Ai xác minh trăm tỷ tiền từ thiện?

Việt Hoàng |

Những nghệ sĩ có tên tuổi lớn, rất nổi tiếng, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, báo chí, trang facebook cá nhân của họ lên tới hàng chục triệu người theo dõi. Vậy những người này thực tế kêu gọi, quyên góp được bao nhiêu tiền?

Ngày 10-5/2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ Trần Văn Lâm (SN 1998, trú tại xã Đồng Hoá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) về hành vi lập Fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.

Theo đó, từ tháng 9-2020, Trần Văn Lâm đã lập ra Fanpage "Hỗ trợ trẻ em", đăng gần 250 bài viết kêu gọi các cá nhân ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Theo điều tra ban đầu, tính đến tháng 3-2021, tổng số tiền của các nhà hảo tâm gửi vào tài khoản của Lâm là hơn 6,6 tỉ đồng.

 

Trong đó, cơ quan công an xác định, có đến hàng ngàn người gửi cho Trần Văn Lâm khoản tiền từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, Lâm còn khai lập thêm 7 Fanpage như: "Chia sẻ vì người nghèo", "Hỗ trợ trẻ em", "Quỹ bảo trợ trẻ em", "Phật tại tâm", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương", "Quan thế âm bồ tát"… nhằm hỗ trợ hoạt động lừa đảo.

Nêu lại câu chuyện này để thấy, chỉ với một đối tượng ẩn danh, tạo ra các trang thông tin giả mạo trên mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn đã kêu gọi được rất nhiều tiền từ thiện. Hơn 6,6 tỷ đồng là số tiền lớn, và nếu các cơ quan chức năng không điều tra làm rõ, chắc chắn đối tượng kể trên sẽ còn chiếm đoạt được số tiền "khủng" hơn nữa.

Vậy câu hỏi đặt ra, với những nghệ sĩ lớn, có tên tuổi lớn, rất nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, báo chí và trang facebook cá nhân của họ lên tới hàng chục triệu người theo dõi, những người này sẽ kêu gọi, quyên góp được bao nhiêu tiền? Họ sẽ chi dùng số tiền này như thế nào, nguồn tiền có được giải ngân đúng, đủ hay không? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

Thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ liên tục bị "bóc phốt" trên mạng xã hội. Điển hình nhất là một nghệ sĩ hài Hoài Linh, sau khi bị tố găm hàng chục tỷ tiền từ thiện trong suốt 6 tháng, do không thể tiếp tục im lặng trước áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, báo chí, anh này mới lên tiếng giải thích vì sự chậm trễ trong việc giải ngân nguồn tiền hàng chục tỷ đồng mà mình đã kêu gọi được.

Việc "găm" tiền này đúng hay sai, liệu có đúng nghệ sĩ này chỉ kêu gọi được 14 tỷ trong vòng nhiều tháng hay không, đó cũng là câu hỏi mà nhiều người mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, sự vụ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Hoài Linh không cung cấp các chứng từ đủ sức thuyết phục để chứng thực nguồn tiền mình nhận được, dư luận chỉ biết tiếp tục hoài nghi và bức xúc trên mạng.

Một cựu người mẫu khác, cũng kêu gọi từ thiện, nhưng khi được nhiều cá nhân yêu cầu cung cấp sao kê để chứng minh nguồn tiền nhận được từ các nhà hảo tâm, cô này ngay lập tức tung ra những lời lẽ thô tục để đáp trả. Cựu người mẫu này tự tin khẳng định: "Tao không cung cấp sao kê, không chứng minh thì chúng mày làm gì được tao?"

Những ngày vừa qua một ca sĩ nổi tiếng liên tục được nhắc tên trên mạng xã hội. Đặc biệt là chuyện kêu gọi tiền từ thiện của nữ ca sĩ đã được một số người đưa ra các tài liệu để đối chiếu, chứng minh rằng, việc giải ngân của ca sĩ này đang có vấn đề. Ngay lập tức các kết quả "điều tra độc lập, bước đầu" từ nhóm người giấu mặt nhận được sự chú ý bởi các con số, mốc ngày tháng rút tiền, chuyển tiền, giải ngân, chứng nhận của địa phương... có độ vênh nhất định.

Trong khi đó, số tiền quyên góp mà nữ ca sĩ nhận được lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy một câu hỏi tương tự được đặt ra, nếu ca sĩ nhất định không cung cấp sao kê, không làm rõ các nghi vấn, thì liệu các cơ quan chức năng như công an, thuế... có dự định lập kế hoạch điều tra, làm rõ để giải đáp thắc mắc, hồ nghi, thắc mắc của người dân hay không?

Xin nhắc lại, số tiền mà cô ca sĩ nhận được rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy chẳng lẽ tất cả chỉ trông chờ vào sự minh bạch tự thân của ca sĩ này?

Thực tế đang diễn ra hiện nay cho thấy, ở Việt Nam bất kỳ ai cũng có thể đứng ra kêu gọi từ thiện và nhận tiền của người khác. Các chế tài pháp luật để áp dụng cụ thể cho lĩnh vực này còn rất chung chung, mơ hồ, không rõ ràng. Chính vì vậy, việc kêu gọi từ thiện đã xuất hiện những bất cập, thậm chí xuất hiện rất nhiều kẻ phạm tội, kiếm tiền, trục lợi từ sự dễ dãi của cộng đồng cũng như sự không rõ ràng, đầy đủ trong các quy định pháp luật.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đang soạn thảo, dự kiến ban hành trong thời gian tới bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ. Đặc biệt, dự thảo bộ quy tắc nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.

Nhiều người tỏ ra vui mừng, hy vọng, bộ quy tắc sẽ là nền tảng để từng bước chấn chỉnh, "lập lại trật tự" trong lĩnh vực từ thiện. Nhưng nếu nhìn theo chiều ngược lại thì việc phải đưa nội dung từ thiện của các nghệ sĩ vào bộ quy tắc ứng xử là minh chứng cho thấy chúng ta đang không có các chế tài pháp luật đầy đủ để giám sát, xử lý nếu nghệ sĩ làm bừa, ẩu và có dấu hiệu ăn chặn nguồn tiền từ công chúng. Bộ quy tắc nói cho cùng chỉ mang ý nghĩa về mặt đạo đức nhiều hơn chứ không thể vin vào đó để xử lý bất cứ ai sai phạm.

Hy vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có động thái làm rõ những nghi vấn trong việc sử dụng tiền từ thiện của các nghệ sĩ, để từng bước xiết chặt, làm lành mạnh hóa lĩnh vực này.

(Nguồn: Ngày Nay)

Từ thiện mùa dịch: Đừng để lòng tốt bị “trục lợi”

An An |

Giúp đỡ người nghèo, người khó khăn là việc nên làm. Nhưng cũng nên là người tốt "thông thái" để giúp đúng người cần giúp, san sẻ yêu thương đúng nơi, đúng chỗ. Có như vậy, lòng tốt mới được lan tỏa và có ý nghĩa.

Một tài xế bị phạt 7,5 triệu đồng vì lén đưa người khỏi Sài Gòn bằng ôtô gắn mác từ thiện

Thanh Mai |

Để qua mặt các chốt kiểm soát Covid-19, anh ta dán chữ lên xe, nhận là người của cơ sở hoạt động từ thiện, phòng chống dịch bệnh.

Võ sư 1 chân phát cơm từ thiện cho người vô gia cư khắp TPHCM

Thanh Mai |

Sau mỗi ngày đi phát, ông Dũng đều cảm thấy thiếu do còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.

Khởi nghiệp, làm từ thiện từ niềm yêu thích hoa và cây cảnh

Yên Chi |

Chị Trần Thị Thu, chủ vườn "Linh Hoàng Anh Garden" (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cho biết, hồi đó, ai nghe chị bỏ việc về quê trồng hoa cũng cho rằng chị nghĩ cạn. Làm việc trong điều hòa mát không chịu, lại muốn phơi sương, phơi nắng ngoài trời.