Giải pháp để tiếp tục giảm nghèo trong tình hình dịch bệnh

Đan Tâm |

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực nhưng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai thường xuyên đe dọa và COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hậu quả thiên tai để lại nặng nề, COVID-19 bùng phát làm cho quá trình sản xuất, kinh doanh, triển khai sinh kế gặp khó khăn đã tác động trực tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của đối tượng yếu thế là người nghèo. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, thiếu việc làm, khiến cho tỉ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên. Do đó, giải pháp để tiếp tục giảm nghèo trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đang là mối quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh.


Những thách thức trong công tác giảm nghèo

Theo số liệu điều tra, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh đầu năm 2016 chiếm 22,53% so với tổng số hộ dân cư; trong đó hộ nghèo chiếm 15,43% với 24.579 hộ. Tổng số hộ nghèo ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bãi ngang ven biển là 8.114 hộ, chiếm tỉ lệ 33% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Thông qua tác động của việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 12.074 hộ thoát nghèo, tương ứng giảm 8,4% về tỉ lệ, bình quân hằng năm giảm 1,68%; tại khu vực thành thị bình quân hằng năm giảm 338 hộ, tương ứng giảm 0,83%/năm về tỉ lệ; vùng nông thôn giảm 2.077 hộ nghèo/năm, tương ứng giảm 1,99%/năm về tỉ lệ.

Người dân miền núi cần được tiếp cận với nguồn nước sạch - Ảnh: Đ.T
Người dân miền núi cần được tiếp cận với nguồn nước sạch - Ảnh: Đ.T

Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19 và đặc biệt là các đợt lũ lụt lịch sử đầu tháng 10, nên hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn 12.505 hộ, chiếm tỉ lệ 7,03%. Do điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt, hộ nghèo của tỉnh chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện còn 7.390 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỉ lệ 38,7% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chiếm 63,41% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm tỉ lệ 23,98% trong tổng số hộ nghèo, đây là nhóm hộ hầu như không thể thoát nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo thuộc nhóm hộ bảo trợ xã hội của 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông chỉ chiếm 3,61%, trong khi đó tại vùng đồng bằng chiếm đến 57,78% trong tổng số hộ nghèo, do vậy, việc giảm hộ nghèo trong năm 2021 ở vùng đồng bằng sẽ rất khó khăn. Bên cạnh ảnh hưởng của COVID-19, người dân Quảng Trị còn gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai nên năm 2020 - 2021, hộ nghèo sẽ phát sinh và tái nghèo dự báo sẽ cao hơn những năm trước. Một điểm cần lưu ý là giai đoạn 2022 - 2025, chuẩn nghèo áp dụng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Theo nghị định này, tiêu chí về thu nhập tăng từ 2,14 - 2,22 lần, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản có thay đổi và bổ sung, đặc biệt là các chỉ số việc làm, người phụ thuộc và dinh dưỡng ... do đó hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 của tỉnh có thể sẽ tăng đột biến và cao hơn đầu giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Quảng Trị là địa phương nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai, chỉ bị ảnh hưởng một trận bão, lũ lụt lớn là hộ nghèo mới sẽ phát sinh; tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp là những nguyên nhân cơ bản khiến cho việc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không bền vững. Đây chính là những thách thức cho công tác giảm nghèo trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thực hiện “mục tiêu kép” để góp phần giảm nghèo

Trước tình hình diễn biến phức tạp của COVID- 19, tỉnh Quảng Trị đã triển khai áp dụng và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện thành phố Đông Hà đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho người lao động đến làm việc tại địa điểm sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ). Bên cạnh đó, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững. Phấn đấu năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1 - 1,5%, tương ứng giảm từ 1.750 hộ - 1.950 hộ, trong đó huyện nghèo Đakrông giảm trên 4%.

Giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2021 và những năm tiếp theo, quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Song song với đó là xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền cấp xã với các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo tại địa phương. Phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên giúp đỡ từng hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo. Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể địa phương.

Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và người nghèo về trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công tác giảm nghèo và đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kịp thời nêu gương, động viên và khen thưởng các điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025. Đánh giá, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo nhóm nguyên nhân nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện các chính sách giảm nghèo theo từng nhóm nguyên nhân nghèo và nhu cầu hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo từng năm và trong cả giai đoạn 2022 - 2025.

Tăng cường nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo

Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo theo từng nhóm hộ. Tập trung thực hiện hỗ trợ bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội gắn với tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ, năng lực của hộ nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất rừng kết hợp phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề, tự tạo việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp đối với nhóm hộ nghèo do thiếu đất sản xuất (hiện có 2.768 hộ nghèo thiếu đất sản xuất). Thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội (như trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở...) và huy động cộng đồng, vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, có công với cách mạng, đảm bảo đạt 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng dân cư.

Việc tăng cường huy động thêm các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là rất quan trọng. Theo đó, các địa phương, ngành chức năng tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tích cực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và tham gia. Đổi mới công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế kết hợp vốn vay ưu đãi, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đổi mới và gắn dạy nghề với tạo việc làm cho người nghèo, dạy nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các dự án đầu tư, nhất là các dự án triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chính sách của tỉnh để khuyến khích, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đối với thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và con em hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch,...) tại các khu dân cư, đặc biệt tại vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giúp hộ nghèo dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thục Quyên |

Với bản tính cần cù và ý chí vượt khó, sau gần 3 năm thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Ngui ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao Hướng Việt.

Tiếp thêm động lực cho học trò nghèo

Thanh Lê |

Để giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có điều kiện học tập, Xã đoàn Phong Bình, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã tổ chức trao 9 góc học tập cho các đội viên, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Gia sư áo xanh” với 9 thành viên tham gia. “Tôi mong muốn qua hoạt động này sẽ góp phần “tiếp sức” cho các học sinh nghèo, giúp các em có thêm động lực để tiếp tục vượt khó, vươn lên trong học tập”, Bí thư Xã Đoàn Phong Bình Trần Thao cho biết.

Trao học bổng “Phát triển giáo dục và kỹ năng” cho học sinh nghèo

Sỹ Hoàng |

Ngày 25/8/2021, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Vòng Tay Thái Bình tổ chức lễ tổng kết và trao học bổng “Phát triển giáo dục và kỹ năng” (SEEDS) năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến cho các em học sinh THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Kỷ luật khiển trách hiệu trưởng ém quà và tiền hỗ trợ học sinh hộ nghèo

Hưng Thơ |

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hướng Hóa và Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đều đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Đoàn Minh Lộc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy vì ém quà và tiền hỗ trợ hộ nghèo của học sinh.