“Cầm tay chỉ việc” giúp phụ nữ vùng khó thoát nghèo

Ngọc Trang |

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều chị em làm ăn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Núi ở thôn Thuận 3 chủ yếu sản xuất lúa rẫy, quanh năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Được sự vận động, hỗ trợ của cán bộ hội phụ nữ xã, chị Núi quyết định vay hơn 20 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang trồng sắn, chuối và nuôi dê. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên mô hình kinh tế của gia đình chị phát triển khá thuận lợi. Chị đầu tư thêm nuôi dê giống, mở rộng diện tích sắn và chuối để sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị có gần 4 ha sắn và chuối, đàn dê 10 con, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Nhiều phụ nữ ở xã Thuận được hỗ trợ về vốn và kiến thức chăn nuôi nên có điều kiện thoát nghèo bền vững - Ảnh: N.T
Nhiều phụ nữ ở xã Thuận được hỗ trợ về vốn và kiến thức chăn nuôi nên có điều kiện thoát nghèo bền vững - Ảnh: N.T

Chị Núi phấn khởi cho biết: “Nhờ được hướng dẫn cách thức chăn nuôi và trồng trọt khoa học, nên so với làm lúa rẫy, cách làm ăn mới như hiện nay cho thu nhập khá hơn và tăng qua các năm. Do đó, chúng tôi có thêm vốn để tiếp tục mở rộng trồng trọt và chăn nuôi, có điều kiện đầu tư cho các con ăn học đầy đủ và xây dựng nhà cửa khang trang hơn”.

Cũng giống như chị Núi, chị Hồ Thị Pa Reo ở thôn Thuận 5 trước đây có nguồn thu nhập chủ yếu từ lúa rẫy nên chuyện thiếu ăn, thiếu mặc luôn xảy ra. Sau khi học tập các mô hình kinh tế mới của chị em trong vùng, gia đình chị thay đổi phương thức sản xuất bằng cách khai hoang đất đồi để trồng sắn và chuối; xây dựng chuồng trại chăn nuôi thêm bò, lợn, dê. Sau thời gian kiên trì vừa làm, vừa học hỏi, mô hình kinh tế của chị bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định. Từ gần 2 ha chuối và sắn, chăn nuôi gia súc, mỗi năm chị thu về trên 50 triệu đồng.

Chị Pa Reo cho biết: “Nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã động viên, khuyến khích thay đổi cách làm ăn nên kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ học hỏi thêm các mô hình làm ăn hiệu quả để mở rộng vườn đồi, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời mong muốn tiếp tục được các cấp hội phụ nữ giúp đỡ thêm về nguồn vốn vay ưu đãi, cây giồng, con giống và kiến thức sản xuất”.

Hội LHPN xã Thuận hiện có trên 600 hội viên, trong đó trên 80% là hội viên người Vân Kiều, Pa Kô. Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hội đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, giảm nghèo bền vững. Để có cơ sở cho hội viên hưởng ứng, hội tích cực vận động chị em xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhất là trong phát triển sản xuất. Triển khai tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Để giúp phụ nữ ở địa phương có nguồn vốn phát triển sản xuất ổn định, hội giúp chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng mô hình “Tổ tiết kiệm thôn bản”. Bên cạnh đó, hội tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ chị em xây dựng mô hình sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ cây trồng, vật nuôi. Cho đến nay, hội đã tín chấp thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện số vốn gần 2 tỉ đồng, thành lập 12 tổ tiết kiệm thôn bản với số tiền tiết kiệm hằng năm từ 50 - 100 triệu đồng. Đó chính là những điểm tựa cơ bản để hội viên phụ nữ trên địa bàn xã yên tâm lao động sản xuất.

Hiện 100% hội viên phụ nữ nơi đây có mô hình nông nghiệp cho thu nhập ổn định. Các mô hình chủ yếu như trồng sắn, chuối, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm…Trong đó, mô hình nhỏ và vừa cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ năm, mô hình khá cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ năm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình hội viên ngày càng được nâng cao.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hồ Thị Nguyệt cho biết: “Từ phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhiều phụ nữ trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; xuất hiện nhiều tấm gương làm theo Bác Hồ. Thời gian tới, hội tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong hội viên. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ nâng cao kiến thức sản xuất theo phương pháp khoa học, vận động chị em chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là đối với diện tích đất đã bạc màu; vận động hội viên có mô hình khá hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ hội viên nghèo để cùng làm ăn, thoát nghèo bền vững. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ cây trồng vật nuôi, nhất là cho hộ hội viên khó khăn”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cam Lộ: Trao học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi

Lê Trường |

Ngày 24/9/2021, Xã đoàn Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết vừa trao 15 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học tập tốt trên địa bàn xã.

1.500 học sinh nghèo ở Quảng Trị có ba lô mới đến trường

Tây Long |

Ngày 23/9/2021, thông tin từ Tỉnh đoàn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Công ty TNHH Bảo hiểm Chubb Life Việt Nam gửi tặng 1.500 chiếc ba lô cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Giải pháp để tiếp tục giảm nghèo trong tình hình dịch bệnh

Đan Tâm |

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực nhưng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thục Quyên |

Với bản tính cần cù và ý chí vượt khó, sau gần 3 năm thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Ngui ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao Hướng Việt.