Từ Hoa Kỳ, hai “Sứ giả thể thao”: Rudy Garcia-Tolson và Julia Harbough đã đến Việt Nam, có một buổi giao lưu ấm tình với các vận động viên khuyết tật Quảng Trị. Trong không khí tràn ngập yêu thương, họ đã chia sẻ với nhau những nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cũng như truyền cho nhau nguồn năng lượng tích cực.
Đến với thông điệp yêu thương
Từ nhiều miền quê trong tỉnh, 25 vận động viên khuyết tật đã hạnh ngộ tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh để tham dự một buổi tọa đàm đặc biệt với chủ đề: “Thể thao, cầu nối giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”. Nói là đặc biệt bởi sự kiện này có sự hiện diện của hai “Sứ giả thể thao”:
Rudy Garcia-Tolson và Julia Harbough. Đối với nhiều vận động viên thể thao người khuyết tật, đây là hai “tượng đài” thực sự. Rudy Garcia-Tolson và Julia Harbough không khác nhiều so với những bức ảnh mà các vận động viên khuyết tật Quảng Trị từng nhìn thấy. Họ có ánh nhìn trìu mến và nụ cười ấm áp. Chính điều đó đã giúp mọi khoảng cách nhanh chóng bị xóa bỏ. Như mong muốn của các vận động viên khuyết tật Quảng Trị, Rudy Garcia-Tolson và Julia Harbough chia sẻ nhiều về hành trình đầy cảm hứng của mình. Mỗi câu chuyện là một bức thông điệp sống động, đầy ý nghĩa về thể thao và người khuyết tật.
Kể câu chuyện đời mình, vận động viên bơi lội, chạy bộ và ba môn phối hợp Paralympic đến từ California Rudy Garcia-Tolson cho biết, anh sinh ra với dị tật hiếm gặp. Không có đôi chân lành lặn như bao người, tuổi thơ Tolson có 5 năm liền gắn với chiếc xe lăn. Trải qua 15 ca phẫu thuật, anh nhận ra đôi chân giả không phải “hình phạt”, mà chính là cơ hội cho mình. Lên 6 tuổi, Tolson bắt đầu làm quen với môn bơi lội. “Mọi người gọi tôi là “cậu bé không chân”. Hầu như ai cũng nghĩ tôi không thể thực hiện những điều mà người lành lặn đang làm. Tôi đã dành cả thanh xuân của mình để chứng minh đó là nhận định sai”, Tolson kể.
Nỗ lực của Rudy Garcia-Tolson sớm có kết quả. Năm 2004, anh giành Huy chương Vàng ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân và phá kỷ lục thế giới tại Thế vận hội Paralympic. 20 tuổi, Tolson tiếp tục giành Huy chương Vàng ở thế vận hội này. Tại thế vận hội Paralympic tiếp theo tổ chức tại London, anh mang về chiếc Huy chương Bạc. “Chúng ta hãy vượt qua nỗi đau khuyết tật và sống thật trọn vẹn”, Rudy Garcia-Tolson nhắn gửi.
Chọn thể thao làm nhịp cầu
Buổi tọa đàm với chủ đề: “Thể thao, cầu nối giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng” do Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Dự án RENEW phối hợp tổ chức. Tùy viên Văn hoá Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Kate Bartlett, trưởng đoàn cho biết, hơn hai thập niên qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 155 triệu USD giúp hơn 1 triệu người khuyết tật tại Việt Nam cải thiện cuộc sống. “Gần đây, Đại sứ quán Hoa Kỳ tập trung nhiều vào lĩnh vực thể thao và thúc đẩy hòa nhập. Chúng tôi muốn dùng thể thao làm nhịp cầu giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”, bà Bartlett nói.
Theo bà Kate Bartlett, để thực hiện mục tiêu ấy, thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động liên quan đến thể thao và người khuyết tật đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ triển khai tại Việt Nam. Trong những sự kiện như thế, các “Sứ giả thể thao” như Rudy Garcia-Tolson và Julia Harbough đóng vai trò hết sức quan trọng. Những câu chuyện, lời khuyên của họ mang lại sự thay đổi đáng kinh ngạc, không chỉ cho người khuyết tật, vận động viên thể thao mà cả những nhà hoạch định chính sách.
“Sứ giả thể thao” Julia Harbaugh là một huấn luyện viên bơi lội có nhiều kinh nghiệm. Không những thế, cô còn là nhà vận động cho cộng đồng yếu thế trong lĩnh vực thể thao và công nghệ. Từ trải nghiệm của mình, Harbaugh cho rằng, không nên tách biệt vận động viên khuyết tật và vận động viên không khuyết tật.
Khi cùng tập luyện, họ có thể học được rất nhiều điều từ nhau. Harbaugh thường làm việc với các vận động viên hoàn thành những cuộc đua marathon trước cô. Vì thế, Harbaugh học cách trở thành một người chạy tốt hơn bên cạnh họ. Chính bí quyết ấy đã được cô áp dụng vào cuộc sống, công việc của mình. “Điều này giúp tôi trở thành một người đem lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng. Không dừng lại ở đó, nó còn giúp chúng tôi nhận thêm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm”, Harbaugh nói.
Những chia sẻ của Julia Harbaugh và câu chuyện từ Rudy Garcia-Tolson dường như đã chạm đến trái tim của các vận động viên khuyết tật Quảng Trị. Ở đó, họ có thể bắt gặp chính câu chuyện đời mình; những điều ấp ủ; khát vọng vươn lên... Đặc biệt, ai cũng mang trong mình niềm tin rằng, người khuyết tật nói chung, vận động viên khuyết tật nói riêng có thể “bắt kịp” những người, vận động viên bình thường. Điều quan trọng là họ có cơ hội, môi trường để tương tác với nhau nhiều hơn.
Thay lời cảm ơn
Nghe tin có hai “Sứ giả thể thao” Rudy GarciaTolson và Julia Harbough đến Quảng Trị, chị Lê Thị Hoài Phương (sinh năm 1976), trú tại xã Hiền Thành và một số vận động viên khuyết tật khác ở huyện Vĩnh Linh đã thuê xe vào TP. Đông Hà để gặp. Một vụ tai nạn bom mìn đã cướp đi chân trái của chị Phương năm chị 17 tuổi.
Thời gian trôi qua, nỗi đau vơi đi nhưng tinh thần chị vẫn bị “mắc kẹt” trong vụ tai nạn ấy. Mọi việc thay đổi từ ngày chị được mời tham gia các giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật. Từ những bước chạy bỡ ngỡ ban đầu, đến giờ, “gia tài” của chị Phương đã có hàng chục huy chương. Nhờ thành tích thể thao, chị từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
“Tôi đồng ý với Rudy Garcia-Tolson rằng, thể thao tiếp sức cho người khuyết tật vượt qua sự tự ti, mặc cảm. Đặc biệt, thể thao mang lại sức khỏe, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Tôi mong sẽ có thêm nhiều người khuyết tật chơi thể thao”, chị Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Giống như chị Lê Thị Hoài Phương, thể thao như một làn gió mát thổi vào cuộc đời oi nóng của anh Trần Quốc Hoàn (sinh năm 1975), trú tại Phường 1, TP. Đông Hà. Từ lúc sinh ra, anh Hoàn đã bị liệt cả hai chân do di chứng của chất độc da cam.
Năm 1998, anh bắt đầu tham gia các giải thể thao người khuyết tật. Từ đó về sau, trung bình mỗi năm anh lại đưa vào bảng vàng thành tích của mình vài tấm huy chương. Đến giờ, tuy sự nghiệp thể thao đã dừng lại do tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng anh Hoàn vẫn miệt mài luyện tập.
“Trong quãng thời gian tập luyện và thi đấu, tôi luôn nỗ lực để đạt đến thành tích như những vận động viên bình thường. Giữa đời thực cũng vậy, tôi muốn được bình đẳng như mọi người. Đó là lý do vì sao tôi rất hào hứng khi nghe những chia sẻ của “Sứ giả thể thao” Julia Harbaugh”, anh Hoàn bộc bạch.
Chị Phương, anh Hoàn và mỗi vận động viên khuyết tật tham gia buổi tọa đàm với chủ đề: “Thể thao, cầu nối giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng” là một câu chuyện đẹp về nghị lực vươn lên. Dấu mốc cho sự đổi thay cuộc đời họ chính là việc tham gia thể thao người khuyết tật. Từ quẩn quanh ở trong mái nhà của mình, họ đã bước ra với cộng đồng, đến nhiều nước, mang về cho quê hương và chính mình nhiều tấm huy chương.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh Lê Văn Hồng, những năm qua, Quảng Trị luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành hàng đầu Việt Nam về thành tích khi tham gia các giải đấu thể thao người khuyết tật quốc gia và khu vực. “Mỗi vận động viên khuyết tật đến dự chương trình ở đây là một minh chứng sinh động cho tinh thần vươn lên từ thể thao”, ông Hồng cho biết.
Cuối buổi giao lưu, các đại biểu, hai “Sứ giả thể thao” và 25 vận động viên khuyết tật đã gửi đến nhau lời cảm ơn, ánh mắt trìu mến cùng những cái bắt tay siết chặt. Đặc biệt, các vận động viên thể thao người khuyết tật đã trao tặng hai “Sứ giả thể thao” và đại biểu nhiều tấm huy chương mà mình mang về từ những giải đấu.
“Đối với chúng tôi, những tấm huy chương này rất quý giá. Vì thế, chúng tôi đã tặng cho “Sứ giả thể thao” Rudy Garcia-Tolson, Julia Harbough và những người bạn đặc biệt thay lời cảm ơn. Cùng với thể thao, chính họ đã gieo thêm những hạt giống lành trong tâm hồn, giúp chúng tôi có thêm động lực để vươn lên”, anh Hoàn thay mặt các vận động viên khuyết tật nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)