Những trận mưa lũ cuối năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân một số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) và nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Trị đã sớm có kế hoạch thực hiện di dân để ổn định cuộc sống của Nhân dân một cách lâu dài. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông HOÀNG MINH TRÍ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh về vấn đề này.
-Thưa ông! Ảnh hưởng nặng nề của những trận mưa lũ lịch sử vào cuối năm 2020 đã tác động đến cuộc sống của người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa như thế nào?
-Những tháng cuối năm 2020, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra những trận mưa lịch sử, kéo dài nhiều ngày gây ra lũ lụt trên diện rộng và lũ chồng lũ với chỉ số cao hơn đỉnh lũ năm 1983, 1999, gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở núi xuất hiện ở nhiều địa phương của huyện Hướng Hóa. Trong đó lớn nhất là vụ sạt lở núi ở xã Hướng Phùng khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh; vụ sạt lở núi ở xã Húc làm 1 gia đình có 7 người bị vùi lấp; vụ sạt lở núi tại xã Hướng Việt khiến nhiều người trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã thương vong, trong đó có Thượng úy công an Trương Văn Thắng hy sinh; rồi sạt lở, nứt nẻ núi ở xã Hướng Sơn đe doạ sự an toàn của nhiều gia đình…
Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ thị trấn Khe Sanh ra Hướng Lập và một số tuyến đường trên địa bàn huyện Hướng Hóa bị sạt lở ta luy, chia cắt gây hậu quả nghiêm trọng, đòi hỏi quá trình khắc phục phải lâu dài và tốn kém. Đáng chú ý là hậu quả các trận nứt nẻ, sạt lở núi ở các xã: Hướng Sơn, Hướng Lập, Húc đã ảnh hưởng trực tiếp đến 93 hộ dân, 386 nhân khẩu (xã Hướng Sơn 45 hộ, 171 nhân khẩu; Hướng Lập 29 hộ, 107 nhân khẩu và xã Húc 19 hộ, 108 nhân khẩu) cần được di dân khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhân dân trước mắt cũng như lâu dài.
-Vậy việc triển khai xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho việc di dân các xã trên đến nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Trước tình hình sạt lở núi có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của Nhân dân tại 3 xã nói trên, Chi cục Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn và huyện Hướng Hóa tổ chức khảo sát tại thực địa, tham mưu đề xuất UBND tỉnh và được UBND tỉnh chấp thuận cho di dân đến nơi ở mới an toàn đối với 93 hộ nói trên.
Về phía chính quyền địa phương đã họp dân, tuyên truyền vận động được người dân đồng thuận cao. Cụ thể đến nay tại xã Húc đã hoàn thành công tác di dân đến nơi ở mới theo hình thức xen ghép được 19/19 hộ. Xã Hướng Sơn đã tổ chức lễ khởi công san ủi mặt bằng để thực hiện di dời 45 hộ dân đến ở khu vực mới của thôn Ra Ly Rào với diện tích 3,5 ha. Hiện người dân Hướng Sơn sắp hoàn thành việc xây dựng nhà cửa, cố gắng đến tháng 5/2021 tất cả 45 hộ dân đều có nhà mới. Tổng giá trị mỗi ngôi nhà ở Hướng Sơn là 120 triệu đồng, trong đó có một đơn vị tài trợ 50 triệu đồng/nhà; Ủy ban MTTQVT tỉnh tài trợ 50 triệu đồng/nhà, còn lại là ngân sách Nhà nước ủng hộ theo quy định. Xã Hướng Lập đang hoàn tất công tác mặt bằng với diện tích 1 ha để sớm bố trí dân đến xây dựng nhà cửa. Hiện tại có 24/29 hộ dân ở xã Hướng Lập đã đồng ý đến nơi ở mới.
-Ông có thể cho biết đến nay ngân sách bố trí cho chương trình di dân khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn tại 3 xã nói trên là bao nhiêu? -Được sự đốc thúc khẩn trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi cục đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ dân đến nơi ở mới 20 triệu đồng. Tổng ngân sách đợt 1 chi cục đề xuất hỗ trợ là 2 tỉ đồng, phục vụ di dời 88 hộ dân (5 hộ dân trong tổng số 93 hộ cần phải di dời sẽ tiếp tục được hỗ trợ sau khi đồng ý đến nơi ở mới). Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát nguồn lực sớm chi cho các hộ dân xây dựng nhà cửa để hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2021. Về phía chi cục đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ thêm kinh phí cho những hộ dân thuộc đối tượng di dời ở 2 xã Hướng Lập và Húc đủ tiền xây dựng nhà cửa hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất. Theo đó, đã có một số nhà tài trợ đăng ký hỗ trợ kinh phí xây dựng 11 ngôi nhà cho người dân thuộc đối tượng trên.
-Vậy những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai tại các xã nói trên là gì?
-Sau khi các trận lũ lịch sử kết thúc và xuất hiện các sự cố lở núi đe dọa cuộc sống người dân ở một số xã thuộc huyện Hướng Hóa, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội... của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, sự đồng thuận nhất trí cao của người dân trong vùng thiệt hại do thiên tai để sớm tìm ra nơi tái định cư mới, an toàn cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chúng tôi gặp một số trở ngại như: Quỹ đất để bố trí cho người dân đến nơi ở mới rất khó khăn đối với một số xã miền núi như xã Hướng Lập, Húc... Phong tục, tập quán sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen ở chỗ cũ theo họ tộc, anh em từ bao đời nay, giờ chuyển đến nơi ở mới cần có thời gian để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, trong những tháng qua thời tiết trên địa bàn huyện Hương Hoá mưa liên tục cũng gây không ít khó khăn cho người dân trong quá trình xây dựng nhà cửa đến nơi ở mới. Ngoài ra, một số doanh nghiệp và người dân chưa thống nhất được cách tiếp cận nguồn vốn tài trợ nên chi cục tiếp tục vận động, tuyên truyền để hai bên có tiếng nói chung, cố gắng cho người hưởng lợi sớm nhận được nguồn vốn xây dựng nhà cửa.
-Đề nghị ông cho biết sau cuộc di dân khẩn cấp cho 93 hộ dân nói trên, kế hoạch trung hạn tỉnh sẽ thực hiện di dân từ các nơi sạt lở nguy hiểm đến nơi ở an toàn như thế nào?
-Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tại Quảng Trị xuất hiện nhiều trận mưa lũ lịch sử gây ngập trên diện rộng, nhiều đoạn bờ sông, ngọn núi ở các địa phương bị sạt lở nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của Nhân dân nên số hộ dân cần phải di dời đến nơi ở an toàn từ nay đến năm 2025 là rất lớn.
Về số hộ cần bố trí, sắp xếp nơi ở ổn định, trên cơ sở đã rà soát bổ sung, từ nay đến năm 2025 toàn tỉnh cần di dời 2.746 hộ dân đến nơi ở ổn định với gần 11 nghìn khẩu, trong đó di dời đến nơi mới tập trung hơn 1.400 hộ; di dời đến ở xen ghép hơn 1.200 hộ...
Về các dự án đầu tư bố trí sắp xếp ổn định dân cư gồm: Dự án di dân khẩn cấp, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người dân khu vực miền núi sau lũ ở huyện Hướng Hóa với nhu cầu bố trí 300 hộ dân cho các xã: Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Phùng... Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở huyện Đakrông cho các xã Húc Nghì, Tà Long, Ba Nang, Triệu Nguyên với nhu cầu bố trí 230 hộ dân. Dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt ở đất và ứng phó biến đổi khí hậu tại huyện Vĩnh Linh có nhu cầu bố trí 239 hộ cho các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Thái, thị trấn Hồ Xá. Ngoài ra, còn di dân xen ghép 317 hộ tại các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Đakrông và Hướng Hóa. Tổng ngân sách phục vụ di dời số hộ dân nói trên dự kiến trên 732 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 512 tỉ đồng, còn lại ngân sách địa phương và các nguồn khác.
-Xin cảm ơn ông!