Mong muốn sông nước không còn là nỗi ám ảnh của con trẻ, thời gian qua, Dự án Bơi an toàn (Swim For Life) đã vào cuộc với những cách làm cụ thể, có hiệu quả. Vì thế, việc dự án mở rộng địa bàn hoạt động vào Quảng Trị mang lại nhiều niềm hy vọng trong việc phòng chống đuối nước. Dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với bà ĐẶNG THỊ HẢI YẾN, Quản lý Dự án Bơi an toàn.
Mang cơ hội đến với trẻ em Quảng Trị
- Thưa bà! Được biết Dự án Bơi an toàn được triển khai ở Quảng Bình đã 8 năm và nay Quảng Trị là tỉnh tiếp theo được hưởng lợi từ dự án. Đề nghị bà chia sẻ một số thông tin về dự án này?
- Dự án Bơi an toàn thuộc tổ chức nhân đạo Golden West, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, hoạt động phi lợi nhuận, chuyên cung cấp các khóa đào tạo về xử lý vật liệu nổ an toàn trên thế giới. Năm 2013, trong đợt khảo sát, nghiên cứu về tác động của lũ lụt đối với vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, Ban Giám đốc Golden West nhận thấy ngoài việc khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan đến bom mìn, tình trạng đuối nước cũng là vấn đề gây nhức nhối ở Việt Nam.
Vì thế, ban giám đốc đã quyết định chung tay giảm thiểu tình trạng đuối nước, nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em miền Trung bằng cách thành lập Dự án Bơi an toàn. Quảng Bình là tỉnh đầu tiên được chọn lựa làm địa bàn triển khai dự án. Hoạt động mở màn của Dự án Bơi an toàn là lắp đặt 2 hồ bơi thông minh tại 2 trường tiểu học vào tháng 9/2014. Kinh phí đầu tư xây lắp bể bơi từ 2 nguồn gồm một phần do tổ chức Golden West tài trợ, phần còn lại do nhà trường và phòng GD&ĐT địa phương huy động xã hội hóa.
Sau gần 8 năm hoạt động ở Quảng Bình, từ 2 hồ bơi ban đầu, hiện nay, số lượng hồ bơi ở các trường đã đạt con số 50 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Có hơn 10 ngàn học sinh của các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã được tham gia chương trình học kỹ năng bơi an toàn, bơi sống sót; kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kỹ năng cứu đuối... Nhiều giáo viên được tham dự các lớp tập huấn về phương pháp dạy bơi an toàn; cách vận hành hồ bơi; duy tu và bảo dưỡng hồ bơi…
- Vậy cơ duyên nào đã đưa Dự án Bơi an toàn đến với Quảng Trị?
- Gắn bó với dự án, tôi và đồng nghiệp có dịp đi thực tế ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Trị. Chúng tôi được biết, Quảng Trị có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Một thực tế đáng trăn trở khác là hệ thống hồ bơi và lực lượng giáo viên dạy bơi ở Quảng Trị chưa đủ đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh, đặc biệt là các em nhỏ ở cấp tiểu học và THCS. Đây là thiệt thòi lớn đối với học sinh, đặc biệt là các em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trăn trở trước thực tế ấy, chúng tôi nghĩ rằng cần phải nhanh chóng mang cơ hội đến cho trẻ em Quảng Trị được hòa nhập vào công cuộc phòng chống đuối nước. Với quyết tâm cao, dự án đã tiếp cận được nhà tài trợ là Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá - Campaign for Tobacco Free Kids và đề xuất thành công gói hỗ trợ kinh phí ban đầu để triển khai dự án thí điểm tại huyện Triệu Phong.
Niềm vui nhân đôi khi Dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em Quảng Trị được các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và nhà tài trợ hết sức quan tâm, ủng hộ. Với dự án thí điểm này, Dự án Bơi an toàn là đơn vị đồng hành với Sở LĐTB&XH Quảng Trị thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật.
- Tại Quảng Trị, dự án đã, đang và sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa bà?
- Với dự án thí điểm tại huyện Triệu Phong, chúng tôi tập trung tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy bơi, hướng dẫn dạy bơi về phương pháp giảng dạy kỹ năng bơi an toàn, bơi sống sót. Dự án dự kiến hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho 320 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi ở 4 xã gồm: Triệu Tài, Triệu Thuận, Triệu Thượng và thị trấn Ái Tử.
Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến việc tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ em về phòng chống đuối nước và an toàn trong môi trường nước thông qua tuyên truyền bằng loa truyền thanh của xã và giáo dục trực tiếp cho trẻ em thông qua giảng dạy tại nhà trường.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em thiệt thòi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các lớp học bơi miễn phí, dự án sẽ thường xuyên phối hợp với nhà trường, các tổ chức đoàn thể và địa phương tìm hiểu, lập danh sách các trường hợp này. Dự án cũng sẽ chú ý đến việc động viên gia đình và các em nhỏ tham gia các lớp học bơi để vừa được rèn luyện nâng cao sức khỏe thể chất, vừa được học tập các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống sót và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Đừng chậm trễ trong việc đưa môn bơi vào trường học
- Nhiều năm gắn bó với Dự án Bơi an toàn, theo bà, cần phải làm gì để đuối nước không còn là nỗi lo của các bậc phụ huynh?
- Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước gieo nỗi ám ảnh kinh hoàng, nỗi đau không dứt đối với nhiều gia đình. Vì thế, dù không phải là sớm nữa nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần phải cùng nhau hành động vì một tương lai không còn trẻ em bị đuối nước.
Điều chúng ta cần phải làm ngay là: Trang bị kiến thức, kỹ năng bơi an toàn cho con trẻ; đưa môn bơi lội vào trong trường học; nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn dưới nước cho con trẻ, phụ huynh, người chăm sóc trẻ và toàn cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống đuối nước qua các phương tiện truyền thông đại chúng; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy bơi...
- Theo bà, việc đưa môn bơi vào trường học sẽ mang lại lợi ích gì?
- Có thể khẳng định, việc đưa môn bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Khi học bơi, học sinh được giáo dục kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối, giúp các em tự tin, chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với bản thân. Ngoài ra, bơi lội còn là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lứa tuổi học sinh khi tham gia luyện tập bơi lội thường xuyên, các em sẽ phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần. Vì thế, theo tôi đừng chậm trễ trong việc đưa môn bơi vào trường học.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa môn bơi vào trường học không dễ vì điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy bơi ở đơn vị, địa phương mình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Không những chỉ ở các trường vùng khó mà ngay cả tại các trường nằm ở địa bàn thuận lợi cũng gặp phải các rào cản như: Thiếu quỹ đất để xây dựng, lắp đặt bể bơi; thiếu kinh phí; thiếu nhân lực… Thực tế trên là có nhưng tôi nghĩ đó không phải là nguyên nhân chính để từ đó không thể đưa môn bơi vào trường học. Không lấy dẫn chứng ở đâu xa, chỉ cần nhìn sang tỉnh bạn chúng ta có thể thấy rằng, mọi khó khăn, rào cản ngăn quyết tâm, sự nỗ lực đưa môn bơi vào trường học đều có thể được giải quyết.
- Trong khi chờ các cấp, ngành, dự án vào cuộc với những biện pháp quyết liệt, cụ thể, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, theo bà, chúng ta cần phải làm gì để giúp trẻ được an toàn trong môi trường sông nước?
- Theo tôi, mọi người phải tạo điều kiện cho con em mình được học kỹ năng bơi sống sót và xem đây là ưu tiên hàng đầu như ưu tiên cho việc học văn hóa… Phải chung tay, chăm lo và luôn để mắt đến con trẻ khi tiếp xúc gần môi trường nước. Cần có các kế hoạch hành động cụ thể, phân công vai trò trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị, cơ quan phụ trách công tác phòng, chống đuối nước.
- Xin cảm ơn bà!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)