Khởi nghiệp, làm từ thiện từ niềm yêu thích hoa và cây cảnh

Yên Chi |

Chị Trần Thị Thu, chủ vườn "Linh Hoàng Anh Garden" (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cho biết, hồi đó, ai nghe chị bỏ việc về quê trồng hoa cũng cho rằng chị nghĩ cạn. Làm việc trong điều hòa mát không chịu, lại muốn phơi sương, phơi nắng ngoài trời.

Từ một thú chơi

Vì có niềm yêu thích với hoa và các loại cây kiểng, nên chị Trần Thị Thu thường cùng chồng sưu tầm và trồng hoa kiểng để trang trí nhà cửa. Trước khi khởi nghiệp, chị Thu làm nghề kế toán, chồng chị - anh Đinh Viết Linh - là kĩ sư điện. Hết ngày này sang tháng khác, vườn hoa được cải tạo thêm rộng ra, nhiều người đi đường tưởng nhà chuyên buôn bán cây, hoa kiểng nên ghé mua. Lúc này, chị Thu nảy ra ý định xây dựng mô hình trồng cây, hoa kiểng chuyên nghiệp. Năm 2007, chị quyết định từ bỏ công việc đang làm, về xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thuê 2 ha đất khởi nghiệp với nghề hoa kiểng, mở vườn "Linh Hoàng Anh Garden".

Chị Thu chia sẻ: "Hồi đó, ai nghe tôi về quê trồng hoa cũng cho rằng tôi nghĩ cạn. Làm việc văn phòng trong điều hòa mát không chịu, lại muốn phơi sương phơi nắng ngoài trời. Nhưng vì đam mê, tôi quyết tâm thực hiện đến cùng!".

Chị Trần Thị Thu, chủ của “Linh Hoàng Anh Garden”
Chị Trần Thị Thu, chủ của “Linh Hoàng Anh Garden”

Thấy vợ vất vả, anh Đinh Viết Linh cũng xin nghỉ việc để về chăm sóc hoa kiểng, tìm hiểu thị trường và tìm khách hàng. Thời gian đầu khởi nghiệp, cả hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn trong việc trồng hoa, bởi mỗi loài tương thích với loại đất, độ ẩm khác nhau. Hơn nữa, việc bấm, tỉa cành cũng đòi hỏi kĩ thuật. Vốn tính chịu thương chịu khó, chị Thu bỏ thời gian đi khắp các vườn hoa kiểng ở Đà Lạt, Đồng Tháp... để xem cách làm rồi học làm theo.

Biết bao lần, hoa không kịp nở đúng vụ Tết, hay một số loài bị úng do không đúng tỉ lệ tưới nước, sâu bọ phá hoại. Thế nhưng, những thử thách ấy càng tiếp thêm động lực cho vợ chồng chị cố gắng. Hơn một trăm loài cây và hoa kiểng được chị Thu thử nghiệm trồng thành công, sau đó tiến hành nhân giống trồng quy mô rộng, bán liên tục quanh năm với số lượng hàng nghìn chậu.

Không chỉ làm đẹp cho đời

Vườn "Linh Hoàng Anh Garden" hiện trồng nhiều loài cây, hoa như: Bàng Đài Loan, hồng lộc, dâm bụt, dừa cạn, dạ yến thảo, kim tiền, lưỡi hổ, giấy, sứ ghép... Tất cả đều do vợ chồng chị Trần Thị Thu gây dựng rồi hướng dẫn nhân công làm theo. Vườn hoa có tổng cộng 12 nhân công, trong đó có nhiều người gắn bó với vườn từ những ngày đầu chị khởi nghiệp. Không chỉ làm kinh tế cho bản thân, chị Trần Thị Thu còn "xây" ước mơ cho nhiều người từ nghề trồng cây và hoa kiểng.

Gặp chúng tôi lúc trời đã quá trưa, bà Nguyễn Thị Ánh vẫn cố nán lại hoàn thành cho xong việc. Bà Ánh nói: "Làm cho Thu cũng như làm cho mình. Chúng tôi đều là lao động nghèo, bao lâu nay, nhờ có Thu tạo điều kiện việc làm, chỉ cách trồng hoa, tôi mới có nghề ổn định lo cho gia đình".

Đến nay, dù công việc đã ổn định hơn nhưng hễ có thời gian rảnh, vợ chồng chị Thu lại tiếp tục hành trình đến với những vườn hoa ở mọi miền đất nước để học hỏi kinh nghiệm. Chị Thu cho biết: "Có đi nhiều, tôi mới mở mang tầm hiểu biết. Hơn nữa, tôi kịp thời nắm bắt nhu cầu của khách hàng để về triển khai nhân giống". Nhờ cách làm ấy, doanh thu mỗi tháng ở vườn hoa của chị Thu đạt mức hơn 50 triệu đồng, riêng hoa bán dịp Tết trung bình mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, chị Thu kí hợp đồng bán hoa thường xuyên cho khu du lịch Bà Nà Hills, Vinpearl Nam Hội An và một số nhà hàng, khách sạn tại TP.Hội An.

Cũng là trẻ mồ côi, chị Thu cảm thông với những mảnh đời không nơi nương tựa. Khi có thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp, chị đã trở về làng Hi Vọng, thường xuyên hỗ trợ các em nhỏ. Người phụ nữ này không chỉ trồng cây, hoa kiểng làm đẹp cho đời mà tấm lòng thơm thảo của chị cũng được nhiều người ghi nhận.

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

Khởi nghiệp từ món quà quê

PV |

Từ món quà của quê hương, nhiều chị em phụ nữ xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn khởi nghiệp, cải thiện kinh tế và đưa đặc sản bánh gạo đi khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Thu Hạ |

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã lập nghiệp, khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp với mô hình trồng rau công nghệ cao

Ngọc Trang |

Gia đình anh Lê Quang Duy - chị Đoàn Thị Mai ở thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những hộ nông dân trẻ ở địa phương có tư duy đổi mới, năng động khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch trong nhà kín. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, tạo động lực để anh chị tiếp tục phát triển mô hình, góp phần giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.

Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của dân tộc

Tiên Sa |

Đối với cô gái Họa My, việc quảng bá sản phẩm không đơn thuần là khởi nghiệp, kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Pa Cô. Những năm qua, Họa My đã cất công sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm để chinh phục thực khách khi đặt chân đến miền núi rừng Đakrông (Quảng Trị) trên dãy Trường Sơn.