Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng - chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Thành Nam |

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng và truyền thông liên tục tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “Chiếm đoạt tài sản” nhưng nhiều nạn nhân vẫn “sập bẫy” vì mất cảnh giác. Điều đáng nói là tuy các đối tượng sử dụng thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo cũ nhưng nạn nhân lại hoàn toàn mới.


Trong các ngày từ 2 - 4/11/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công an thị xã Quảng Trị, Công an tỉnh Đắk Lắk xác minh, điều tra, làm rõ đối tượng Phan Thành Hiếu (sinh năm1993), trú tại Khu phố 4, Phường 1, thị xã Quảng Trị đã có hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”.

Qua làm việc với cơ quan công an, Hiếu thừa nhận hành vi phạm tội của mình với thủ đoạn: chiếm đoạt và sử dụng tài khoản facebook “Yến Nguyễn” để nhắn tin cho một số người là bạn bè trên mạng xã hội facebook và đề nghị vào đường link lừa đảo (được đăng dưới phần bình luận). Sau khi bị hại nhập tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản internet banking, mã OTP, đối tượng đã thu thập và sử dụng các thông tin trên để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng cùng với toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Nhóm đối tượng trong Chuyên án 442L -Ảnh: T.N
Nhóm đối tượng trong Chuyên án 442L -Ảnh: T.N

Đồng thời hack tài khoản facebook bị hại và sử dụng tài khoản facebook này để kêu gọi ủng hộ, nhắn tin vay, mượn tiền của nhiều người khác. Từ đầu 2022 đến thời điểm bị phát hiện, bằng phương thức, thủ đoạn nêu trên, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của hàng chục bị hại trên địa bàn cả nước. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được đều chuyển đến tài khoản ngân hàng VP Bank số 10128091993 mang tên “PHAN THANH HIEU”.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Công an thị xã Quảng Trị phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh phá thành công Chuyên án mang bí số 422L, bắt giữ 3 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, vào đầu năm 2022, qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an thị xã Quảng Trị phát hiện một nhóm đối tượng trên địa bàn có nhiều biểu hiện nghi vấn như: bất minh về thời gian, tiền bạc và đặc biệt là hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Vì thế, ngày 28/4/2022 đã quyết định xác lập Chuyên án trinh sát mang bí số 422L để đấu tranh.

Qua sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn, các trinh sát đã “dựng” lên được một nhóm đối tượng trong và ngoài địa bàn thị xã Quảng Trị có liên quan đến đối tượng Ngô Bá Quân gồm: Hoàng Mạnh Quỳnh (sinh năm 2006), trú tại Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị và Văn Ngọc Hiệp (sinh năm 2004), trú tại thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng; đồng thời xác định được một số bị hại đều ở các địa bàn ngoại tỉnh như các thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ngãi…

Đến ngày 23/6/2022, sau khi xác định có đầy đủ căn cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; ngày 24/6/2022 đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Mạnh Quỳnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 3, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Ngày 18/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Trị tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Ngô Bá Quân và Văn Ngọc Hiệp về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1, Điều 290, Bộ luật Hình sự.

Quá trình đấu tranh với đối tượng, cơ quan công an xác định Hoàng Mạnh Quỳnh đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với tổng số tiền khoảng 8 tỉ đồng của trên 130 nạn nhân; số tiền mà Văn Ngọc Hiệp và Ngô Bá Quân chiếm đoạt là trên 140 triệu đồng.

Qua điều tra các vụ án nói trên, cơ quan công an bước đầu đã làm rõ thủ đoạn của các đối tượng như sau: bước đầu tiên, các đối tượng thực hiện việc chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo của một người nào đó trên mạng xã hội bằng cách dò mật khẩu của số tài khoản facebook; dựa theo các thông tin ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại, họ tên, mối quan hệ gia đình của chủ tài khoản facebook để dò tìm mật khẩu.

Hoặc các đối tượng sử dụng các trang website giả mạo bình chọn cho ca sĩ, người nổi tiếng nhằm lừa các chủ tài khoản facebook vào điền thông tin tài khoản để bình chọn.

Sau khi có được mật khẩu tài khoản facebook, các đối tượng sẽ thực hiện việc đăng nhập và chiếm đoạt toàn quyền điều khiển tài khoản facebook đó. Bước tiếp theo, các đối tượng sẽ tìm đến những người có trong danh sách bạn bè của chủ tài khoản facebook để tìm cách nói chuyện, đồng thời vào lịch sử trò chuyện (của chủ tài khoản) với bạn bè để tìm hiểu cách xưng hô, cách nói chuyện rồi giả là chủ tài khoản facebook để mượn tiền hoặc chuyển thẻ vào điện thoại.

Phần lớn, tài khoản mà các đối tượng chiếm đoạt để thực hiện hành vi lừa đảo là những người ở các tỉnh, thành khác hoặc người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Vì những chủ tài khoản facebook ở nước ngoài có múi giờ khác với Việt Nam nên có nhiều bị hại sau khi bị lừa chuyển tiền, việc liên lạc, xác minh với người thân rất khó khăn…

Thiếu tá Đỗ Dương Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an thị xã Quảng Trị cho biết: thủ đoạn thứ hai là các đối tượng sẽ lập tài khoản facebook ảo, hack tài khoản facebook để mua bán hàng online nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online hoặc kinh doanh vừa và nhỏ. Khi gây án, các đối tượng đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài hỏi mua hàng online số lượng lớn, giá trị cao và gợi ý sẽ chuyển tiền trả trước thông qua dịch vụ Western Union.

Để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ làm giả tin nhắn, thông tin của Western Union rồi gửi để bị hại tin rằng phía mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. Tiếp đó, các đối tượng gửi đường link giả mạo website của dịch vụ Western Union. Bị hại sau khi đăng nhập link sẽ chuyển đến trang web giả mạo có hiển thị giống như website của Western Union.

Nếu nạn nhân khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thuế ngân hàng trên website giả mạo, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng. Tuy nhiên, để hoàn tất việc rút tiền từ tài khoản của bị hại, các đối tượng phải có mã OTP trên máy điện thoại di động của nạn nhân.

Do đó, các đối tượng tiếp tục giả tin nhắn của Western Union với nội dung yêu cầu bị hại nhập mã OTP. Khi chủ tài khoản mất cảnh giác nhập mã OTP vào website giả mạo, các đối tượng sẽ thực hiện trót lọt việc rút tiền trong tài khoản nạn nhân.

Thượng tá Phan Thanh Chiến, Phó trưởng Công an thị xã Quảng Trị cho biết thêm: một trong những “điểm yếu” của các bị hại (hoạt động mua bán hàng online hoặc kinh doanh vừa và nhỏ) là mất cảnh giác nên bỏ qua việc xác minh thông tin trước khi chuyển tiền, vì vậy đã bị các đối tượng lợi dụng.

Thông thường, các đối tượng sẽ lợi dụng thời điểm buổi trưa hoặc buổi chiều muộn để thực hiện hành vi. Vì đây là thời gian “cao điểm” trong việc mua bán nên các bị hại dễ mất cảnh giác. Có những bị hại khi nghe các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác (không phải tài khoản thường hay giao dịch) với lý do tài khoản cũ bị trục trặc và với một số tiền lớn nhưng vẫn thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng.

Để phòng ngừa và góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nên cung cấp thông tin cá nhân (số điện thoại, mã OTP, số căn cước công dân) cho những người khác thông qua mạng xã hội.

Người dân không nên chuyển tiền cho bất kỳ tài khoản nào khi chưa liên lạc, xác minh qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp người cần chuyển tiền. Từ chối các tin nhắn, điện thoại, facebook, zalo với hình thức trúng thưởng, nhận hàng, quà có giá trị từ nước ngoài và trong nước, đồng thời phải hết sức thận trọng với các phương thức, thủ đoạn khác mà cơ quan công an, các ngành chức năng đã cảnh báo để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ba người Việt bị bắt tại Nhật Bản với cáo buộc lừa đảo trên mạng

An Ly |

Phòng điều tra quốc tế của cảnh sát tỉnh Hyogo - Nhật Bản ngày 16/11 thông báo đã bắt giữ 3 người đàn ông Việt Nam, nghi là thành viên nhóm "lừa đảo lãng mạn quốc tế".

Bắt đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng qua Facebook

Diệu Thúy |

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công an nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị vừa điều tra, làm rõ đối tượng có hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”.

Ấn Độ giải cứu thành công 11 công dân bị lừa đảo lao động ở Lào

Tổng hợp |

Mới đây, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ấn Độ tại Lào thông báo đã giải cứu thành công 11 công dân Ấn Độ bị lừa bán và bị bóc lột lao động tại Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng (SEZ) của Lào.

Triển khai tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo từ 1/11

XM |

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sẽ triển khai thêm đầu số 156 để tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn.