho cây hồ tiêu theo từng giai đoạn phát triển. Để tạo nên vùng nguyên liệu bền vững, hằng ngày chị đến từng vườn tiêu của người dân để vận động, hướng dẫn từ cách trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân đến cách thu hoạch, sơ chế sao cho hạt tiêu giữ được chất lượng và trọng lượng. Kết nối người trồng tiêu bằng cách thành lập các tổ hợp tác trồng tiêu để mọi người có điều kiện sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đồng thời cam kết thu mua hạt tiêu đạt tiêu chuẩn của người dân với giá cao hơn giá hạt tiêu khô trên thị trường cùng thời điểm từ 10%.

Để tạo đầu ra cho sản phẩm, bằng kinh nghiệm và các mối quan hệ trong thời gian làm việc cho các tổ chức nước ngoài, chị đã kết nối được với các nhà cung cấp, nhà phân phối sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Mỹ để giới thiệu sản phẩm hạt tiêu khô của mình. Khởi đầu từ những bước đi “chập chững” vào năm 2015 chỉ với chưa đầy 5 tạ hạt tiêu khô, bằng chất lượng và uy tín, chị đã từng bước chinh phục được thị trường khó tính nhất thế giới này. Sản lượng hạt tiêu khô của chị xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ tăng dần theo từng năm, từ 5 tạ lên 1 tấn, 5 tấn rồi 10 tấn, 20 tấn. Đến năm 2020 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng do COVID-19 nhưng tổng kết niên vụ chị vẫn xuất khẩu được hơn 40 tấn hạt tiêu khô. Bước vào niên vụ tiêu năm 2021 này, theo kế hoạch chị dự kiến sẽ xuất khẩu từ 80 - 100 tấn hạt tiêu khô vào thị trường Mỹ và bán lẻ trực tiếp cho một số nhà phân phối tại Thụy Điển. Cuối tháng 6/2021 vừa qua, container chứa 24 tấn hạt tiêu khô đầu tiên đã được kẹp chì, đưa xuống tàu để xuất sang Oakland (tiểu bang California, Mỹ).

Thành công bằng chất lượng

Theo chị Liên, để chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… ngoài tiêu chí quan trọng nhất là hạt tiêu phải sạch, đảm bảo chất lượng thì các yếu tố cảm quan như kích cỡ đồng đều, màu sắc đồng nhất… cũng phải đảm bảo. Để làm được điều này, vấn đề không chỉ nằm ở khâu kỹ thuật mà còn ở thói quen của người trồng tiêu. Đơn cử như do thời tiết nên trên cây tiêu thường có từ 4 - 5 lứa quả khác nhau. Để khắc phục được điều này, bên cạnh việc lắp đặt hệ thống tưới để cung cấp nước cho từng giai đoạn phát triển của cây thì khi thu hoạch người trồng tiêu phải thu hái đúng thời điểm, không được thu hái những quả non nhưng cũng không được để hạt tiêu quá chín, kích cỡ hạt tiêu phải đồng đều. “Thói quen của người trồng tiêu là thường thu hái toàn bộ quả trên cây trong một lần, điều này không chỉ làm kích cỡ hạt tiêu không đồng nhất mà còn làm thiệt hại đến 30% sản lượng so với thu hoạch đúng thời điểm. Do vậy, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của tôi, người trồng tiêu bên cạnh được hưởng lợi về giá còn tăng được sản lượng thu hoạch lên đến 30% so với trước đây”, chị Liên cho hay.

Hạt tiêu sau khi thu mua được đưa vào phơi ủ bằng cách trải tiêu thành lớp dày từ 10 - 15 cm và phơi nắng từ 3 - 4 ngày; luôn đảo trộn để hạt tiêu chín đều. Sau đó chuyển sang trải tiêu thành lớp mỏng từ 2 - 3 cm và phơi nắng từ 1 - 2 ngày. Khi hạt tiêu chuyển sang màu đen và đạt độ ẩm từ 10 - 12% thì đưa vào máy sàng để tách tạp chất và đóng bao để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Tất cả các lô hạt tiêu sau khi sơ chế đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nằm trong giới hạn cho phép; trước khi xuất khẩu còn được tiệt trùng bằng khí etylen và chiếu xạ. Chị Liên cho biết, bằng sự minh bạch và chất lượng, sản phẩm hạt tiêu khô của chị được các khách hàng ở Mỹ hết sức tin tưởng. Các đối tác này đã giao hẳn nhiệm vụ cho chị là người quyết định chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Còn họ chỉ việc nhập khẩu trực tiếp, đóng gói và phân phối ra thị trường. Hiện tại, xưởng sơ chế hạt tiêu có diện tích hơn 1.000 m2 của chị tại xã Vĩnh Hòa có đầy đủ hệ thống sân phơi có mái che, kho chứa sản phẩm, máy sàng hạt tiêu, máy sấy nhiệt… tạo việc làm ổn định cho 8 lao động trực tiếp và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập từ 180.000 đồng/ngày.

Theo chị Liên, ảnh hưởng của COVID-19 đã làm chi phí xuất khẩu hạt tiêu tăng lên khá nhiều. Nếu như trước đây để xuất khẩu được 1 container hạt tiêu khô sang Mỹ chỉ mất chi phí khoảng 2.500 đô la Mỹ thì hiện nay đã tăng lên hơn 13.000 đô la Mỹ. Thời gian lưu kho, vận chuyển cũng kéo dài hơn so với trước đây. Ngoài ra, ảnh hưởng của các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua cũng làm năng suất thu hoạch tiêu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu trực tiếp, không qua các khâu trung gian, cùng với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nên sản lượng hạt tiêu được chị thu mua, chế biến vẫn đáp ứng đầy đủ cho các đơn hàng của đối tác nước ngoài. Giá thu mua luôn cao hơn so với giá thị trường. “Với việc xuất khẩu trực tiếp hạt tiêu khô mà không cần qua các khâu trung gian không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng tiêu mà quan trọng hơn là giúp hạt tiêu có đầu ra ổn định, từng bước tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới”, chị Liên khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị) 

TAGS

Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới

Mạnh Hùng |

Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Hoa Kỳ sẽ không hạn chế thương mại với hàng xuất khẩu từ Việt Nam

Uyên Hương |

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.

Phát triển chanh leo phục vụ chế biến và xuất khẩu

Phan Việt Toàn |

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp… tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản.

Anh là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho rau quả Việt Nam

Minh Hợp |

Với giá trị nhập khẩu rau và hoa quả hằng năm lên tới hơn 6 tỷ bảng (tương đương 8,4 tỷ USD), Vương quốc Anh là thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.