Cần đảm bảo an ninh trật tự để xây dựng các dự án điện gió ở xã Húc

Thanh Bình |

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị thu hút đầu tư xây dựng, phát triển hàng chục dự án điện gió trên địa bàn, trong đó riêng xã Húc, huyện Hướng Hóa có 4 công trình đang thi công.

Phải khẳng định rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã xảy ra một số bất cập; có nhiều nguyên nhân và cách giải quyết chưa khoa học, phù hợp với tình hình thực tế. Vừa qua, một số đối tượng ở địa phương đã quá khích, tổ chức gây rối. Một số bài báo, trang mạng xã hội đưa tin chưa đúng bản chất sự việc, gây ra những hiểu nhầm trong Nhân dân.

Theo diễn biến sự việc, biết Công ty Tài Tâm đang trên đường vận chuyển cánh quạt điện gió vào lắp ráp trên địa bàn, chiều 23/8/2021, một nhóm khoảng 30 thanh niên ở xã Húc tổ chức đóng cọc tre bên đường và trên phần đất của ông Lê Văn Linh (trú Tân Hợp, Hướng Hóa) tại thôn Ván Ri, xã Húc với mục đích khi thiết bị này đụng vào sẽ bắt bồi thường. Quá trình di chuyển, may mắn thiết bị không va chạm vào những cái “bẫy” trên phần đất của ông Linh.

Tuy nhiên, khi đến km4+100 trên tuyến Khe Sanh - Húc qua thôn Ván Ri đã va đập vào 2 cây măng cua của hộ ông Hồ Văn Bảy. Hộ này đòi bồi thường số tiền lớn nhưng được các lực lượng chức năng đi cùng hỗ trợ di chuyển thiết bị điện gió giải thích, vận động nên công ty trên đền bù cho hộ dân này 100 triệu đồng.

Thu hút đầu tư xây dựng, phát triển điện gió ở xã Húc là một chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện đã để xảy ra nhiều bất cập - Ảnh: T.B
Thu hút đầu tư xây dựng, phát triển điện gió ở xã Húc là một chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện đã để xảy ra nhiều bất cập - Ảnh: T.B

Song khi thiết bị tiếp tục di chuyển thêm khoảng được 10 m lại đụng một cây măng cua của một hộ dân khác. Vì vậy, công ty này lại phải dừng lại để thỏa thuận bồi thường. Nhưng khi sự việc đang được thương thảo thì bất ngờ nhóm 30 thanh niên kể trên tụ tập về thôn Ván Ri la hét, tắt điện nhà dân xung quanh rồi dùng chai thủy tinh, đất, đá ném túi bụi, gây thương tích cho một số cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ tại đây.

Quá trình điều tra, xác minh cho thấy có nhiều nguyên nhân để xảy ra vụ việc này. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ phía chủ đầu tư dự án và chính quyền, ban, ngành chức năng ở cơ sở, liên quan đến công tác phổ biến thông tin về chủ trương của Nhà nước; lấy ý kiến Nhân dân; phổ biến pháp luật liên quan; tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận vì lợi ích chung.

Thực hiện công tác kiểm tra, xác minh, quy chủ đất đai đúng đối tượng; đền bù, giải phóng mặt bằng; thu hồi đất, cho doanh nghiệp thuê đất đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật. Tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng để cùng với kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học, nhà quản lý chuyên ngành đưa ra những đánh giá, nhận định mang tính thực tiễn cao, qua đó thống nhất việc chọn địa điểm, vị trí xây dựng phù hợp.

Quá trình xây dựng dự án phải đúng theo thiết kế, đồng thời các bên phải giám sát nghiêm ngặt chất lượng công trình và giải pháp thi công các công trình ở đây. Người dân ở vùng dự án cũng có quyền thực hiện việc giám sát này, bởi họ là những người có quyền lợi trực tiếp nhưng cũng đối mặt gần nhất với nguy cơ cao về các sự cố mỗi khi chất lượng và giải pháp thi công công trình không đảm bảo.

Đáng tiếc, quá trình thực hiện các dự án điện gió ở đây đã không tuân thủ đúng theo các quy trình thủ tục này. Trong khi đó, mùa mưa lụt năm 2020, xã Húc từng xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng, khiến 2 ngôi nhà bị đất, đá vùi lấp, 8 người thiệt mạng. Trong thiên tai đó, lực lượng công an, quân đội đã trắng đêm cứu nạn, di dời 19 hộ dân với hàng chục con người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Chưa hết, sau thiên tai, chính quyền, ban, ngành chức năng phải tiếp tục di dời 165 hộ dân trên địa bàn nằm trong các vùng bị ảnh hưởng và nguy cơ cao bị sạt lở núi đến nơi ở mới an toàn. Trong khi thời gian qua, việc lựa chọn, xây dựng những trụ điện gió ở đây đều nằm ở đỉnh những quả đồi, ngọn núi cao. Việc xây dựng lại diễn ra ồ ạt và thực tế đã bỏ qua nhiều thủ tục cần thiết. Người dân vì thế không thể không lo lắng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đền bù cho dân lại tiến hành theo phương thức mặc cả, nhỏ lẻ, không nhất quán, người được đền bù sau cao hơn người được đền bù trước, dẫn đến có sự so sánh, mâu thuẫn, thậm chí nảy sinh nghi ngờ sự “không minh bạch” giữa chính quyền, ban, ngành chức năng ở cơ sở với các chủ dự án này.

Từ đó, họ ngày càng trở nên mâu thuẫn, đỉnh điểm vào ngày 16/5/2021, người dân thôn Ta Núc đã “đụng độ” với một nhóm thanh niên khoảng 20 người của một dự án điện gió ở đây. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã phải chỉ đạo khẩn cấp, yêu cầu các dự án điện gió này không được tự ý thành lập tổ bảo vệ, giải quyết việc người dân ngăn cản thi công khi đất đai của họ đang trong quá trình thỏa thuận đền bù.

Sau sự việc này, dự án điện gió kể trên tiến hành nhận lỗi nhưng do cách xử lý sự việc thiếu sự phối hợp và sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện vai trò trung gian hòa giải giữa người dân và doanh nghiệp để sự việc được giải quyết đúng theo pháp luật mà không phải theo “lệ làng” tạo ra tiền lệ xấu, đã tạo ra những sự việc đáng tiếc khác.

Cụ thể, sau sự việc ấy, doanh nghiệp thực hiện đền bù cho dân 10 triệu đồng, gọi là “cúng phong tục”. Với số tiền này là không lớn nhưng việc doanh nghiệp lấy đồng tiền ra để giải quyết sự việc; chính quyền, cơ quan chức năng liên quan biết việc mà chấp thuận, không xử lý cái sai của doanh nghiệp là một việc đáng phê phán. Bởi sau đó đã tạo ra tiền lệ xấu, thu hút và tạo thêm lòng tham cho một số người dân ở đây.

Chẳng hạn như vào trưa 10/8/2021, Hồ Văn Tr. (SN 2008), ở xã Húc đến ngôi nhà bên đường tại km4+100 (Khe Sanh - Húc), thấy 3 thanh niên là công nhân của một dự án điện gió ở đây đang nằm xem điện thoại, liền nói: “Chúng mày là dân bảo vệ điện gió à? Chúng mày đến giết dân à?”, rồi đấm vào mặt 1 trong 3 thanh niên. Người bị đấm bức xúc nên đánh lại. Sau đó, Tr. hô hoán, kêu gọi người dân trong bản, cho rằng mình bị 3 thanh niên kia đánh.

Người dân khi chưa biết rõ đầu đuôi sự việc đã hùng hổ truy đuổi 3 thanh niên này để đánh. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công an xã nên đám đông được giải tán ngay sau đó, 3 công nhân trên được đưa về lán trại của họ an toàn. Công an cũng đề nghị gia đình đưa em Tr. tới cơ sở y tế để khám vết thương, chữa trị và giám định thương tật nhằm có cơ sở xử lý.

Do chỉ bị thương nhẹ ở phần mũi nên em Tr. đã trốn khỏi cơ sở y tế sau đó. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại, doanh nghiệp này lại bị đòi bồi thường 30 triệu đồng để “cúng phong tục”. Sau nhiều lần thương lượng, em Tr. và gia đình mới chịu giảm xuống còn 15 triệu đồng.

Khi việc đòi bồi thường trở nên dễ dàng, một số thanh niên lêu lổng, thậm chí không ít đối tượng có dấu hiệu liên quan đến tệ nạn ma túy, đã không chỉ nhìn vào sự việc này, mà còn nhìn vào số tiền hàng chục tỉ đồng do doanh nghiệp “dễ dàng” bỏ ra, thỏa thuận đền bù cho người dân về diện tích đất thu hồi xây dựng dự án, nên đã nãy sinh lòng tham, bất chấp luật pháp, sử dụng thủ đoạn nhằm cưỡng đoạt tài sản thông qua cái gọi là đền bù hoặc “cúng phong tục”. Cụ thể, vụ việc đã xảy ra như đã đề cập ở trên vào chiều 23/8/2021 tại thôn Ván Ri, xã Húc.

Theo tìm hiểu, xã Húc có diện tích tự nhiên khá lớn, xấp xỉ 640 ha. Tuy nhiên, phần lớn đất đai ở đây thuộc đồi, núi hiểm trở và khô cằn. Toàn xã hiện có 812 hộ dân với gần 4.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều chiếm trên 95%. Bà con sinh sống, làm ăn ở các thung lũng nằm len lỏi dưới chân đồi, núi trải rộng trên địa bàn 9 thôn, bản.

Bí thư Đảng ủy xã Húc Phạm Văn Huy cho biết, với đặc điểm địa hình, điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, người dân ở đây chỉ có thể trồng lúa nước ở các dải đất ven khe, suối; một số cây nông nghiệp khác và cây rừng ở những khu vực ít đồi dốc, cùng với đó là chăn nuôi một ít trâu, bò và dê. Với kinh tế mũi nhọn là cây lúa nước, song toàn xã hiện cũng chỉ có 70 ha, tính bình quân chưa tới 167 m2 ruộng/đầu người. Vì vậy, cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thu nhập trung bình chỉ 11,3 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo hiện chiếm trên 46%. Trước thực tế này, việc thu hút đầu tư xây dựng, phát triển điện gió ở những vùng đất khô cằn là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình thực hiện những dự án điện gió tại đây đã làm nảy sinh không ít bất cấp, dẫn đến những hậu quả, hệ lụy khó lường như đã nói ở trên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị xây dựng kịch bản đánh giá tác động từ các dự án điện gió

Công Điền |

Vùng khảo sát tác động từ các dự án điện gió, ngoài tập trung ở huyện Hướng Hóa nên mở rộng, đánh giá toàn diện trên toàn tỉnh, nhất là vùng Đakrông, Cam Lộ...

5 công an bị thương khi bảo vệ vận chuyển thiết bị điện gió ở Quảng Trị

Hưng Thơ |

Trong quá trình bảo vệ việc vận chuyển thiết bị điện gió của dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải Quảng Trị tại xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), 5 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương, trong đó 2 người được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Nhiều phương án phòng chống thiên tai, sạt lở đất ở các dự án điện gió

Trường Sơn |

Ngày 23/8/2021, tại huyện miền núi Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị đề ra nhiều phương án nhằm phòng chống thiên tai, sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực triển khai các dự án điện gió tại miền núi tỉnh Quảng Trị.

Phát động trồng cây xanh tại các dự án điện gió nhằm bảo vệ môi trường sinh thái

Trường Sơn |

Sáng ngày 23/8/2021, tại xã Hướng Tân (Hướng Hóa), UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực triển khai các dự án điện gió, hiện thực hóa trồng 1 tỉ cây xanh.