Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Thu Hạ |

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã lập nghiệp, khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Cũng như nhiều thanh niên nông thôn khác, con đường lập thân, lập nghiệp của anh Trần Viết Tý, ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ gặp rất nhiều khó khăn. Anh Tý từng vào miền Nam, làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng vẫn không bám trụ được lâu dài. Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, quyết không chịu đói nghèo, anh Tý trở về quê hương mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự hỗ trợ, tích góp của bản thân, gia đình, tận dụng tiềm năng ở địa phương để mở hướng làm giàu bằng mô hình nuôi cá nước ngọt. Năm 2019, anh Tý còn quyết định học hỏi, nghiên cứu và đầu tư thêm mô hình nuôi cá chép giòn với giá bán khá cao. Hiện cá chép giòn của anh Tý bán sỉ ra thị trường từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với cá chép thường. Mặc dù mới bước đầu nuôi nhưng mỗi năm trừ chi phí, anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh những mô hình thanh niên phát triển kinh tế độc lập, thời gian qua, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế cũng bắt đầu phát huy hiệu quả. Với việc xác định các tổ, HTX thanh niên là hướng đi mới, phù hợp giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế, các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vay vốn nhằm tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình này. Trong đó, công tác tuyên truyền được các cấp bộ đoàn chú trọng đẩy mạnh, nhằm giúp ĐVTN và chính quyền các cấp hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của các mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh tế này phát huy hiệu quả. Lựa chọn, xây dựng loại hình HTX phù hợp với đặc thù, phát huy được thế mạnh của địa phương, đơn vị.
Nhiều ĐVTN ở huyện Hải Lăng đã thành công khi lựa chọn mô hình trang trại chăn nuôi để khởi nghiệp - Ảnh: H.T​
Nhiều ĐVTN ở huyện Hải Lăng đã thành công khi lựa chọn mô hình trang trại chăn nuôi để khởi nghiệp - Ảnh: H.T​

Được biết tại Quảng Trị hiện nay lực lượng thanh niên có trên 120.000 người, chiếm 20,25% dân số và 30% lực lượng lao động toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ, hằng năm có hàng ngàn thanh niên vẫn chưa có việc làm ổn định, trong đó có nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Bên cạnh lực lượng thanh niên đi làm ăn xa ở các thành phố lớn, còn nhiều thanh niên ở địa phương tập trung làm kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ, lẻ. Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hướng dẫn các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh rà soát, khảo sát các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên có nhu cầu vay vốn triển khai các mô hình kinh tế, trên cơ sở đó, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ giải ngân vốn vay cho các dự án. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn chủ động khảo sát, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện trong thẩm định, giải ngân vốn cho các dự án thanh niên. Qua đó từ đầu năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ 75,1 tỉ đồng vốn vay cho 322 mô hình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp do thanh niên làm chủ, nâng tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh đoàn thanh niên từ 188,3 tỉ đồng năm 2017 lên 317 tỉ đồng tháng 2 năm 2021; định hướng cho thanh niên triển khai 26 dự án vay vốn theo chương trình 120 kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ 1,1 tỉ đồng. Hiện nay, đoàn thanh niên đang là tổ chức chính trị xã hội có số vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội cao nhất trong toàn tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho thanh niên là 60 tỉ đồng để triển khai các mô hình kinh tế. Qua các đợt kiểm tra, khảo sát các mô hình kinh tế được tiếp cận với nguồn vốn chính sách trong thanh niên, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của thanh niên trong việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, góp phần đưa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả của nguồn vốn chính sách. Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ thanh niên, giúp đoàn viên, thanh niên có thêm điều kiện lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho gia đình và quê hương”.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác cho vay vốn trong thanh niên vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như nguồn vốn ưu đãi còn ít so với nhu cầu thực tế; nhiều thanh niên có ý chí, mong muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách nhưng gặp không ít trở ngại về thủ tục và các quy định ràng buộc để được vay vốn. Để tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, giúp nhiều ĐVTN trong tỉnh mạnh dạn trong hành trình lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp rà soát, lựa chọn các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn để bảo đảm phát huy hiệu quả và khả năng thu hồi vốn đúng hạn. Đặc biệt, phát động thanh niên thi đua học tập, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, làm cơ sở để đáp ứng đủ các yêu cầu được giải ngân vốn; quan tâm kết nối kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho các dự án triển vọng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để hỗ trợ nhau về vốn, đầu ra. Cùng với đó, ĐVTN cần dựa vào nội lực và điều kiện địa phương để chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Khởi nghiệp với mô hình trồng rau công nghệ cao

Ngọc Trang |

Gia đình anh Lê Quang Duy - chị Đoàn Thị Mai ở thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những hộ nông dân trẻ ở địa phương có tư duy đổi mới, năng động khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch trong nhà kín. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, tạo động lực để anh chị tiếp tục phát triển mô hình, góp phần giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.

Khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của dân tộc

Tiên Sa |

Đối với cô gái Họa My, việc quảng bá sản phẩm không đơn thuần là khởi nghiệp, kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Pa Cô. Những năm qua, Họa My đã cất công sưu tầm, tìm hiểu, chế biến, giới thiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm để chinh phục thực khách khi đặt chân đến miền núi rừng Đakrông (Quảng Trị) trên dãy Trường Sơn.

Khơi dậy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thái Hòa |

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) hiện đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, nhất là trong tầng lớp trẻ. Việc thúc đẩy phong trào này được các địa phương trong cả nước quan tâm bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tại Quảng Trị cũng đã có nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn trong đối tượng là lực lượng lao động trẻ, trong đó đáng chú ý là tổ chức thành công cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Trị năm 2020.

Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp

Thanh Hằng |

Nhận thấy nhu cầu sử dụng bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp làm từ các loại đậu, hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, chị Lê Thị Phượng ở thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tận dụng một số nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để chế biến dòng sản phẩm “Bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Thiện Bảo” được khách hàng tin dùng.