Bộ Công an ban hành Thông tư 59/2021/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 và thay thế Thông tư 07/2016/TT-BCA, Thông tư 40/2019/TT-BCA) hướng dẫn Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP, trong đó có lưu ý cách sử dụng mã QR code trên Căn cước công dân gắn chíp.
Theo thông tư, xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân được quy định như sau:
Mã QR code trên Căn cước công dân có lưu thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.
Trường hợp trong mã QR code trên Căn cước công dân không có thông tin về số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ thì cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ cho công dân khi có yêu cầu.
Nếu thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ của công dân không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân (nếu có).
Cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư Căn cước công dân, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể hiện thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân để xác định chính xác nội dung thông tin.
Trường hợp có đủ căn cứ thì cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cho công dân, trường hợp không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân tối đa không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(Nguồn: Lao Động thủ đô)