Cán bộ xã tâm huyết bảo tồn văn hóa người Vân Kiều

Minh Long |

Với mong muốn bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, thời gian qua, anh Hồ Chỏ, người Vân Kiều, công chức Văn hóa - Xã hội, UBND xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sưu tầm xây dựng nên một không gian “bảo tàng” thu nhỏ ngay tại nhà mình. 

Nơi đây trở thành địa điểm để những người cùng sở thích đến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm và giao lưu văn hóa thú vị tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường có nhiều văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều, Hồ Chỏ quyết tâm học tập tốt để góp phần duy trì và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. May mắn, anh được đào tạo khá bài bản và trở thành cán bộ văn hóa - xã hội tại quê hương. Anh có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình phụ trách.

Đồng thời được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với cơ sở, đặc biệt là tiếp xúc với những người cao niên là “báu vật” sống còn giữ “hồn” văn hóa của bản làng để thu thập thông tin, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống. Hồ Chỏ tích cực tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số.

Hồ Chỏ sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ của người Vân Kiều - Ảnh: M.L
Hồ Chỏ sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ của người Vân Kiều - Ảnh: M.L

Anh còn chủ động tìm đến các già làng, trưởng bản, nghệ nhân trong vùng cũng như tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế để tìm hiểu sâu về truyền thống văn hóa của người Vân Kiều như lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực, kiến trúc nhà sàn, các loại nhạc cụ và các làn điệu dân ca... Tất cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, anh đều tích cực tham gia, nhất là các phiên chợ vùng cao quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết.

Với ý tưởng giữ gìn và phát huy những đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều ngay trong khuôn viên đất nhà mình, năm 2022, Hồ Chỏ tự tay chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, vật liệu để xây dựng nhà sàn làm nơi trưng bày các loại nhạc cụ, vật dụng, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống của người Vân Kiều, trở thành nơi để tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

“Tôi xây dựng căn nhà sàn bằng những vật liệu đơn giản như gỗ, mây, tre. Dù vậy, khi bước vào đây ai cũng sẽ cảm nhận được sự ấm cúng, thân thiện bởi những loại nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt, nông cụ sản xuất của người Vân Kiều rất gần gũi. Đây cũng là cơ hội để tôi giới thiệu với mọi người về văn hóa dân tộc mình cũng như tiếp thu những góp ý để hoàn thiện căn nhà truyền thống này”, Hồ Chỏ chia sẻ.

Bằng vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Hồ Chỏ thiết kế lại các vật dụng, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống như gùi, giỏ, mâm cơm, dụng cụ bắt cá...rồi tìm đến các nghệ nhân đặt họ làm.

Ngoài ra, anh còn sưu tầm rất nhiều nhạc cụ của người Vân Kiều như đàn ta lư, sáo, khèn, đàn ta-p-lứa, trống xa-cơn... để trưng bày tại nhà sàn. Các loại nhạc cụ và vật dụng này chủ yếu anh đặt làm mới hoặc mua lại từ các địa phương khác.

Không chỉ sưu tầm nhạc cụ để trưng bày, Hồ Chỏ còn tích cực học cách chơi các loại nhạc cụ và hát các làn điệu dân ca của người Vân Kiều. Hiện tại, anh có thể hát và sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ như đàn ta-lư, đàn ta-p-lứa, các loại sáo, khèn môi...

Mỗi ngày sau giờ làm việc, anh lại trở về căn nhà sàn truyền thống của mình, dành thời gian chăm chút sửa sang, sắp xếp, sưu tầm vật dụng và thư giãn bằng cách chơi các loại nhạc cụ. Vào mỗi dịp cuối tuần hoặc thôn bản có dịp vui, anh mời nghệ nhân, già làng, các thành viên câu lạc bộ văn nghệ đến nhà truyền thống của gia đình để cùng giao lưu đàn hát, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc sưu tầm và gìn giữ văn hóa truyền thống của người Vân Kiều.

Với không gian thoáng đãng, nằm cạnh vườn tre rất đẹp, ngay sau khi hoàn thiện căn bản thì ngôi nhà sàn của Hồ Chỏ đã tiếp đón rất nhiều lượt nhiều khách du lịch, học sinh, các nhà nghiên cứu về văn hóa, các đoàn làm phim quảng bá truyền thống văn hóa đến tham quan trải nghiệm và tìm hiểu. Anh sẵn sàng giới thiệu, trò chuyện cũng như đàn hát giao lưu cùng khách tham quan, giúp họ tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Hồ Chỏ cho biết thêm: “Thời gian tới, tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc. Riêng cá nhân tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nhà sàn và sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình trưng bày tại nhà sàn truyền thống để ngày càng có nhiều người biết đến văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

"Bà Tiên" của những đứa trẻ dân tộc Vân Kiều

Trần Lưu - Trường Sơn |

Vượt nắng, vượt mưa, vượt mọi nẻo đường, mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng đã không quản khó khăn để mang tri thức đến với các em học sinh nghèo. Trong ngôi trường nơi miền biên ải, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tình thương, cô và trò cùng ươm dưỡng những “mầm xanh” trên vùng “chảo lửa”...

Nữ “thủ lĩnh” người Vân Kiều góp sức xây dựng nông thôn mới

Kăn Sương |

Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, bà Hồ Thị Thanh, người Vân Kiều ở thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị) luôn phát huy vai trò gương mẫu trong mọi việc. 

Người phụ nữ Vân Kiều tâm huyết bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Minh Long |

Sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm nên chị Hồ Thị Khay, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có cơ hội tiếp xúc với nghề này từ lúc còn nhỏ. 

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô

Kô Kăn Sương |

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng kể.