Các bác sĩ cho biết, nguyên tắc của bệnh viện là luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên trên hết. Do đó, không bao giờ có tình huống cấp cứu mà bác sĩ chờ đợi người bệnh đóng tiền xong mới phẫu thuật. Bác sĩ trưởng ê-kíp sẽ cứu người trước, viện phí tính sau.
Những ngày qua, nhiều phụ huynh tại TP.HCM phản ánh việc bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng qua những cuộc điện thoại đề nghị chuyển tiền vì con đang cấp cứu ở bệnh viện.
Trước tình trạng trên, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, nguyên tắc của bệnh viện là luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên trên hết. Do đó, không bao giờ có tình huống cấp cứu mà bác sĩ chờ đợi người bệnh đóng tiền xong mới phẫu thuật. Bác sĩ trưởng ê-kíp sẽ cứu người trước, viện phí tính sau, theo VTC News.Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo phụ huynh nên có mối liên hệ chặt chẽ với giáo vụ nhà trường, số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để kịp thời kiểm tra thông tin, tránh tình huống lừa đảo như trên.
"Nếu gặp trường hợp trên, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài Bệnh viện Chợ Rẫy qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0 báo tổng đài viên kết nối đến khoa, phòng điều trị có liên quan để xác nhận lại thông tin người nhà nằm viện và các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản", đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo.
BS Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cũng lưu ý, bệnh viện tuyệt đối không yêu cầu bệnh nhân và gia đình đóng tiền trước rồi mới cấp cứu. Bệnh viện luôn đặt tính mạng bệnh nhi lên trên hết.
"Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ xem xét miễn hoặc giảm viện phí từ nguồn trợ giúp xã hội hoặc các quỹ từ thiện", BS Phương nói.Theo luật sư Bùi Thanh Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), xét về pháp lý, hành vi của những kẻ lừa phụ huynh chuyển tiền có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, các đối tượng lừa đảo có thể bị truy tố với mức phạt tù cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cũng theo luật sư Hoan, dấu hiệu cấu thành tội phạm của những kẻ lừa đảo này khá rõ ràng. Chúng tạo ra những tình huống khẩn cấp rồi dựa vào thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh để liên lạc, yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt số tiền đó.
"Do vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc điều tra, khi có dậu hiệu tội phạm phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định nhằm tránh có các nạn nhân tiếp theo", luật sư Hoan nói.
Trước tình hình này, ngày 7/3, Công an TP.HCM đã có thông tin cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo mới qua điện thoại của các đối tượng xấu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)