“Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng hiện gặp khó khăn chồng chất. Bây giờ doanh nghiệp đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra làm sao, chứ không còn đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động nữa”, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng nói.
Gần 32.000 lao động mất việc
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, do liên tục chịu ảnh hưởng của 4 đợt dịch COVID-19 trong gần 2 năm nay, đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đều rơi vào tình trạng ngắc ngoải.
Theo ông Cao Trí Dũng thì đến đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra thì nguồn quỹ dự phòng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, chỉ có khoảng 11,9% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021.Doanh nghiệp gần như hoàn toàn mất sức “đề kháng” do đóng cửa lâu ngày không hoạt động. Toàn TP.Đà Nẵng có hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động thì hiện đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp hội viên, thì có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa.
“Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện gặp khó khăn chồng chất. Bây giờ doanh nghiệp đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra làm sao, chứ không còn đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động nữa” - ông Cao Trí Dũng nói.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã “vùng vẫy” đủ mọi cách từ cắt giảm nhân sự (90%); giảm quy mô hoạt động (61.6%). Đồng thời, 37,5% doanh nghiệp đã linh hoạt thay đổi phương thức kinh doanh; 92% doanh nghiệp tiếp tục thắt lưng buộc bụng…
Doanh nghiệp giải thể hoặc đóng cửa, hệ lụy kéo theo là người lao động mất việc làm.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, hiện số lao động du lịch ngừng việc, nghỉ việc ước khoảng 31.874 người, chiếm 62,5% tổng số lao động du lịch.
Mỗi lao động sẽ được hỗ trợ vay 100 triệu đồng
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành Du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.
Mới nhất, Hiệp hội đã đề xuất và được UBND TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các sở ngành nghiên cứu cho người lao động ngành Du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm.
Mục tiêu là giúp người lao động duy trì cuộc sống, dự kiến thời gian vay như vậy đủ để thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành Du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên.
“Giải pháp hỗ trợ cho người lao động trong ngành vay để cầm cự qua mùa dịch của thành phố rất cần kíp và ý nghĩa. Và Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương này, nhằm quan tâm và hỗ trợ người lao động ngành Du lịch” - ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, hiện số người lao động đã đăng ký vay là gần 2.000 người và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký.
Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng đề xuất cần có nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp. Chính phủ cần có những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi.
“Với tình hình hiện nay, thì không thể dự đoán được bao giờ du lịch sẽ phục hồi. Bây giờ chỉ hy vọng vào vaccine, miễn dịch cộng đồng, chứ nếu như dịch bệnh cứ quay lại thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp du lịch mong Chính phủ nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine, ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, đó mới là giải pháp căn bản, lâu dài để doanh nghiệp không phải thấp thỏm lo dịch bệnh quay trở lại” - ông Dũng kiến nghị.
(Nguồn: Báo Lao Động)