Các gói hỗ trợ cần đúng với nhu cầu doanh nghiệp

Lâm Thanh |

Đến ngày 31/1/2021, thời hạn tái cấp vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện gói 16.000 tỉ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng COVID-19 hết hiệu lực. Sau một thời gian triển khai, đến nay tỉnh Quảng Trị chỉ có 1 đơn vị được giải ngân nguồn vốn này với số tiền 135 triệu đồng để trả lương cho 81 lao động. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong nước. Tại sao một chính sách ưu đãi lớn, ra đời đúng thời điểm doanh nghiệp đang “khát vốn” nhưng khi triển khai thực hiện lại có ít doanh nghiệp tiếp cận như vậy?

Ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động từ nguồn vốn NHCSXH với lãi suất 0%. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng chương trình tín dụng trên sẽ là “đòn bẩy” giúp họ vượt khó. Tuy nhiên, quá trình triển khai doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn này vì điều kiện vay vốn tương đối khắt khe. Sau 6 tháng triển khai mọi thứ vẫn dẫm chân tại chỗ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước tình hình này, ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/ NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg với những quy định nới lỏng hơn về điều kiện vay vốn trả lương người lao động từ gói cho vay hỗ trợ 16.000 tỉ đồng. Sau khi nới lỏng chính sách, thủ tục vay vốn của gói vay này khá gọn, khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, chỉ cần đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng là được. Tuy đã nới lỏng điều kiện nhưng sau hơn 3 tháng thực hiện, đến nay địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chỉ có 1 đơn vị được giải ngân nguồn vốn này là Trường Trưng Vương.

Việc cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương người lao động là một trong những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID- 19. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy chính sách này chưa phù hợp với thực tế. Trong điều kiện khó khăn, thách thức chưa từng có mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua, bây giờ mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có vốn để hoạt động. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp “sống” thì đời sống của người lao động sẽ được đảm bảo. Do đó, ưu tiên của doanh nghiệp lúc này không phải là vay vốn về để trả lương cho lao động nghỉ việc mà là vốn để tái đầu tư khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì thế, gói vay này chưa thật sự chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệp. Chưa kể, thời hạn cho vay không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân là tương đối ngắn, vô hình trung làm khó doanh nghiệp khi chưa kịp khôi phục đã phải gồng mình trả nợ. Trên thực tế, số tiền mà doanh nghiệp được vay không lớn, chỉ tầm từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/người/tháng (50% mức lương tối thiểu vùng); mỗi khách hàng được vay không quá 3 tháng để trả lương trực tiếp cho người lao động khiến nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” với gói vay này vì quá trình gặp khó khăn, doanh nghiệp đã thoả thuận để người lao động nghỉ việc không lương nhằm giảm chi phí. Vì thế, nhiều doanh nghiệp dù đủ điều kiện để vay gói trả lương cho công nhân nhưng thời điểm này, sản xuất bắt đầu phục hồi, thay vì phải thực hiện hồ sơ xin vay vốn hỗ trợ theo gói này mất khá nhiều thời gian vì phải qua nhiều cấp, ngành thẩm định nhưng mức hỗ trợ không nhiều thì doanh nghiệp tìm cách tiếp cận các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho kịp khai thác thị trường cuối năm.

Điển hình như hoạt động của các doanh nghiệp du lịch thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong năm 2020 ước đạt 590.000 lượt (giảm 71,7% so với năm 2019), giảm doanh thu ước trên 1.200 tỉ đồng. Để từng bước khắc phục khó khăn, sớm ổn định hoạt động, doanh nghiệp du lịch cần nhất là vốn để phục hồi, triển khai các chương trình xúc tiến du lịch tại chỗ, kích cầu du lịch nội địa… Tuy nhiên, việc tiếp cận với các gói vay thương mại trong điều kiện hiện nay không hề dễ dàng vì những ràng buộc về chứng minh năng lực hoạt động, thế chấp tài sản…Vì vậy, doanh nghiệp du lịch mong muốn có những hỗ trợ thiết thực như: Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (Nghị quyết số 116/2020/QH14, ngày 19/6/2020) nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp du lịch là được xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021. Đồng thời, có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng đến tháng 12/2021 vì thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.

Từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí, vốn tín dụng, bảo hiểm xã hội… đã được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành, song đa phần vẫn chỉ dừng lại ở việc gia hạn chứ chưa có chính sách miễn, giảm. Nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn còn chồng chất khó khăn, vì thế các cấp, ngành cần khảo sát, nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ. Đồng thời, rà soát khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế mà trung ương đã ban hành, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp cũng như điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo đà doanh nghiệp có đủ khả năng và thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu hàng sang Trung Quốc

Nguyễn Quỳnh |

Bộ Công Thương lưu ý, hiện Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 lây lan qua hàng hóa nhập khẩu.

Mỹ bổ sung doanh nghiệp Trung Quốc vào 'danh sách đen' về kinh tế

PV |

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, hai doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen do có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Mai Trang – Minh Dương |

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để công tác đào tạo nguồn nhân lực thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thiết lập được mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho người lao động được xem là giải pháp đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Gặp mặt doanh nghiệp và khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích nộp thuế năm 2020

Nguyễn Loan - Minh Dương |

Ngày 8/1, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích nộp thuế năm 2020. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy cùng 300 doanh nghiệp đại diện cho gần 4.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.