Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng kể.
Nhờ vậy, nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Vân Kiều, Pa Kô được khôi phục, bảo tồn, phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện.
Trong đó, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện 10 dự án thành phần của chương trình cho các sở, ngành và địa phương liên quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Dự án 6.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, sở đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập nhu cầu đầu tư và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc thực hiện chương trình năm 2022, cụ thể: Thư viện tỉnh xây dựng tủ sách cộng đồng vùng đồng bào DTTS và miền núi; Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh khảo sát đánh giá về di sản văn hóa truyền thống ở cộng đồng.
Tiến hành kiểm tra, khảo sát đánh giá về di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng tại địa bàn các xã miền núi của hai huyện Hướng Hoá và Đakrông. Triển khai thực hiện tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch thông qua hệ thống pa nô, áp phích, tờ rơi, xây dựng clip du lịch cộng đồng miền núi phát trên sóng truyền hình.Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tham gia “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam- Lào” tại tỉnh Điện Biên năm 2022. Các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện nhiều nội dung của dự án.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu dự án đạt được những kết quả khả quan. Ở huyện Đakrông, được sự hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình, địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Năm 2022, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 1 lớp truyền dạy dân ca cổ của đồng bào Pa Kô cho 45 học viên; hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú truyền dạy văn hóa vật thể, phi vật thể với tổng kinh phí trên 12,8 triệu đồng; hỗ trợ 2 đội văn nghệ truyền thống với số tiền 50 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 12 nhà văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí 600 triệu đồng; tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào” tại tỉnh Điện Biên. Năm 2023, UBND huyện đã phân bổ nguồn kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng từ Dự án 6 cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án 6, nhiều mô hình, hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH, tạo đà du lịch cộng đồng ở địa phương phát triển”.
Đối với huyện Hướng Hóa, năm 2022, UBND huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Phục dựng lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho 291 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thôn đặc biệt khó khăn của huyện.
Tổ chức 3 lớp tập huấn hát dân ca Vân Kiều cho 90 học viên. Xây dựng 2 phim ngắn và 1 bộ ảnh tư liệu quảng bá về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch; khởi nghiệp sáng tạo với mô hình du lịch cộng đồng”.
Thành lập được 6 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống; tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng, 3 lớp dân ca truyền thống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Xây dựng tập ảnh tư liệu của dân tộc Pa Kô; tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, xây dựng chuyên mục, bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các kênh truyền hình VTV1, VTV8, VOV…
Ở huyện Vĩnh Linh, tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với 50 học viên tham gia.
Xây dựng và hỗ trợ 3 CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Huyện Gio Linh thực hiện nguồn kinh phí từ dự án với tổng số tiền 109 triệu đồng hỗ trợ nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc Vân Kiều, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao, xây dựng tủ sách, bổ sung các đầu sách.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Qua gần 1 năm triển khai thực hiện dự án, nhiều hoạt động được triển khai thực hiện như: lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được bảo tồn, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại vùng đồng bào được thành lập, thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc được đầu tư, xây dựng, các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được khôi phục, gìn giữ… góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn như: văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan vẫn chưa ban hành để địa phương có cơ sở thực hiện, quy trình thực hiện và giải ngân vốn còn chưa rõ ràng; nguồn vốn thực hiện chương trình phân bổ vào thời điểm cuối quý III/2022, nhưng phải thực hiện rất nhiều thủ tục, nhiều bước nên rất khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022.
Vì vậy, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện, theo dõi Dự án 6; sớm phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 6 năm 2023 để địa phương kịp thời triển khai thực hiện”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)