Thực hiện Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động, vừa qua, Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động tại các công ty trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Minh Hưng Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tân Hưng, Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Trị. Trên cơ sở tổng hợp kết quả quan trắc môi trường lao động, phía Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã đưa ra những khuyến nghị và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Với mục tiêu “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động (NLĐ), bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực”, Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung được Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam giao nhiệm vụ “Xây dựng dữ liệu về môi trường lao động, an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp của các doanh nghiệp khai thác đá khu vực miền Trung”, trong đó phối hợp với LĐLĐ tỉnh triển khai chương trình đo đạc, khảo sát đánh giá về công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp ngành khai thác, chế biến đá trên địa bàn. Nội dung thực hiện bao gồm: Đo đạc môi trường lao động; thông tin về các hệ thống cải thiện môi trường; khảo sát hiện trạng về an toàn cơ điện, vật liệu nổ; thông tin về số lượng lao động và kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp…Theo đó, phía Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã tiến hành kiểm tra môi trường lao động của doanh nghiệp thông qua các thông số môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, ánh sáng, độ rung, bụi toàn phần, bụi hô hấp, Bụi Si, Bụi Pb, SO2, NO2, CO, tâm sinh lý lao động và ecgonomi.
Sau khi tiến hành kiểm tra môi trường lao động, Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ Môi trường miền Trung đã đưa những khuyến nghị, giải pháp để doanh nghiêp khắc phục về môi trường lao động. Về biện pháp kỹ thuật: Tiến hành bảo dưỡng, bảo trì máy móc định kỳ, che chắn để giảm tiếng ồn cho NLĐ ở các khu vực có tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép. Thực hiện cố định lại máy móc, lắp đặt các hệ thống chống rung đối với những vị trí làm việc có độ rung vượt quy chuẩn cho phép. Tiến hành lắp đặt các tấm che chắn bụi ở các khu vực làm việc, tránh gây phát tán bụi. Đối những điểm có vi khí hậu vượt quy chuẩn cho phép, điều kiện làm việc ngoài trời, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết khắc nghiệt, cần xây dựng thêm các mái che, nhà xưởng để chống nóng… Cùng với đó, nhiều biện pháp tổ chức lao động tại doanh nghiệp cũng được đưa ra như: Bố trí thời gian lao động hợp lý, không để NLĐ làm việc với thời gian quá dài tại những vị trí có tiếng ồn lớn bằng biện pháp giảm giờ làm hoặc luân chuyển vị trí làm việc. Bố trí thời gian nghỉ giữa giờ, trang bị ghế nghỉ tránh căng thẳng, mệt mỏi cho công nhân làm việc.
Về giám sát y tế và sức khỏe, nhiều giải pháp được đưa ra như hằng năm tổ chức khám sức khoẻ nghề nghiệp cho NLĐ nhằm phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, bệnh mãn tính để kịp thời có biện pháp khắc phục chữa trị, đảm bảo cho NLĐ có sức khỏe tốt, phục vụ cho mục tiêu sản xuất của công ty. Đồng thời, đề xuất khám bệnh điếc nghề nghiệp do NLĐ tiếp xúc với tiếng ồn lớn; khám bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ cho các bộ phận có độ rung vượt quá quy chuẩn cho phép trong quá trình làm việc. Đối với phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, cần trang bị trang thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ cho cán bộ công nhân viên (khẩu trang, áo quần, nút tai chống ồn, kính mắt …) nếu nhận thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến NLĐ; thường xuyên kiểm tra nhắc nhở thực hiện các biện pháp an toàn. Trang bị thêm mũ vải, mũ che kín để nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của bức xạ tử ngoại, khí hậu khắc nghiệt khi làm việc ngoài trời. Ngoài ra, hằng năm tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ nhằm nâng cao ý thức lao động, giúp NLĐ phòng tránh những yếu tố có hại, nguy hiểm gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có tổng số trên 56.600 công nhân, viên chức, lao động (CNVC,LĐ); tổng số đoàn viên công đoàn trên 40.400 người. Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã có nhiều sự nỗ lực, năng động, sáng tạo, chủ động tìm kiếm mọi nguồn lực để duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục vạn lao động. Để hỗ trợ, động viên CNVC,LĐ, tổ chức công đoàn đã triển khai và phối hợp thực hiện nhiều chương trình, phần việc mang ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Từ đó thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Quan trắc môi trường lao động là một quá trình đo kiểm môi trường lao động, theo dõi và kiểm tra có chọn lọc theo hệ thống từ những chỉ số thành phần trong môi trường. Kết quả quan trắc môi trường lao động ngoài việc giúp người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm đối với NLĐ; giúp NLĐ hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của mình, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động và đòi hỏi quyền lợi khi bị ảnh hưởng. Đây còn là dữ liệu khoa học giúp cho công tác nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ của các tác hại nghề nghiệp, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn bệnh nghề nghiệp. Do đó, việc tổ chức công đoàn cùng với doanh nghiệp quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá quan trắc môi trường lao động định kỳ sẽ góp phần giúp NLĐ được làm việc trong môi trường bảo đảm an toàn hơn; ngăn chặn những tổn thất về tính mạng, sức khỏe, giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc, chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tăng thu nhập và phát triển bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)