Mấy năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp, dòng sông Đakrông (Quảng Trị) qua địa bàn thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo bị xói lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số nơi trên địa bàn huyện Đakrông đã xuất hiện những vết nứt dọc theo ngọn núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và các công trình của Nhà nước, Nhân dân.
Điều đáng quan tâm là dọc đoạn sông sạt lở này có hơn chục nhà dân sinh sống. Những năm trở lại đây, gia đình anh Hồ Văn Khương ở thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo và nhiều hộ dân trong thôn luôn nơm nớp lo sợ vì phần đất gia đình đang sinh sống ngày càng bị sạt lở xuống dòng sông. Anh Khương cho biết, trạm truyền thanh của xã đặt sát bên nhà văn hóa truyền thống cũng phải tháo gỡ vì nước xói làm trôi mố trụ, nhiều hoa màu của người dân cũng trôi theo dòng nước.
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn sạt lở này kéo dài khoảng 1km, chiều cao từ mặt đất xuống đáy sông từ 2- 3m, chiều rộng có nơi hơn 20 m. anh Hồ Văn Khương lo lắng nói: “Trước đây cuộc sống của các gia đình trong thôn rất yên bình. Nhưng bây giờ đất đã bị sạt lở vào gần đến nhà, ai cũng lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về”.
Chỉ cách bờ sông đang sạt lở này khoảng chục bước chân là công trình nhà văn hóa truyền thống đồng bào Pa Kô. Công trình được xây dựng năm 2012 từ nguồn vốn hỗ trợ khoảng 5 tỉ đồng của VietinBank. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của chính quyền địa phương và người dân trong vùng. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ sạt lở như hiện nay, chính quyền địa phương và người dân hết sức lo lắng về sự an toàn của công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử này. Bí thư Đảng ủy xã A Ngo Ngô Hùng cho biết: “Hằng năm, lũ lụt khiến cho diện tích đất sạt lở rất nhiều. Cứ mỗi năm lấn sâu vào đất thổ cư, đất nông nghiệp từ 3 - 5 mét nên gây tâm lý bất an cho cuộc sống của người dân ở đây. Mỗi lần có mưa to, chính quyền địa phương thường nhanh chóng đưa các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở lên chỗ an toàn. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương mong muốn cấp trên sớm có giải pháp khắc phục để ổn định đời sống cho người dân và bảo vệ công trình xây dựng của Nhà nước, Nhân dân”.
Cùng chung nỗi lo như chính quyền và người dân xã A Ngo, xã Húc Nghì cũng đang đứng trước nguy cơ sạt lở khối đất, đá lớn của ngọn đồi ngay trước trụ sở làm việc của UBND xã. Hiện phía trên đỉnh đồi đã xuất hiện vết sụt lún do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Ông Hồ Nhua, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì nói: “Mùa mưa lũ tới, cán bộ, công chức xã làm việc tại trụ sở cũng như người dân tới trụ sở UBND xã giao dịch đều nơm nớp lo sợ nguy cơ sạt lở đất từ ngọn đồi phía sau. Xã khẩn thiết đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư quy hoạch xây dựng mới trụ sở để đảm bảo an toàn cho cán bộ xã cũng như người dân quanh khu vực này”.
Đakrông là huyện có địa hình đồi, núi dốc, hệ thống sông, suối nhiều. Sau mỗi trận mưa lớn hoặc lũ lụt, nhiều điểm sạt lở lại xuất hiện. Điều này gây nguy hại và sự lo lắng cho các cấp chính quyền và người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này, huyện Đakrông mong muốn sự hỗ trợ kịp thời của trung ương, tỉnh để hạn chế, khắc phục những nguy cơ do sạt lở đất gây ra .
(Nguồn: Báo Quảng Trị)